Trong thực tế, con nào cũng có thể nuôi dưỡng, đỡ đần cho cha mẹ như nhau. Thậm chí khi cha mẹ ốm đau, con gái tận tình chăm sóc hơn con trai.
1. Dù xã hội đã văn minh hơn rất nhiều, nhưng việc chỉ sinh con gái cũng là nỗi buồn (giấu kín) của không ít người.
Tôi có hai con gái. Tôi rất mực yêu hai cô “công chúa” của mình, hoàn toàn không đặt nặng chuyện trai hay gái. Tuy nhiên, khi gặp bạn bè, một vài người có con trai đã nói: “Ông chỉ có con gái, ông không được phát biểu trước!”. Hoặc có người cũng bảo: “Ông kiếm thầy chỉ cách sinh con trai đi!”…
Tôi biết các bạn nói vui, nhưng ít nhiều cũng phản ánh một tâm trạng rằng chỉ sinh con gái là có phần thua thiệt, rằng mai này ngồi sui, tôi chỉ được có ý kiến sau khi nhà trai đã lên tiếng…
Nhớ hồi tôi học lớp sau đại học, cách đây mấy năm, một lần trò chuyện, vị phó giáo sư như gặp người đồng cảnh ngộ nên tâm sự với tôi: “Đó là một sai lầm của thầy”. Rồi ông kể, hồi ấy, bạn bè có người “bày” cho ông “canh” và áp dụng một số “phương pháp” để sinh con trai, nhưng hồi ấy ông không tin lắm nên chỉ thực hiện “chiếu lệ”…
Tôi nói thật lòng: “Có gì đâu mà thầy gọi là sai lầm? Biết đâu thầy “canh” rồi cũng chỉ sinh ra con gái?”. Thầy tôi cười buồn đáp: “Thà vậy mình đỡ tiếc hơn!”.
Ảnh mang tính minh họa – JCOMP |
2. Tôi là con trai đầu, ba mẹ tôi không đặt vấn đề phải sinh con trai để có cháu đích tôn. Có lẽ người miền Nam không quan trọng lắm việc nối dõi tông đường. Ba tôi luôn nói, sinh con nào mà nuôi dạy cho tốt là nó đã nối dõi rồi.
Gia đình bên vợ tôi gốc miền Trung, anh Hai của vợ cũng chỉ sinh một con gái, nên chúng tôi hay nói đùa con trai của anh Ba là cháu đích tôn. Nghe vậy, ông nhạc tôi bảo: “Đừng nói thế, anh Hai bây buồn! Với ba, cháu nào ba cũng thương hết”.
Tôi không thấy anh Hai buồn phiền gì. Anh chị cũng không có ý định sinh nữa, nhưng khi cháu đầu học lớp Bảy thì họ “tình cờ” sinh được một đứa con trai. Anh chị không tỏ ra phấn khởi lắm nhưng ông nhạc thì có vẻ hào hứng.
Ảnh mang tính minh họa – Tirachardz |
3. Ông bà xưa vẫn nói “ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng”, “có con gái mau nhờ”… như là những kinh nghiệm quý báu trong việc sinh con mà cũng có thể là sự phản kháng quan niệm “nhất nam viết hữu thập nữ viết vô”. Bởi trong thực tế, con nào cũng có thể nuôi dưỡng, đỡ đần cho cha mẹ như nhau. Thậm chí khi cha mẹ ốm đau, con gái tận tình chăm sóc hơn con trai.
Vì tôi có con gái nên sau này tôi thương các cháu gái hơn, làm các cháu trai so bì. Không chỉ vậy, trong một số dịp may bất ngờ, tôi cũng nhận thêm hai con gái nuôi, mà tôi chắc chắn rằng nếu không vì tôi chỉ có con gái thì tôi đã không làm như vậy. Đến nay sau gần chục năm, các con gái nuôi của gia đình tôi đều có sự gắn bó tốt, có tình cảm ấm áp, không khác gì con ruột, dù không xác định bằng quy định pháp lý.
Không lạc quan kiểu AQ, tôi vẫn cho rằng dù xã hội bây giờ còn mang nặng tư tưởng trọng nam khinh nữ, nhưng đôi ba chục năm nữa, điều này sẽ thay đổi. Khi đó, không chỉ vì sự mất cân bằng giới tính mà chính sự tiến bộ xã hội sẽ giúp phụ nữ được tôn trọng hơn (một cách thực sự) và có điều kiện phát triển hơn.
Gia đình nào đó nếu cố tìm cho được con trai, rồi xem nó là “quý tử”, là “con cầu con khẩn” nhiều khi chưa hẳn đã hạnh phúc!
Trúc Giang
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/co-con-gai-moi-vui-a1468172.html” name=””]