Dù thế nào thì lớp trẻ vẫn mong muốn một tình yêu dài lâu, tình yêu chung thủy vì nhau mà sống chết, thứ tình yêu hầu như không còn trong đời thực nữa. Vì sao lại thế?
Ảnh mang tính minh họa – SHUTTERSTOCK |
1. Cô cháu tôi, một “hotgirl” xấp xỉ 30 tuổi, trẻ trung và xinh đẹp. Các cụ xưa nói “Trai 30 tuổi đang xoan, gái 30 tuổi đã toan về già”. Ở tuổi cháu, thế hệ trước đều đã có gia đình con cái, nhưng cháu vẫn đang một mình. Mỗi lần đến chơi, cháu đi cùng một chàng trai sành điệu. Tôi thắc mắc hỏi cháu: “Lại bạn trai mới à?”. Cháu cười xác nhận.
– Sao thay bạn trai xoành xoạch vậy cháu, cháu có yêu chúng nó không?”.
– Phải yêu thì mới thành cặp chứ bác! Có điều, thời nay tình yêu chúng cháu không như thời bác, chúng cháu yêu là yêu, mà chán là kết thúc ngay!
– Thời bác cũng vậy, chán thì cũng phải kết thúc thôi. Vấn đề là, từ lúc yêu đến lúc chán nó dài lắm, thậm chí dài cả một đời. Còn các cháu, yêu và chán cứ như chớp, vừa yêu hôm trước hôm sau chán rồi! Vì sao vậy?
– Cháu chịu, chẳng biết được. Có lẽ con người thời nay khác con người thời bác!
– Vậy tình yêu Romeo và Juliet thì sao? Liệu ngày nay còn tình yêu dám vì nhau sống chết như vậy không?
Con bé cười lớn:
– Thời Romeo và Juliet là thời lãng mạn. Thời đó qua lâu rồi bác ơi…
2. Có một nhà văn nổi tiếng thế giới nói rằng: “Con người có tâm hồn là để yêu thương”. Vậy thì, ta có thể luận ra rằng, tâm hồn thế nào thì tình yêu thế nấy. Muốn biết tại sao tình yêu ngày nay ngắn ngủi và thực dụng như cách kể của cháu tôi, thì ta phải tìm hiểu tâm hồn người ngày nay khác người thế hệ trước thế nào…
Và để làm điều đó, cần một chuyên đề tâm lý – xã hội học công phu mới có thể trả lời. Nhưng, dựa trên quan sát thực tế và kinh nghiệm sống, tôi nhận thấy, một tâm hồn lãng mạn cần có những không gian, những điều kiện khách quan để nó trở nên lãng mạn…
Lớp trẻ ngày nay khó mà tưởng tượng, có một kiểu tình yêu mà hai người yêu nhau cứ đạp xe đi lòng vòng, thật ra là chàng trai đèo cô gái sau xe đạp, và cứ đạp mãi, hết phố nọ sang phố kia… rồi rẽ vào một quán giải khát, gọi một ly cà phê đá cho chàng trai, ly nước cam cho bạn gái và đĩa hạt hướng dương…
Và họ cắn hạt hướng dương, ly nước tan hết đá mà mỗi người chỉ nhấp một ngụm, rồi đủ chuyện nọ xọ chuyện kia, không dứt. Thời đó, không có smartphone, họ buộc phải ngắm nhau, nhìn nhau bẽn lẽn và để nói chuyện được buộc họ phải phát huy trí tưởng tượng…
Và thời đó cũng không có khách sạn, nhà nghỉ, để họ có thể dễ dàng thỏa mãn, mặc dù họ rất muốn. Bởi vậy, họ luôn khao khát về nhau, chính cái khao khát đó cùng với không gian mơ mộng như tôi vừa kể trên, khiến tình yêu của họ bỗng trở nên thiêng liêng…
Mơ mộng, tưởng tượng, khao khát hướng về nhau khiến ngay khi yêu, họ luôn mong muốn tình yêu của mình là bất tử, họ sẵn sàng cùng nhau đi đến chân trời cuối đất, họ sẵn sàng như Romeo và Juliet, nghĩa là chết vì nhau…
Ngược lại, ngày nay họ không cần nhiều tưởng tượng. Ngồi với nhau, họ vẫn có thể check smartphone, trong đó là cả thế giới, họ có thể trà chanh chém gió rồi đi nhà nghỉ rất nhanh, hoặc mỗi cuối tuần có ít tiền, họ vào bar quẩy tưng bừng, uống say mềm, hú hét lắc lư xả bản năng trong tiếng nhạc kích động, ánh sáng kích động, và những vũ công hấp dẫn uốn éo cũng nhằm kích động…
Họ không còn không gian mơ màng, nơi cùng nhau họ có thể thả cho trí tưởng tượng bay bổng, những khao khát thăng hoa trong niềm xúc cảm lãng mạn và họ có thể “thiêng liêng hóa” tình yêu của mình.
Tình yêu ngày nay nhiều lúc không còn thiêng liêng nữa. Thích thì yêu, chán thì bỏ, tìm đối tác khác rất nhanh. Vì tất cả như bày sẵn, có sẵn đến mức thừa mứa, từ smartphone, vũ trường, quán bar đến khách sạn, nhà nghỉ…
Tất cả đều có sẵn nhằm thỏa mãn cho các nhu cần cảm xúc tức thời, ngắn hạn nên chóng chán. Cái ngắn hạn luôn bày sẵn dễ dàng thỏa mãn, còn cái dài hạn thì… đã bị triệt tiêu.
Tình yêu hiện đại là vậy?
3. Nhưng, có một sự thật là, dù thế nào thì lớp trẻ vẫn mong muốn một tình yêu dài lâu, tình yêu chung thủy vì nhau mà sống chết, thứ tình yêu hầu như không còn trong đời thực nữa. Vì sao lại thế?
Nếu tâm hồn họ khác xưa rồi, thì họ còn khao khát cái không liên quan đến họ để làm gì?
Bằng chứng là những bộ phim truyền hình, phim chiếu rạp, chủ đề về tình yêu lãng mạn, tình yêu chung thủy… vẫn những bộ phim ăn khách.
Những bộ phim truyền hình ăn khách như Hạ cánh nơi anh, Ghét là yêu thôi, Nhà trọ balanha… đều kể về những tình yêu lãng mạn, chung thủy và chiếm lượng người xem trẻ tuổi khá cao.
Nếu, đó là những tình yêu của thời nào đó, thì vì sao người ta vẫn muốn có nó?
Hóa ra, sự chung thủy và thiêng liêng trong tình yêu, mới phản ánh tính đích thực của tâm hồn người, cái gọi là tình yêu lãng mạn. Còn tình yêu thực dụng như của cháu gái tôi và nhiều bạn trẻ khác, chẳng qua là do thời điểm quy định và chi phối tâm hồn họ thôi. Những thứ đó thuộc về giả trá, và nó sẽ trôi đi…
Tương tự những cái tôi “giả” tương tác với từng hoàn cảnh, sẽ mất đi, để bản ngã đích thực hiện ra vậy. Cái bản ngã đích thực ấy, bản ngã mà ai cũng muốn tìm về, để trở thành chính mình…
Biên kịch Đỗ Trí Hùng
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/tinh-gia-se-tu-mat-di-a1473002.html” name=””]