Thím út thường nhắc đi nhắc lại với chú ngày bước chân vào nhà nội nước mắt chan cơm.
Có khi thím kể nội chê thím kho cá mặn quá, về ngoại sao không xin phép, chăm nom kiểu gì để gà chết… Thím thở dài: “Tại từ đầu má không ưa em”.
Nhà thím nghèo, thím có tướng đi nghênh ngang như đàn ông nên nội chẳng vừa lòng. Chú út từ nhỏ tính bướng, thích gì là làm bằng được. Chú âm thầm tặng thím… cái bầu. Nội sợ mang tiếng ác, làm lễ rước thím về nhà. Thím vô nhà không được đi cửa trước, không được lạy bàn thờ. Thím “nhục không biết cất mặt đi đâu”. Cái gai giữa nội với thím làm khổ sở cả hai. Nội nằm viện, thím nói với chú: “Ai có trầu cau đi cưới, thì đi nuôi má”.
Ảnh mang tính minh họa – Freepik |
Má tôi khi đó đang nuôi chị Hai mới sinh, phải bỏ hết để đi bệnh viện chăm nội. Nội về nhà, tới bữa thì thím nấu cơm, lúc tắm thì thím nấu nước nhưng không nói một lời. Nội khó ở khó ăn cũng không biết than thở với ai. Tội nghiệp nhất chú út – người đàn ông giữa mẹ và vợ, đâu thể bỏ bên này thương bên kia.
Trong một chương trình game show hẹn hò, cô gái hỏi chàng trai: “Nếu phải chọn lựa giữa mẹ và em, anh chọn ai?”. Chàng trai nói: “Sẽ để mẹ và vợ tự xử. Nếu thương anh, chẳng ai bắt anh phải ở vào tình cảnh buộc phải chọn lựa”.
Không biết cô gái có thỏa mãn câu trả lời của chàng trai ấy không, nhưng tôi có cảm giác cô ấy đã có sẵn tâm thế phòng thủ với nhà chồng. Nhà chồng là nhà mình, mẹ chồng cũng là mẹ mình, nghĩ được vậy thì làm gì có phe này phe kia!
Cũng trong chương trình ấy, một cô gái rất dễ thương khi nói rằng: “Em biết bơi. Nếu có sóng gió giữa dòng, anh hãy lo cứu mẹ anh trước, em sẽ tự bơi vào bờ”. Tôi nghĩ, chàng trai sẽ rất trân trọng cô gái ấy. Người phụ nữ hiểu chuyện sẽ không làm khó người đàn ông của mình, biết đâu là giới hạn để gìn giữ hạnh phúc.
Tôi đi học xa, thỉnh thoảng về thăm nội. Lần nào cũng thấy nội ngồi dựa góc cột bên hiên nhà. Kiểu ngồi bơ vơ, buồn thỉu. Đám em họ xúm xít với thím nơi góc bếp. Nội lắng nghe tiếng cười đùa lao xao. Nhìn ánh mắt nội khắc khoải, tôi biết nội thèm tiếng nói cười, thèm được ngồi sum vầy ở đó. Tôi chỉ biết nắm tay nội rưng rưng.
Ảnh mang tính minh họa – PressFoto |
Ngọc, con gái lớn của chú thím, có người yêu. Nhà trai chê em miệng rộng, gái quê nên lần lữa không chịu cưới. Rồi em mang bầu. Lễ cưới diễn ra gấp gáp trong sự hờ hững của nhà trai. Thím cuống cuồng lo cho em, hết sức ngọt nhạt để sui gia vừa lòng. Thím sợ con gái giống mẹ ngày xưa. Lần đầu tiên, tôi thấy thím mua cho nội áo dài, dìu đỡ nội trong ngày cưới của Ngọc.
Tối ngày Ngọc lạy xuất giá, thím khóc với nội: “Má à, mai má ráng đi đưa dâu cháu. Con… không để má buồn nữa đâu”. Chú út quay đi giấu hai mắt đang chớp. Từ lúc đó, chú đi đứng nói cười rổn rảng. Hình như gánh nặng của chú đã được đặt xuống.
Người ta hay nói chính mình ở trong cuộc mới hiểu hoàn cảnh của người khác. Thím sẽ dạy Ngọc sống sao để nhà chồng thương, không lặp lại bi kịch của cuộc đời thím. Và nội tôi, giờ đã hay cười với con dâu.
Đỗ Minh Thùy
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/anh-muon-chon-ca-em-va-ma-duoc-khong-a1472227.html” name=””]