Hiểu để thương, hai từ nghe nhẹ tênh nhưng để thấm, để vận hành, để thấu hiểu có lẽ là cả một hành trình dài.
Ảnh mang tính minh họa – SHUTTERSTOCK |
Tôi ngồi nói chuyện với bạn – một người đàn ông gần 50 tuổi – về hôn nhân. Bạn lan man kể về những trục trặc trong nhà mình, sự cầu toàn đến mức cực đoan của vợ bạn, sự lạc lõng đến kỳ quái trong giao tiếp giữa bạn và vợ.
Cuối câu chuyện, bạn tự kết luận: thực ra sống cùng nhau được gần 20 năm, bạn tự ngộ ra rằng, để đi đường dài phải xuất phát từ hiểu và thương, điều chỉnh và chấp nhận những điều không được của bạn đời.
Từ ngày nghe, thấm và thực hành theo nhiều bài giảng của thiền sư Thích Nhất Hạnh, bạn vỡ lẽ rất nhiều điều để hiểu và cảm thông vợ hơn, cuộc sống cũng từ đó bớt căng thẳng.
Bạn nhìn sự cầu toàn của vợ bằng góc nhìn khác mỗi khi đồ đạc lộn xộn của mình được vợ dọn lại gọn gàng. Mọi khi, đây chính là nguyên cớ cho mọi cuộc bùng nổ, cãi nhau triền miên.
Tính chồng hở ra là vứt, còn vợ thấy lại mang đi cất vào, bấy nhiêu thôi mà bao nhiêu năm “chiến tranh” liên tục. Bạn nói điều đó khiến cuộc sống của bạn không còn biết định nghĩa thế nào là hạnh phúc.
“Hiểu sự đau khổ của người khác là món quà tốt nhất bạn có thể dành tặng họ. Hiểu là tên gọi khác của yêu thương. Nếu không thể hiểu, bạn không thể yêu thương” – lời của sư ông được bạn viết thành tranh, treo ngay tầm nhìn của mình mỗi sáng thức dậy, như một lời nhắc diệu kỳ mỗi ngày cho chính mình.
Hiểu để thương, hai từ nghe nhẹ tênh nhưng để thấm, để vận hành, để thấu hiểu có lẽ là cả một hành trình dài.
Như bạn, đã hiểu vợ mình – tại sao lại cầu toàn đến kỳ lạ. Bạn nhìn lại những nguyên do, bạn lắng nghe những câu càu nhàu của vợ để hiểu rằng mọi thứ từ vợ mình đều xuất phát từ tính chu toàn của mẹ vợ. Vợ bạn đã lớn lên trong những lời răn đe “phải chăm chồng, chăm con chu đáo mới là đàn bà tốt”.
Bạn biết vợ mình vất vả với cơm tự nấu, rau tự trồng… Cả ngày vợ bạn luôn tay nhưng vì thương con thương chồng, ám ảnh quá khứ nên vợ bạn luôn sống trong lo lắng.
Từ đó, bạn thương vợ hơn. Bạn khen món vợ nấu. Bạn mang cơm theo đi làm. Bạn uống nước ép mỗi sáng. Bạn đón nhận mọi thứ từ vợ bằng lòng biết ơn thay vì những càu nhàu khước từ trước kia.
Bạn hiểu tại sao vợ chồng hay cãi nhau để chậm hơn trong những lần phản ứng. Bạn chậm lại để phản hồi sau đó. Bạn hiểu tại sao hai bên nói chuyện lúc nào cũng nhạt: vì nhiều thứ chiếm hết suy nghĩ của vợ bạn rồi. Thôi thì bạn lắng nghe kỹ hơn…
Bây giờ, bạn không còn trách vợ mình nữa. Bạn muốn dùng tình yêu thương để vợ hiểu chồng hơn và dùng lòng biết ơn mỗi ngày để thấy mình may mắn.
Lan Khôi
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/hieu-va-thuong-a1473439.html” name=””]