Qua những câu hỏi cũng như thử thách vui vẻ từ host Dustin Nguyễn, 2 nàng Hậu Vbiz được dịp bày tỏ quan điểm cá nhân, những góc nhìn khác nhau về ngoại hình, các kỹ năng, tri thức và cách ứng xử của Hoa hậu, lẫn thảo luận thẳng thắn về câu hỏi: Liệu các cuộc thi nhan sắc đang mang lại giá trị gì cho công chúng?
Trong tập 2 của talkshow Featured talk, Hoa hậu Việt Nam 2014 – Nguyễn Cao Kỳ Duyên và Á hậu 1 Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 – Thảo Nhi Lê đã có những chia sẻ thú vị về câu chuyện Hoa hậu giữa thời buổi hiện nay. Qua những câu hỏi cũng như thử thách vui vẻ từ host Dustin Nguyễn, 2 nàng Hậu Vbiz được dịp bày tỏ quan điểm cá nhân, những góc nhìn khác nhau về ngoại hình, các kỹ năng, tri thức và cách ứng xử của Hoa hậu, lẫn thảo luận thẳng thắn về câu hỏi: Liệu các cuộc thi nhan sắc đang mang lại giá trị gì cho công chúng?
Vậy với Kỳ Duyên đăng quang Hoa hậu từ năm 18 tuổi và một Thảo Nhi Lê bước chân vào giới “beauty queen” khi đã 27 tuổi, một Kỳ Duyên của Hoa hậu Việt Nam với những giá trị truyền thống, và Thảo Nhi Lê từ Hoa hậu Hoàn Vũ với sự cởi mở hiện đại – sẽ có khác biệt như thế nào?
Featured talk là chuỗi talkshow đặc biệt. Một cuộc nói chuyện “đinh” trong tháng. Một nhân vật hay một ekip nổi bật. Một chủ đề được nhiều người quan tâm.
Featured T alk tập 2: Tại sao người ta thích Hoa hậu?
1. Phụ nữ và ngoại hình – Hoa hậu và body shaming?
Thời điểm Kỳ Duyên đăng quang Hoa hậu Việt Nam 2014 đã bùng nổ nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh chuyện nhan sắc. Nhớ lại khoảng thời gian đó, Kỳ Duyên thẳng thắn: “Trong đêm chung kết tôi không đẹp, tôi tự thấy mình không đẹp. Thật ra lúc ấy tôi không có kiến thức nào về lĩnh vực này, thời điểm tôi đi thi Hoa hậu, tôi chưa từng đi trên giày cao gót cũng như là chưa biết thế nào làm cho mình đẹp.
Nếu có theo dõi thì mọi người cũng thấy phản ứng của công chúng với tôi trong đêm chung kết nó như thế nào và mình không đẹp trong đêm chung kết có rất nhiều yếu tố bên ngoài. Tuy nhiên bây giờ, từ 2014 đến nay là 8 năm và mình đã có nhiều kinh nghiệm hơn, đã nhận được sự chỉ bảo của anh chị đi trước nhiều hơn nên giờ mình cũng đẹp ha”.
Sẵn tiện nhắc về ngoại hình, Kỳ Duyên chia sẻ thêm quan điểm cá nhân xoay quanh việc phẫu thuật thẩm mỹ hiện nay của phụ nữ. Theo nàng Hậu chuyện “dao kéo” là không có gì xấu và tiêu cực: “Xã hội của chúng ta đang phát triển và chuyện làm cho mình đẹp hơn có rất nhiều phương pháp. Nhiều khi phương pháp cần can thiệp phẫu thuật hay liệu pháp đau đớn. Tôi nghĩ quan trọng nhất là mình nên chọn phương pháp phù hợp và cần lựa chọn những gì chỉnh sửa trên gương mặt làm sao cho vừa đủ, không nên lạm dụng nó”.
Dustin chia sẻ anh cũng từng trải qua một cuộc tiểu phẫu hút mỡ ở má và cho rằng phẫu thuật thẩm mỹ hiện nay là một khái niệm khá rộng. Dustin thắc mắc thêm khi cuộc sống hiện nay con người ta chăm chút làm đẹp, phải chăng chúng ta sẽ áp lực khi bước ra đường khi mà ai cũng đẹp. Trước câu hỏi này, Thảo Nhi Lê chia sẻ: “Tôi nghĩ ai cũng muốn nhìn cái đẹp đúng không, quan trọng là cái đẹp đó phải nhiều hơn chứ không chỉ là mỗi cái mặt hay cơ thể thôi. Tôi nói thật tôi rất thích phụ nữ đẹp, vì thế tôi làm thời trang và nội y vì khi nhìn phụ nữ tôi rất thích, nó cho tôi rất nhiều cảm hứng. Nhưng một người phụ nữ thu hút tôi thì họ phải có cá tính, có kiến thức và người ta có giá trị gì đó lâu dài khiến mình mê người ta. Còn chỉ đẹp thì mình nhìn xong rồi thôi”.
Kỳ Duyên cũng đồng ý quan điểm trên: “Điều này đúng thật sự. Khi mà đi ra ngoài đường, nhìn thấy bạn nào mà có sức hút là cứ kiểu mình nhìn bạn đó hoài. Chứ bạn nào mà chỉ có gương mặt mà mình cảm thấy tất cả các nét trên gương mặt đều đẹp, đều hoàn hảo thì mình chỉ thấy đẹp lúc đó thôi”.
Để chia sẻ sâu hơn về vấn đề phẫu thuật thẩm mỹ, Dustin thắc mắc liệu mong muốn bản thân ngày càng đẹp hơn giữa xu hướng làm đẹp của mọi người sẽ vô tình khiến các bạn trẻ tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ như một động cơ “healthy”.
Trước quan điểm này, Thảo Nhi Lê bộc bạch: “Tôi nghĩ phẫu thuật thẩm mỹ thì ai cũng có thể làm được điều đó, không phải xấu hay gì hết, nếu bạn muốn hoàn thiện một điều gì đó trên bản thân để giúp mình tự tin hơn. Nhưng quan trọng là đừng lạm dụng nó để trở thành một người khác hoàn toàn vì sự tự tin không chỉ đến từ vẻ bề ngoài, nó đến từ tâm lý của mình. Tôi không khuyến khích các bạn trẻ giờ phải đi phẫu thuật thẩm mỹ để đẹp hơn, cái đó không cần thiết nếu các bạn đã cảm thấy tự tin và đẹp rồi”.
Các cuộc thi Hoa hậu ngày càng được tổ chức rầm rộ khiến nhiều vấn đề được công chúng mang ra thảo luận. Một trong số đó chính là việc nét đẹp được tôn vinh trong một cuộc thi nhan sắc vô tình khiến những ai không sở hữu nét đẹp thuộc chuẩn của một tập thể trở thành nạn nhân body shaming. Bước ra từ cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 với chủ đề tôn vinh người phụ Việt, Thảo Nhi Lê đã chia sẻ góc nhìn của mình về vấn đề này:
“Tôi nghĩ không phải cuộc thi Hoa hậu sẽ tạo ra những giá trị hay suy nghĩ tiêu cực đấy mà là nhiều nguồn ở bên ngoài. Khi tôi sống ở bên Tây, sắc đẹp nó rất đa dạng, nó không quan trọng bạn da màu như nào, tóc như nào, cao như nào hay béo gầy mũm mĩm… ai cũng đẹp theo kiểu của mỗi người và ai cũng tự tin. Nhưng lúc tôi về Việt Nam, sống ở châu Á nhiều hơn thì sắc đẹp nó lại có rất nhiều định kiến.
Bản thân tôi cũng không theo chuẩn cái đẹp của người châu Á, tôi không phải da trắng, không có mặt nhọn, trông rất khác mọi người,… Nói chung là định kiến về sắc đẹp rất là khó, nó không chỉ đến từ Hoa hậu thôi nên việc body shaming được sinh ra từ nhiều thứ trong cuộc sống, xã hội của mình”.
2. “Trả lời như Hoa hậu” là thế nào? Và ai đăng quang đều phải nói trơn tru một câu tiếng Anh?
“Trả lời như hoa hậu” là câu nói được nhiều người dùng để ví von câu trả lời hay cách giao tiếp mượt mà của một ai đó. Phía công chúng thì “trả lời như hoa hậu” sẽ là câu nói vui đùa, chọc ghẹo lẫn nhau nhưng là những người trong cuộc, suy nghĩ của Kỳ Duyên và Thảo Nhi sẽ có góc nhìn riêng.
Theo Kỳ Duyên, cô cho rằng phần thi ứng xử trong các cuộc thi Hoa hậu dùng để đánh giá và phân định ai xứng đáng Hoa hậu, Á hậu 1 hay Á hậu 2: “Trong cuộc thi của tôi, tất cả ban giám khảo đã theo dõi rất sát sao từng thí sinh và họ xét nguyên một quá trình, xem từng thí sinh có tính cách như thế nào, xử sự với xung quanh ra sao. Và câu hỏi trong đêm chung kết giống như một cái để họ khẳng định hơn ai là Hoa hậu. Tôi nghĩ cách “trả lời như Hoa hậu” là các bạn thường chọn cách trả lời rất trau chuốt về từ ngữ”.
Còn Thảo Nhi Lê, khi nhắc về phần thi ứng xử thì cô vui vẻ kể lại: “Thật ra tôi có xem lại phần thi ứng xử của mình và buồn cười lắm mọi người ạ, cười chết luôn. Bởi vì bản thân nghe cái giọng của mình xong rồi nhìn cái mặt của mình, thấy buồn cười lắm.
Còn về câu nói ‘trả lời như hoa hậu’ thì có vẻ tôi không trả lời theo đúng như một cô Hoa hậu mà trả lời như một Thảo Nhi Lê. Tôi nghĩ quan trọng khi trả lời câu hỏi mình là được chính mình thôi, trả lời gần gũi một chút và thật thà. Một câu trả lời như Hoa hậu thì tôi không có, tôi chỉ thật thà thôi, có khi thật thà mà mình nói vấp, hơi sai một tí. Ở các cuộc thi Hoa hậu nào trên thế giới cũng thế, không phải chỉ mỗi nội dung mà mình nói là quan trọng, mình phải thêm vào đó là năng lượng, thái độ mang vào trong câu trả lời, đó mới là sự chiến thắng”.
Về chuyện yếu tố tiếng Anh đối với một Hoa hậu, Á hậu thì Kỳ Duyên và Thảo Nhi Lê có nhìn nhận chung. Kỳ Duyên chia sẻ: “Tôi nghĩ mỗi cuộc thi sẽ có tiêu chí khác nhau, có cuộc thi yêu cầu đòi hỏi cao hơn, ví dụ như Miss Universe hay bất cứ cuộc thi nào mà chúng ta lựa chọn người trở thành Hoa hậu để thi quốc tế. Tiếng Anh đã là ngôn ngữ toàn cầu, việc mình biết và nói thành thục ngôn ngữ đó sẽ là bước đệm để có thể hòa nhập vào cuộc thi ở nước ngoài, chúng ta có thể kết nối nhiều hơn và trình bày tất cả những gì chúng ta suy nghĩ về vấn đề nào đó. Tôi nghĩ tiếng Anh đối với một người Hoa hậu là điều rất cần thiết, đặc biệt là đối với những bạn chuẩn bị hành trang để thi quốc tế”.
Thảo Nhi Lê cũng đồng tình quan điểm trên: “Tôi cũng đồng ý với Duyên là nếu mình có mục tiêu được thi quốc tế, được đại diện cho Việt Nam, muốn kết nối với thế giới, muốn mang được Việt Nam ra quốc tế thì mình phải biết truyền cảm hứng. Nhưng truyền cảm hứng thế nào khi không có ngôn ngữ, mình không thể truyền bằng tay chân suốt ngày được, mình phải có một vài chữ để tiếp cận, trao đổi với người ta và ngôn ngữ là cách để kết nối con người ta lại. Như Thảo Nhi Lê, tiếng Việt Nam tôi không giỏi, tôi nói kém hơn rất nhiều cô gái khác nhưng tôi nói ngắn nói gọn để cho người ta hiểu ý của mình và cho cảm xúc vào những lời nói đó, thế là ok và tiếng Anh cũng thế”.
3. Chúng ta thích Hoa hậu vì yêu cái đẹp và sự hoàn hảo?
Trong những năm trở lại đây, cộng đồng fan sắc đẹp ngày càng đông và được tổ chức khá bài bản. Những diễn đàn sắc đẹp được tạo ra khiến hội người yêu cái đẹp đưa ra đánh giá và có tiếng nói hơn. Vậy Hoa hậu có gì mà thu hút con người ta đến thế?
Kỳ Duyên: “Tôi nghĩ để trở thành Hoa hậu tại Việt Nam, thứ nhất các bạn ấy phải đẹp, thứ hai các bạn ấy phải trở thành hình mẫu. Nói hình mẫu thì hơi quá, mình không thể áp đặt nó lên người khác được nên đúng hơn ở đây là truyền cảm hứng. Hoa hậu là một người mang tới lối sống tích cực, có những tư duy tốt, đầy đủ kiến thức về xã hội hay các lĩnh vực khác nhau để cho các bạn trẻ mong học tập, nỗ lực, cố gắng và tích cực để giống một cô Hoa hậu, tôi nghĩ đó là lý do mọi người thích Hoa hậu đến như vậy.
Thảo Nhi Lê: “Tôi cũng nghĩ thế thôi, thích Hoa hậu thì sao, ai cũng thích vẻ đẹp. Hơn nữa, tôi nghĩ Hoa hậu là giải trí, xem cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ, Miss World hay cuộc thi khác vì nó giải trí, rất nhiều cô gái đẹp, áo đẹp, váy đẹp, body đẹp, trình diễn đẹp, ca sĩ đẹp, tất cả mọi thứ đều rất hoành tráng và nhìn vào mình muốn là một phần của cuộc thi đó. Đặc biệt khi nghe trả lời ứng xử của những cô gái, nó truyền cảm hứng cho mình. Đôi khi đó là những câu trả lời ngắn gọn nhưng lại nhắc nhở mình điều gì là quan trọng trong cuộc sống.
Trước quan điểm “cuộc sống của một Hoa hậu hoàn hảo hay một con người không có sai lầm sẽ nhàm chán” Thảo Nhi Lê chia sẻ thêm: “Đối với tôi người hoàn hảo thì không có, mà nếu một người nào đó quá hoàn hảo thì rất ‘boring’. Sự khác biệt của con người nó đến từ khuyết điểm và điều đó làm nên cá tính của mình và bản thân chúng ta nên thể hiện cái đấy.
Khác biệt của tôi là luôn luôn có ý kiến riêng của mình, tôi không sợ ai hết và thích nói gì là nói, tôi nói tiếng gì cũng được hết, kiểu cầm mic đưa hết vào tôi là tôi nói, nuốt mic luôn. Tôi chỉ cao 1m68, chưa đủ 1m70 nhưng không quan trọng, tôi vẫn tự tin, vẫn tỏa sáng, có cá tính riêng của mình và tôi làm những khuyết điểm trở thành điều khác biệt của bản thân, đó là điều mà mình nổi bật hơn người khác, còn những bạn hoàn hảo thì quá an toàn”.
[yeni-source src=”http://ttvn.toquoc.vn/” alt_src=”https://kenh14.vn/ky-duyen-va-thao-nhi-le-tren-featured-talk-2-tai-sao-nguoi-ta-thich-hoa-hau-20220721092548496.chn” name=”Trí Thức Trẻ”]