Thói quen ‘kéo hàm’ đã ‘ăn’ vào trong máu của những nhân viên văn phòng tại khu vực này, đến nỗi ăn gì, xài gì cũng phải ‘làm excel cho nó clear’.
Series ” 1 Tiếng 30 Phút Nghỉ Trưa ” không chỉ dừng ở chuyện ngủ nghỉ, ăn gì, hay có hoạt động nào nổi bật vào giờ nghỉ trưa… mà chúng tôi còn “khai quật” tất tần tật mọi thứ xoay quanh vào cuộc sống của giới nhân viên văn phòng và những ai đang đi làm môi trường công sở nói chung. Tuy nhiên, sau một thời gian dài khai thác vô vàn các câu chuyện của nhiều cá nhân, doanh nghiệp thì chủ đề về chi tiêu và ăn uống giờ trưa tại các cụm văn phòng tại TP.HCM và Hà Nội là một trong số nội dung nhận được sự quan tâm đặc biệt từ mọi người, điển hình là câu chuyện “lương theo đô, xài theo đồng” tại cụm văn phòng Bitexco – Sun Wah ; câu chuyện giờ trưa ngồi vỉa hè la liệt của nhân viên khu Vincom – Takashimaya ,… hay gần nhất là hàng cơm chuyên phục vụ các sếp lớn tại quận 3 đã khiến nhiều người bất ngờ vì “Bao năm nay đi làm sao không biết giờ trưa của dân công sở lại có nhiều thứ để nói đến vậy!?”
Trong quá trình tìm hiểu chúng tôi bất ngờ nhận được một chia sẻ từ bạn tên Linh gửi đến rằng: “Team 1 Tiếng 30 Phút Nghỉ Trưa ơi, mình hiện đang làm ở một nơi được xem là “khu tài chính” giữa Quận 1. Mình cũng muốn share điểm thú vị vào giờ trưa ở nơi mà tụi mình làm…”
Thế là chúng tôi đi theo lời giới thiệu của Linh để tìm tới một nơi nằm giữa trung tâm TP.HCM – nơi Linh cho rằng…
“NƠI ĐÂY NHÂN VIÊN VĂN PHÒNG TỪ NGÀY TỚI ĐÊM CẦM TIỀN NHIỀU HƠN CẦM GIẤY”…
Theo chia sẻ của Linh: “Lý do nơi này gọi là “khu tài chính” bởi vì xung quanh đây tập hợp rất rất nhiều trụ sở, văn phòng của đủ mọi Ngân hàng tại TP.HCM, đặc biệt có Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam, nên phần đông, các nhân viên làm việc tại khu vực này vào giờ trưa mà đi ra ngoài sẽ toàn thấy các bạn mặc đồng phục của ngân hàng xuất hiện kéo dài từ đoạn Tôn Thất Đạm, Võ Văn Kiệt, Phó Đức Chính, Nguyễn Thái Bình,… để đếm phải hơn 20 tòa nhà như: Viettinbank, Sacombank, Techcombank, Argibank, BIDV, MSB, SCB, ACB…”
Và tất nhiên, những nhân viên văn phòng làm tại khu này đều là dân kế toán, tài chính chiếm số đông, nên đó cũng là một trong những lý do vì sao “dân trong ngành” gọi nơi này là vậy.
Nói về cuộc sống văn phòng của mọi người nơi đây có thể gói gọn trong 2 từ, chính là “ngay ngắn” và “quy củ”. Họ là những dân văn phòng làm giờ hành chính chính hiệu, không lệch đi đường nào.
Mỗi ngày cứ 8h – 8h30 họ đã có mặt ở văn phòng để chấm công. Giờ nghỉ trưa từ 1 tiếng – 1 tiếng 30 phút, không có ngoại lệ. Giờ tan tầm cũng đúng và đều như vắt tranh… “chính vì vậy, nếu bạn chỉ là một người đi đường, vô tình chạy ngang qua thì sẽ thấy nơi này khá vắng vẻ từ ngày lẫn đêm vì mọi người thường ngồi trong văn phòng, các hàng quán cũng có nhưng chẳng mấy khách ngồi như nơi khác. Chỉ khi nào nhân viên văn phòng trong các tòa nhà này ra về, hoặc kéo nhau đi ăn trưa thì mới thấy nó nhộn nhịp, đông đúc hơn chút” – Linh cho biết.
Đúng như Linh chia sẻ, mặc dù khu này nằm ngay trung tâm Quận 1, cách phố đi bộ Nguyễn Huệ chỉ vài ngã tư nhưng vào giờ cao điểm khi xe cộ các con đường cạnh bên ùn tắc thì quanh đây vẫn thưa thớt dòng người. Có chăng chỉ là từng tốp người ra vào các công ty.
“LÀ KHU VĂN PHÒNG, ẮT “BẢN ĐỒ ẨM THỰC” NƠI NÀY CŨNG PHONG PHÚ LẮM?” THÌ BẠN ĐÃ LẦM!
Tất cả các cụm văn phòng mà “1 Tiếng 30 Phút Nghỉ Trưa” từng giới thiệu tại Sài Gòn từ đầu đến giờ tuy mỗi nơi có một nét riêng, nhưng điểm chung các nơi này đều là “một hệ sinh thái” các địa điểm ăn uống đa dạng tới mức dân văn phòng chỉ cần mở cửa là có thể “ăn cả thế giới”. Nhưng lạ thay… khu vực toàn các dân tài chính, lương từ cao đến rất cao thế này lại thưa thớt hàng quán thấy rõ.
Nhìn về mặt bằng chung thì vẫn có hàng rong, quán ăn từ vừa tới nhỏ, nhưng đúng 12h30 rồi mà chỉ có vài lượt nhân viên đi ra ngoài để ăn. “Bởi vì mọi người khá lười và thường cũng ít khi rời khỏi phòng mà hay nán lại giải quyết công việc, tư vấn thêm cho khách/đối tác, trực bảng điện, update thị trường,… Rất nhiều thứ để làm mãi không ngơi tay và đó là đặc thù công việc của dân tài chính” – chị Tố Nga làm tại một Quỹ đầu tư trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa cho biết.
Vì vậy mà tới bữa trưa, dân văn phòng tại đây có xu hướng lên các ứng dụng đặt đồ ăn, vừa không phải đi ra ngoài nắng vừa có menu đa dạng, thèm gì cũng có, dù giá có cao hơn là tự ra ngoài ăn nhưng với họ “thời gian là vàng là bạc, bớt ra ngoài một chút mà tốt cho công việc thì thôi… lười”.
KHÔNG AI QUẢN LÝ TIỀN TỐT BẰNG HỌ, ĐÔI LÚC THÍCH “KÉO HÀM” ĐỂ TÍNH CHI TIÊU
Có thể mỗi người sẽ có một cách chi tiêu khác nhau phụ thuộc vào mức sống, mức lương, môi trường sinh hoạt lẫn môi trường làm việc. Nhưng nếu nói chung về vấn đề quản lý tiền bạc, thì chắc chắn những người làm về tài chính phải có phương pháp “bài bản” hơn rất nhiều. Và “phương pháp” được phần đông mọi người tại đây cho biết là:
1. “Không để tình trạng cạn túi vào cuối tháng”
“Mình không có quy định cho bản thân mỗi bữa chi được ăn tối đa bao nhiêu tiền, cũng chưa bao giờ tính toán xem một tháng phải tốn bao nhiêu tiền cho chuyện ăn trưa là phù hợp. Mình cứ chọn ăn những hàng quán lề đường là được, vì quán vỉa hè bình dân sẽ không thể nào bán giá cao. Ở quanh khu vực này các món đều dao động từ 30.000 đồng – 40.000 đồng. Nên khi tới mua không sợ bị đắt quá hay xài lỡ tay cho bữa trưa.” – Chị Ngọc Hà.
Tuy nhiên, anh Trung Thành cho biết: “Mình sẽ không có công thức chi tiêu cho bữa ăn, nhưng sẽ không dùng quá 20% lương cho bữa trưa đi làm của một tháng. Tức là tính ra một ngày lương mình bao nhiêu, mình sẽ mua bữa ăn dưới 20% ngày lương hôm đó. Thế nhưng lâu lâu nếu muốn ăn món gì đắt tiền hơn hay đi ăn cùng đồng nghiệp, mình vẫn có thể trả hơn số tiền này.”
Thông thường với những người áp dụng phương pháp này thì họ luôn hình dung được tổng quan mức thu nhập và những đầu việc cần phải chi trả trong mỗi tháng là bao nhiêu. Chỉ cần không vượt qua con số mà họ cho là “không bao giờ được phép”, chứ không nhất thiết phải quá chi li.
2. “Chi tiêu sòng phẳng và cần có sự đo lường một cách rõ ràng”
Nhóm này nghe qua chắc mọi người nghĩ là nhiều, nhưng thực tế họ chiếm số lượng ít hơn nhóm ở trên. Tuy nhiên, “một khi họ đã chia là chia rất rõ ràng, sòng phẳng” – chị Linh còn tiết lộ thêm bản thân có thói quen cứ đụng tới chi tiêu, tính toán là chị sẽ mở Excel ra kéo… Ngay cả chuyện chi tiêu hàng tháng, hay đi chơi với nhóm đồng nghiệp, đi ăn trưa cùng nhau cũng quy hết lên Excel mà tính “để khỏi ai hiểu lầm”.
Với cách thức tương tự, Tuấn Khôi (32 tuổi) làm việc tại một ngân hàng quốc tế chia sẻ: “Nhóm mình cũng có phân công một người phụ trách tính toán, chia bill cho các thành viên mỗi khi đi ăn uống cùng nhau ngoài giờ làm việc. Chắc do thói quen nghề nghiệp, nên anh ấy cũng hay tính trên Excel rồi gửi cho mọi người sau mỗi cuộc vui”.
Kết thúc mỗi cuộc vui với đồng nghiệp của team Tuấn Khôi là một bảng chia bill chi tiết như thế này.
Tại đây, chúng tôi đã hỏi được biểu đồ quản lý chi tiêu hàng tháng của một chuyên viên tài chính trẻ (29 tuổi). “Mình không phải là người quá “tính toán” trong việc chi tiêu, nhưng việc quản lý nó bằng nhiều cách có thể biết được rõ ràng tháng đó mình đã làm gì. Nếu có khoản nào lố tay thì tháng sau mình sẽ bù lại. Đối với mình cách này rất bình thường, cũng chẳng có gì cao siêu hay phức tạp. Mình nghĩ cho dù không phải làm về tài chính, với một người bình thường cũng có rất nhiều người dùng cách này, chẳng qua phương pháp mỗi người có thể không giống nhau”.
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/gio-nghi-trua-tai-khu-tai-chinh-voi-nhung-nhan-vien-van-phong-cam-tien-nhieu-hon-cam-giay-co-thoi-quen-lap-excel-de-keo-ham-chi-tieu-20220714163000663.chn” name=””]