Tôi thấy Bình khoác vai một cô gái đi vào nhà. Cô gái mặc chiếc đầm hở hang. Tôi lạnh người, vọt xe khỏi một đoạn mới dừng lại.
Chồng đưa gái lạ về nhà, vợ biết mà ngó lơ (Ảnh minh họa) |
1. Loan là bạn thân của tôi, cô ấy đi công tác một tuần. Hai đứa con đã gửi về nhà ngoại, Loan kho sẵn nồi cá, mua sẵn rau dưa để chồng đi làm về không cần vất vả vẫn có bữa cơm ngon.
Loan gửi tôi tiền, dặn tới ngày thứ ba thì mua thịt về kho hột vịt, mang sang cho chồng Loan đổi bữa để anh đỡ ngán. Tôi không ngại chuyện kho nồi thịt, chỉ ngại bạn ôm đồm quá, chiều chồng quá. Bình, chồng Loan đâu phải trẻ lên 3, chẳng lẽ vài bữa cơm cũng không lo được.
Loan phẩy tay: “Kệ, bạn cứ làm vậy đi”. Hai đứa chơi thân từ nhỏ tới lớn, từng ăn chung ổ bánh mì, tôi không giúp bạn thì ai giúp.
Tôi canh đúng 18 giờ ngày thứ ba thì xách nồi thịt kho còn nóng hổi sang cho Bình, cẩn thận mua thêm ít dưa chua, dưa leo, dưa hấu… Loan tận tụy vì chồng, tôi thì vì bạn một chút cũng được.
Xe vừa tới, từ xa, tôi thấy Bình nắm tay kéo một cô gái vào nhà. Cô gái mặc chiếc đầm hở hang, khoe đôi chân trắng bóc. Tôi vội vọt xe qua khỏi một đoạn mới dừng lại. Tôi run bần bật. Nếu Loan biết chồng đưa gái về nhà, bạn sẽ đau thế nào? Tôi có nên trở lại để Bình biết tôi đã thấy? Tôi có nên thay bạn cảnh cáo cô gái kia?… Tôi đứng ngơ ngẩn giữa đường, rối não không biết làm sao.
Về tới nhà, tôi quyết định quay lại, rón rén treo nồi thịt và các món lên cổng rào nhà Bình. Đi khỏi một đoạn, tôi mới gọi cho Bình, bảo anh ra lấy đồ ăn. Là tôi sợ chạm mặt Bình, sợ nghe anh nói dối, rồi khó xử với nhau…
Giọng Bình có vẻ hốt hoảng, hỏi dồn: “Cô tới lúc nào vậy? Loan cũng thật là, phiền bạn bè chi không biết”. Tôi lại phân vân, nửa muốn nói tôi vừa tới, nửa muốn vạch trần: tôi tới đúng lúc anh vừa về…
“Loan đi công tác vất vả lắm, vậy mà vẫn lo cho anh. Anh nên nghĩ mà thương vợ”. Rốt cuộc, tôi chọn kiểu úp mở để đánh động Bình. Tôi nghĩ anh ta thừa thông minh để hiểu tôi muốn nói gì.
Tối đó, Loan điện cho tôi, rối rít cảm ơn vì “ông Bình khen thịt kho ngon quá trời, ổng dặn mình về nhớ mua quà cho bạn”… Tôi đã rơi nước mắt khi nghĩ Loan đang vui vẻ thế này, còn chồng thì…
Tôi nhắc bạn: “Bà phải coi chừng ông Bình, đừng thả ổng quá, cũng đừng chăm chút quá. Yêu bản thân mình nhiều chút”… Loan yên lặng rất lâu, hẳn bạn hiểu điều tôi đang bóng gió.
Lát sau Loan thở dài: “Mình ráng níu gia đình, vì con cái thôi. Mình không thích kiểu vừa đập vừa xây. Cứ cố gắng hết sức, chừng nào đổ sập thì tính”. Giọng Loan như người hụt hơi khiến tôi ngậm ngùi.
Đàn bà chọn níu giữ gia đình cũng vì con (Ảnh minh họa) |
2. Chị hàng xóm của tôi có con gái đang học ở TP.HCM. Mỗi cuối tuần chị đều lên thăm con. Chị kho sẵn thịt cá, phần mang lên cho con gái, phần để ở nhà cho chồng. Không ít lần chị trở về, thức ăn dành cho chồng phải đổ bỏ vì anh không đụng tới. Chị xót của nhưng chưa bao giờ thôi nấu nướng để sẵn…
5 giờ sáng cuối tuần tôi hay mở cổng ra đường tập thể dục. Không ít lần tôi gặp chồng chị đang rón rén mở cửa cho cô gái lạ lách ra. Thấy tôi, anh giật thót. Sau phút bất ngờ, anh cười giả lả, kiểu như “chuyện đâu để đó, cô chớ có nói lung tung”. Tôi nào dám nói gì. Chuyện gì mình không biết rõ, nói ra có khi bị chửi vì nhiều chuyện.
Rồi có bữa, tôi thấy chị ngồi khóc sau nhà. Chị kể cô gái đó nhiều lần cố tình để lại bàn chải đánh răng, bao cao su… Hôm qua, cô ta cả gan để lại chiếc áo khoác, còn trùm hẳn lên áo của chị để thách thức rằng cô ta đã ở đây, trên giường của vợ chồng chị…
Chồng chị xoá dấu vết kỹ lắm. Lần nào chị về cũng thấy anh đã thay drap giường, vỏ gối, xịt phòng thơm phức… Anh cũng biết sợ chị sẽ biết, sẽ buồn. Những món đồ cô ta cố tình để lại, anh lại không thấy, chị cũng xem như không có gì xảy ra…
Có lần, chị nghe anh nói: “Đàn ông kiếm tiền cực khổ lắm, vui chơi tí chút chỉ là để giải tỏa bức bối, có sức cày bừa”. Chị biết anh cực, rất chịu khó, tiền kiếm được cũng mang về nộp chị, nên chị nhắm mắt cho qua. Con gái chị học còn hai năm nữa mới xong. Con bé rất quấn quít với ba. Chị ráng níu giữ mái nhà mình trước cơn giông gió, để con còn mẹ còn cha…
Trong hành trình xây mái ấm, người thì thích rong chơi, ghé bến này bến kia để khám phá; người chỉ biết gắng gỏi mải miết xây, chỗ nào thủng thì vá víu lại để con cái còn một mái nhà. Sự cố gắng của đàn bà, đàn ông có thấu?
Yến Phượng
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/mat-nham-mat-mo-de-giu-gia-dinh-a1473386.html” name=””]