Một mình nuôi con với mức lương công nhân, ngoài ăn uống, chị còn bao nhiêu thứ phải chi tiêu chưa kể khi đau ốm bệnh tật.
Anh giữ lại một triệu để đưa con đi chơi đi ăn. Ảnh minh họa |
Ly hôn, chị Hoài nuôi con gái, chồng cũ đồng ý một tháng sẽ chu cấp nuôi con ba triệu đồng. Nhưng ngay tháng đầu tiên, anh chỉ gửi hai triệu đồng, với lý do mỗi tuần anh gặp con một lần, anh giữ lại một triệu để đưa con đi ăn.
Mỗi lần thấy con đi chơi với bố về đều ríu rít vui vẻ, khoe bố cho chơi trò chơi, đi ngắm sông ngắm đồng, chị Hoài nghĩ vậy cũng tốt. Chị đi làm cả tuần, về nhà lại lo cơm nước lau dọn nhà cửa, có khi nào đưa con gái đi chơi. Thôi thì anh cho con đi chơi thay chị, một triệu ấy coi như chị phụ chút chi phí cho anh.
Tháng thứ hai, anh chị chỉ gửi năm trăm nghìn đồng, do trước đó có mua cho con gái một đôi giày, một cái balo hết một triệu rưỡi. Anh nói con gái sắp khai giảng cần có đồ mới… Chị Hoài lại chặc lưỡi cho qua.
Ba triệu đồng theo quy định ban đầu còn hai triệu, rồi số tiền hai triệu đồng ấy tháng nào cũng bị xà xẻo vì lý do anh mua này mua kia cho con. Anh chi li từng tí một, từ mua quần áo giày dép, đến mấy viên thuốc cho con anh cũng tính để trừ bớt.
Với mức lương công nhân, chị phải tính toán nâng lên hạ xuống co kéo tứ phía mới lo được cho hai mẹ con. Chị nói với anh, con còn nhỏ không nhất thiết phải dùng những món đồ đắt tiền, chưa kể con nít cả thèm chóng chán và mau lớn đồ nhanh chật, anh nên gửi tiền để chị tự thu xếp mua sắm cho con.
Anh nói chị là thứ ham tiền, anh lên giọng kể tội chị ngày trước sướng mà không biết điều, nhà có ba con người, bếp núc giặt giũ có bao nhiêu mà kêu ca vất vả rồi đòi ly hôn, giờ mới trắng mắt ra.
Anh nói mà quên ngày trước mỗi tháng anh đưa về cho chị còn chưa được ba triệu, với lý do đàn ông cầm tiền còn chi tiêu nhiều thứ, đàn bà có ngày ba bữa cơm chứ nặng nhọc gì. Anh giận dỗi nói nếu chị thích tiền thế thì mỗi tháng anh sẽ chuyển đủ cả ba triệu đồng, anh cũng không cần đến gặp con.
Làm cha là bổn phận và trách nhiệm mà anh lấy ra làm áp lực với chị, mỗi lần gặp bố con gái chị rất vui nên chị không dám nói thêm gì, sợ anh không gặp con nữa thì bé sẽ tủi thân.
Nhưng mỗi lần gặp anh lại mua này sắm kia cho đã tay. Và khi thiếu tiền thì anh hỏi vay chị, khi thì do sếp đi công tác về trễ chưa ký được bảng lương, khi thì anh mới mua cái máy matxa nên hết tiền…
Chị nghĩ thôi thì im lặng cho yên, cho con gặp bố. Nhưng hôm nay là lần thứ tư anh hỏi vay tiền chị, nói là mượn nhưng ba lần trước anh có gửi trả bao giờ!
Chị nuôi con, ngoài ăn uống còn bao nhiêu thứ phải chi tiêu chưa kể khi đau ốm bệnh tật (Ảnh minh họa) |
Chị nói không có dư để cho anh mượn, anh giận dữ bỏ về, nói hai mẹ con cứ ở nhà mà chơi với nhau.
Nhìn con gái khóc thút thít tủi thân, chị vừa giận mình vừa giận anh. Anh thừa biết thu nhập của chị chỉ bằng một nửa của anh, trong khi chị còn nuôi con, ngoài ăn uống còn bao nhiêu thứ phải chi tiêu, chưa kể khi đau ốm bệnh tật. Anh mượn không trả còn lấy con gái làm áp lực, nay anh còn to tiếng và bỏ đi trước mặt con.
Chị biết mình không thể sống tiếp với người chồng như anh nên chia tay, nhưng không nghĩ chia tay rồi chị cũng không thoát khỏi anh, từ từ từng bước một anh lấn tới, lợi dụng tình thương con của chị để chèn ép, bắt nạt chị.
Con bé đã 6 tuổi, có lẽ nó đã hiểu ít nhiều, có lẽ chị phải nói chuyện với con và dạy con từ chối những gợi ý mua sắm theo kiểu vung tay của bố.
Thúy Nga
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/chong-cu-gay-ap-luc-de-muon-tien-a1473809.html” name=””]