Yêu cầu thấp nhưng tiền lương về tay dễ như ăn bánh. Công việc “diễn viên” này đã trở thành cứu cánh cho nhiều người thất nghiệp ở Thâm Quyến, Trung Quốc.
Nỗ lực làm việc chính là mục tiêu phấn đấu của đa số người trong xã hội thời nay. Trần Minh Chí 27 tuổi ở Thâm Quyến, nghỉ làm ở công ty Internet, bắt đầu trải nghiệm công việc tự do.
Trần Minh Chí gặp một người môi giới bất động sản. Người này đã nhờ anh giả vờ làm khách hàng đi xem căn hộ để hoàn thành KPI. Thậm chí, anh còn giả vờ làm nhân viên đi phỏng vấn rồi tìm cách nghỉ việc sau khi hoàn thành hợp đồng bán hàng, hay giả vờ làm khán giả trong diễn đàn.
Diễn viên đóng vai nhân viên văn phòng
Bốn người ngồi trong một văn phòng hơn mấy chục mét vuông, nhưng chỉ có một người là nhân viên thật sự, ba người còn lại là “diễn viên”. Trần Minh Chí là một trong 3 diễn viên đó.
Trần Minh Chí tìm thấy công việc này từ một bài đăng tuyển trên mạng xã hội: “Nội dung công việc vô cùng đơn giản, chỉ cần ngồi yên ở văn phòng”. Ngày hôm đó, anh diễn vai nhân viên bán hàng, ngồi tại chỗ bấm điện thoại hơn 3 tiếng, sau đó được nhận 90 NDT (hơn 313 nghìn VNĐ) tiền công.
Trần Minh Chí sinh năm 1995, sau khi tốt nghiệp đại học với chuyên ngành biên tập và xuất bản, anh làm việc ở một công ty Internet tại Thâm Quyến. Cuối năm 2020, liên tiếp chứng kiến cảnh bạn bè và đồng nghiệp đột quỵ vì làm việc quá sức, anh đã nghỉ việc văn phòng và làm công việc tự do.
“Trở thành khách hàng đi xem căn hộ, nam hoặc nữ 20-45 tuổi, ăn mặc lịch sự. Xem 5 căn hộ, tiền công 100 NDT, thanh toán lương sau khi hoàn thành công việc, bao xe đưa rước”.
Trần Minh Chí liên hệ người đăng quảng cáo này mới biết ông ta là môi giới bất động sản. Vì sắp cuối tháng nhưng chưa hoàn thành KPI (đưa khách hàng xem căn hộ) nên ông đã lên mạng tuyển người giả vờ làm khách hàng.
Thế là Trần Minh Chí đã diễn vai một lập trình viên công ty Internet, thu nhập mỗi năm 300 nghìn NDT (hơn 1 tỷ VNĐ), có hộ khẩu ở Thâm Quyến, mua nhà để chuẩn bị kết hôn. Đồng thời, người môi giới còn yêu cầu anh ghi nhớ các chính sách mua nhà ở Thâm Quyến, hạn mức nộp thuế để ứng phó hợp lý trong quá trình đi xem nhà.
Trần Minh Chí cùng 100 khách hàng khác đến một tòa nhà ở vùng ngoại ô thành phố. Anh nghi ngờ đa số khách hàng này cũng là “diễn viên” giống mình.
Đoàn người được một nhân viên sales dẫn đi xem các căn hộ rao bán. Quá trình xem căn hộ kết thúc, đoàn người cùng ngồi xuống và làm một bước cuối cùng. Nhân viên sales phát giấy và bút cho khách hàng, giới thiệu cho họ mức giá của mỗi căn hộ để “chốt đơn” ngay và luôn với câu chào mời quen thuộc: Mua ngay đi nếu không muốn bị người khác giành trước!
Người môi giới thuê Trần Minh Chí ngồi bên cạnh lướt điện thoại, không hề quan tâm đến chuyện gì đang diễn ra. Nhân lúc nhân viên sales không có mặt, ông ta đến nói với Trần Minh Chí tìm cớ để rời khỏi nơi đó. Thế là hai người lại tham gia quy trình xem căn hộ ở tòa nhà khác.
Cuối ngày, Trần Minh Chí nhận được tiền công 100 NDT (gần 350 nghìn VNĐ).
Trải nghiệm diễn vai khách hàng đi xem căn hộ này đã mở ra cho Trần Minh Chí một định nghĩa mới về công việc. Nhưng làm sao để tìm thấy ý nghĩa trong những công việc hư cấu và giả tạo này lại là điều khiến anh luôn băn khoăn.
Hội trường phỏng vấn công việc bán bảo hiểm của Trần Minh Chí.
Cuối năm 2021, Trần Minh Chí nhận được một công việc cực kỳ “hời”, chỉ cần mỗi ngày đến công ty chấm công thì mỗi tháng có thể nhận được 3 nghìn NDT (hơn 10 triệu VNĐ).
Người thuê Trần Minh Chí là một nữ trưởng phòng bộ phận bán hàng 30 tuổi. Cô yêu cầu Trần Minh Chí trở thành nhân viên bán bảo hiểm. Sau khi nhận việc, anh phải bán được một đơn bảo hiểm trong vòng một tuần và chuyển tiền hoa hồng cho cô. Cuối cùng, anh có thể tìm cách nghỉ việc.
Tuy nhiên, làm thế nào để đậu vòng phỏng vấn mới thật sự khó. Nữ trưởng phòng đã truyền thụ kỹ năng phỏng vấn cho Trần Minh Chí.
Sau khi tham gia buổi phỏng vấn với HR, Trần Minh Chí có chút sợ hãi. Giả vờ phỏng vấn, giả vờ đào tạo, giả vờ bán hàng, cũng giả vờ nghỉ việc. Kỹ năng diễn xuất càng ngày càng chân thật. Lo lắng bị kiện tụng khi nghỉ trước thời hạn hợp đồng khiến Trần Minh Chí quyết định từ chối công việc này. Đương nhiên anh đã bị nữ trưởng phòng mắng cho một trận rồi chặn số điện thoại cùng các ứng dụng nhắn tin khác.
“Công việc ma”
Trần Minh Chí đã tham gia vào rất nhiều nhóm tìm việc trong khu vực thành phố. Anh cố gắng làm nhiều công việc khác nhau để chiêm nghiệm những cuộc sống không giống nhau.
Công trường xây dựng cần nhiều công nhân. “Diễn viên” chỉ cần điền vào mẫu đơn xin việc, để lại chứng minh thư 5 ngày, sau đó có thể được nhận 200 NDT (gần 700 nghìn VNĐ). Ngoài ra còn có rất nhiều công việc cực kỳ đơn giản khác như xếp hàng mua hộ, xem video để tăng tương tác… Yêu cầu thấp nhưng tiền lương về tay dễ như ăn bánh. Công việc “diễn viên” này đã trở thành cứu cánh cho nhiều người thất nghiệp ở Thâm Quyến.
Các nhà tuyển dụng tạo ra một số vị trí “ảo”, với tiền công bèo bọt để hệ thống công việc diễn ra một cách bình thường. Nhiều người còn gọi loại công việc hư cấu này là “công việc ma”.
Dù cố gắng tìm kiếm ý nghĩa tích cực của “công việc ma” nhưng Trần Minh Chí ngày càng phát hiện sự vô lý.
Trần Minh Chí trở thành người xếp hàng mua hộ.
Trần Minh Chí từng làm công việc thống kê số lượt người vào một cửa hàng trong siêu thị đang áp dụng chương trình khuyến mãi. Thông thường, một người bước qua cửa cảm ứng thì số liệu thống kê sẽ nhảy số cộng 1.
Nhưng nhân viên cửa hàng đã thi nhau nhảy qua nhảy lại cửa cảm ứng để “lách luật”. Kết quả, số lượng người đến cửa hàng đạt hơn 20.000 lượt, trong khi số liệu thực tế thấp hơn rất nhiều.
“Họ đã tạo nên kết quả vượt mong đợi nhưng không có giá trị thật. Đến khi hiệu suất công việc không như mong muốn, nhân viên cửa hàng sẽ tìm lý do để bao biện cho sự tắc trách của mình. Họ cho rằng bản thân đã cống hiến xứng đáng với đãi ngộ mà công ty đưa ra”, Trần Minh Chí chia sẻ.
Gần đây, Trần Minh Chí trở thành khán giả để lấp đầy số người tham gia trong một diễn đàn. Khi chuyên gia diễn thuyết đầy nhiệt huyết thì những người diễn vai khán giả như anh chỉ ngồi chơi game, chờ ăn tiệc trưa và nhận quà tặng.
Tại buổi diễn đàn này, Trần Minh Chí gặp lại một người bạn cũng làm nghề tự do và đến đây làm khán giả giống anh. Hai người cùng tâm sự và chia sẻ về tình hình kinh tế hiện tại.
Người bạn kia đột nhiên đưa ra ý tưởng: “Thay vì làm những diễn viên đóng thế, chúng ta cùng hợp tác làm môi giới cho công việc ma”.
Ý tưởng này đã khai sáng Trần Minh Chí: “Chúng ta chắc chắn làm được!”.
Nguồn: Sohu
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/chang-trai-lam-cong-viec-ky-la-ngoi-khong-cung-co-luong-chi-yeu-cau-kha-nang-nhap-vai-nhu-dien-vien-20220802124649362.chn” name=””]