Anh hiểu ra người già hay nhắc chuyện cũ để nhớ, để thương. Người già sống bằng hoài niệm, để nương vào đó gợi lại những yêu thương, để vực dậy chính mình…
Một đời má gánh gồng vì con (Ảnh minh họa) |
Má anh đã 90 tuổi, bà mất cách đây không lâu. Đây là mùa Vu lan đầu tiên anh không còn má. Tuổi ngoài 50, anh nghĩ khi má rời đi, nỗi đau đó sẽ không giằng xé, đớn đau như khi anh còn trẻ. Đến lúc má mất rồi, anh mới biết tuổi nào mất má cũng đau.
Má cao tuổi nên có nhiều bệnh nền. Dăm ba bữa anh lại xấc bấc xang bang chạy về nhà đưa má đi bệnh viện vì má mệt, vì huyết áp cao, vì tự dưng má sốt…
Lần nào đưa má đi viện, tim anh cũng thắt lại, thấp thỏm nỗi lo sợ. Nhà có người giúp việc, nhưng buông việc ra là anh đút má ăn, bồng má đi tắm rửa, gãi lưng cho má dễ ngủ… Mỗi cử chỉ của anh dành cho má đều gượng nhẹ, nâng niu. Anh sợ má đau. Còn má thì biết, “thằng Dũng là đứa thương má nhất nhà”. Má cũng chỉ chịu mỗi anh chăm sóc.
Bấy lâu anh cứ nghĩ má lệ thuộc vào anh, cần có anh. Đến lúc má đi rồi anh mới biết, chính anh mới là người cần có má. Anh đi làm, không có ai nhắc: “Nắng nghe bây, áo khoác đâu?”, “Trời ui ui đó, có mang áo mưa chưa con”, “Nhậu nhẹt gì trễ dữ bây, coi chừng sức khỏe nghen”… Nhiều lúc lên xe rồi anh cứ phải ngoái lại, ngỡ như má đứng bên thềm, dõi theo anh bằng ánh mắt yêu thương…
Má đi rồi, chiếc giường má nằm, ghế dựa má hay ngồi, chiếc gối má ôm… anh giữ như cũ để ru mình rằng má đi chơi đâu đó thôi, rồi má sẽ về. Hoặc cũng có khi anh nghĩ anh không nhìn thấy má thôi, có thể má vẫn quẩn quanh đâu đó. Dọn dẹp hay thay đổi mọi thứ má sẽ không quen. Anh cũng sẽ hụt hẫng vì nỗi trống vắng…
Những ngày còn khỏe, má hay lấy ra bọc đồ cũ. Trong đó có hộp đựng thuốc lá của ba, chiếc áo ấm bé xíu của chị Hai, cái nón đội đầu bằng len của anh Ba, áo bác sĩ của anh… Mấy món đồ cũ kỹ, ố vàng nhưng má cứ nâng niu, vuốt ve. Má nhắc những chuyện như: Hồi đó chị Hai hay viêm phổi, quanh năm mặc áo ấm mới chịu. Anh Ba ít tóc, sợ người ta cười nên khư khư cái nón trên đầu. Còn anh, mặc áo bác sĩ vào, cái mặt tròn ủm, má tủm tỉm “cưng gì đâu…”…
Anh đã quá quen với cảnh má vừa cầm từng món đồ vừa kể những chuyện xa lắc. Anh lơ đễnh nghe, không lấy gì làm hào hứng vì câu chuyện đã thuộc lòng.
Giờ anh bắt chước má, giữ lại chiếc áo cũ của má. Chiếc áo có hai túi to, gài kim băng, bên trong có chiếc khăn mùi xoa ố vàng, má gói mấy đồng tiền lẻ. Mai này rồi cũng tới lúc anh lẩn thẩn mở tới mở lui mấy món đồ cũ để nhớ má. Anh hiểu ra người già hay nhắc chuyện cũ để nhớ, để thương. Người già sống bằng hoài niệm, để nương vào đó gợi lại những yêu thương, để vực dậy chính mình…
Nhớ mùa Vu lan mấy năm trước, anh dắt xe đi làm thì má nhắc: “Nay rằm lớn đó con, nhớ ăn chay nghen”. Anh không cãi má, chỉ cười cười. Nhìn kiểu cười của anh, má biết tỏng trong bụng anh nghĩ gì.
Má nhẹ nhàng: “Ăn chay không phải tu hành gì đâu con, mà để nuôi mầm thiện, dừng sự sát sinh để thiên nhiên được chữa lành”. Câu nói của má bám riết lấy anh cả buổi sáng.
Lúc đi ăn trưa, anh chạy qua mấy con đường, cố tình tìm chỗ bán cơm chay. Những ngày tang má, anh cũng ăn chay. Ai đó nói đang để tang cha mẹ thì nên ăn chay cho cha mẹ được phước. Anh không biết má có nhận được phước hay không, chỉ là khi ăn chay thì lòng mình thấy nhẹ nhõm, thanh thản. Là chính anh đang được chữa lành…
Mùa Vu lan báo hiếu, anh cài đóa hoa hồng trắng trên ngực, nghe ngậm ngùi bởi hai tiếng mồ côi chưa bao giờ làm anh nguôi đau xót. Trong ảnh, má cười với anh. Má có biết thằng con của má vẫn chưa quen thiếu má trong đời? Má à, yên nghỉ nha má…
Đức Phương
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/mua-vu-lan-dau-tien-khong-con-ma-a1470313.html” name=””]