Sen Đôn Ta là nghi lễ cổ truyền hình thành từ xa xưa, trước khi người Khmer theo tín ngưỡng Phật giáo Nam tông.
Nghi thức cúng ông bà tại nhà |
Quê tôi ở Vĩnh Long. Dù ở đây, người Khmer không chiếm tỷ lệ cao như ở Sóc Trăng hay Trà Vinh nhưng gia đình tôi sinh sống khá gần với cộng đồng người Khmer ở địa phương. Do vậy, lúc nhỏ, tôi thường sang nhà hàng xóm “thi tài” múa lâm thôn và “ăn ké” lễ tết của người Khmer. Tôi khoái nhất món cốm dẹp vào dịp tết Chôl Chnăm Thmây, món khoai lùn vào dịp Oóc-om-bóc, bánh tét và bánh ít nước tro vào dịp lễ Sen Đôn Ta.
Khi vào đại học và ra trường đi làm xa, tôi không còn dịp qua nhà cô hàng xóm “ăn ké”, không còn cùng các thôn nữ Khmer đi chùa và múa điệu lâm thôn, nghe hát dù kê. Vậy nhưng, những ký ức đó vẫn không phai trong tôi mỗi dịp lễ tết, nhất là lễ Sen Đôn Ta vào ngày 29, 30/8 và 1/9 âm lịch hằng năm.
Đối với người Khmer Nam bộ, Sen Đôn Ta là lễ thứ hai trong ba lễ lớn của năm. Vào những dịp lễ này, đồng bào dân tộc Khmer được Nhà nước cho phép nghỉ lễ trong ba ngày. Bên cạnh tết Chôl Chnăm Thmây (mừng năm mới), Lễ hội Oóc- om-bóc – đua ghe Ngo, Sen Đôn Ta là lễ cúng ông bà nhằm báo hiếu.
Những ngày này, từ Sóc Trăng qua Trà Vinh hay Vĩnh Long và một số tỉnh giáp biên giới Campuchia (Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An, Tây Ninh…), bạn sẽ thấy bà con Khmer tất bật dọn dẹp nhà cửa, sửa sang đường làng, quét dọn chùa chiền… để đón lễ Sen Đôn Ta.
Lễ cúng tại chùa |
Tấm lòng hướng về tổ tiên
Sen Đôn Ta là nghi lễ cổ truyền hình thành từ xa xưa, trước khi người Khmer theo tín ngưỡng Phật giáo Nam tông. Hằng năm, nông dân Khmer thường bắt đầu vào vụ mùa từ tháng Năm đến tháng Tám âm lịch. Khi công việc gieo trồng đã xong, họ tranh thủ đi thăm người thân, họ hàng ở xa.
Khi đến nơi, có người vui mừng vì được gặp cha mẹ, họ hàng nhưng cũng có người không may vì người thân đã qua đời. Về sau, những người cùng cảnh ngộ mất người thân đã gặp gỡ, giao ước với nhau: từng phum sóc tổ chức lễ tưởng nhớ vong linh người có công sinh thành, dưỡng dục và bà con trong thân tộc đã quá vãng.
Khi tín ngưỡng Phật giáo du nhập vào đời sống, các cơ sở tôn giáo dần xuất hiện, bà con Khmer đồng lòng làm lễ cúng ông bà gọi là lễ Sen Đôn Ta.
Lễ đặt cơm vắt |
Lễ cúng ông bà diễn ra trong ba ngày, mang ba ý nghĩa khác nhau: ngày thứ nhất là ngày nghênh tiếp tổ tiên, ngày thứ hai là ngày lưu giữ tổ tiên, ngày thứ ba là ngày đưa tiễn tổ tiên. Cả ba ngày đều được tổ chức rất linh đình.
Ngày thứ nhất, các thành viên trong gia đình có mặt đầy đủ để đón tiếp vong linh những người quá cố trong thân tộc. Họ dọn dẹp bàn thờ Phật cho tươm tất, sạch sẽ, trang trí bàn thờ với cành hoa thanh khiết… Một mâm cơm đặt lên bàn thờ. Mọi người trong gia đình tụ tập lại để cúng tế, sau đó mời vong linh tổ tiên nghỉ ngơi trên chiếc giường đã bố trí sẵn.
Đến chiều, họ lại dọn cơm cúng tổ tiên, cũng mời trà rượu ba lần như buổi sáng. Đến tối, họ thắp nhang mời tổ tiên cùng đi lễ chùa nghe sư tụng kinh thuyết pháp. Theo quan niệm của người Khmer, người sống nghe kinh sẽ được phúc báo, linh hồn nghe kinh sẽ mau chóng được vãng sanh.
Ngày thứ hai, vào buổi trưa, mỗi gia đình thường thỉnh sư về nhà làm lễ tụng kinh và độ cơm, sau đó làm nghi thức cúng ông bà. Đến tối, bà con phật tử trong các phum sóc đều đến chùa để tiếp tục làm lễ, nghe tụng kinh thuyết pháp và vui chơi cùng tổ tiên. Ngôi chùa gần như là ngôi nhà chung, tất cả mọi sinh hoạt theo lễ nghi tôn giáo, các cuộc giao lưu, biểu diễn văn nghệ, vui chơi giải trí đều diễn ra tại chùa.
Ngày thứ ba, ngay từ sáng sớm, mỗi gia đình đều chuẩn bị nhang đèn và mâm cơm để tiễn đưa tổ tiên…
Lễ Sen Đôn Ta tại Sóc Trăng |
Đậm chất nhân văn
Người Khmer Nam bộ đều có lòng kính trọng tổ tiên, ông bà và thể hiện sự báo đáp công ơn đó bằng một trong những lễ hội vừa mang tính dân gian vừa mang tính tôn giáo – Sen Đôn Ta. Đây là một lễ nghi tổng hợp, được tổ chức trong nửa tháng với bốn nghi thức chính: lễ đặt cơm vắt, lễ cúng ông bà, lễ rước ông bà và lễ đưa tiễn ông bà. Tuy nhiên, mục đích của người Khmer Nam bộ đối với lễ hội này chủ yếu nhằm vào hai nghi thức chính: cúng ông bà tại nhà và đặt cơm vắt tại chùa, gọi chung là Sen Đôn Ta.
Lễ cúng ông bà là nghi lễ mang tính gia đình, là dịp bày tỏ lòng biết ơn đối với những người thân đã qua đời. Việc dâng cúng ông bà tổ tiên được thực hiện thông qua lời kinh của sư trong chùa kết hợp với lễ rước ông bà và lễ đưa tiễn ông bà. Sau khi thực hiện nghi thức đặt cơm vắt, trong ba ngày cuối, người Khmer chuẩn bị lễ vật, tiền và những thứ khác để đi chùa…
Ở một số vùng, người nghèo và những người tàn tật cũng tụ tập quanh chùa để khất thực và được người dân bố thí. Buổi chiều, các sư sẽ tiếp tục cầu nguyện cho người đã khuất. Hầu hết người Khmer hiện đại tổ chức lễ Sen Đôn Ta trong 15 ngày; còn theo truyền thống, lễ cúng ông bà kéo dài ba tháng, kết thúc vào ngày 15/10.
Chiếc thuyền cúng tiễn ông bà |
Nam bộ xưa vốn là vùng đất ngập nước, cư dân sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, trồng lúa nước. Bà con gieo cấy từ đầu năm, sau tết Chôl Chnăm Thmây, bắt đầu mùa mưa theo lịch Khmer cho đến khi mùa Sen Đôn Ta đến cũng là kết thúc mùa vụ. Rảnh tay khỏi việc đồng áng, đồng bào Khmer bắt đầu đi gặp gỡ, thăm hỏi thân nhân ở xa và tặng nhau những món quà quê, cây nhà lá vườn… Cho nên, Sen Đôn Ta không chỉ là dịp báo hiếu, đáp nghĩa mà còn là ngày hội của tình đoàn kết đồng bào, mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc.
Lễ Sen Đôn Ta còn được xem như biểu hiện rõ nhất của truyền thống đạo đức người Khmer Nam bộ. Đó không chỉ là lòng thương nhớ gởi đến những người thân trong gia đình mà còn là lòng thương cảm những cô hồn không nơi nương tựa. Đó không chỉ là lễ nghi Phật giáo mà còn là hoạt động kết nối, giao lưu văn hóa của người Khmer. Truyền thống đạo đức hiếu thảo chính là nền tảng cho bất kỳ người Khmer nào.
Ngày nay, dù cuộc sống hiện đại đã tác động đến nhiều mặt trong đời sống của người Khmer, làm giản lược một số lễ tục nhưng lễ cúng ông bà vẫn giữ nguyên cách thức và ý nghĩa nhân văn.
Dù đã bước qua hơn nửa đời người nhưng khi lễ tết của đồng bào Khmer về, lòng tôi vẫn luôn rạo rực bởi tiếng trống xa-dăm dồn dập, tiếng nhạc ngũ âm réo rắt… Nhớ nhất là ánh mắt “biết nói”, nụ cười hồn nhiên nhưng hút hồn của cô thôn nữ Khmer khi cùng tôi thả hồn vào điệu múa lâm thôn mà ai cũng tấm tắc khen. Lễ Sen Đôn Ta này, tôi sẽ về quê nhưng không biết có được cùng “người xưa” hòa quyện vào vũ điệu lâm thôn nhu thuở nào
thơ dại…
Hoàng Liên Phương
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/ve-mien-tay-mua-le-sen-don-ta-a1473471.html” name=””]