Hấp dẫn khách du lịch không chỉ nhờ bề dày lịch sử, văn hóa, cố đô Isfahan của Iran còn là nơi hội tụ nhiều công trình kiến trúc tinh xảo và độc đáo, thể hiện rõ nét nhất qua các nhà thờ Hồi giáo, tiêu biểu là thánh đường Sheikh Lotfollah.
Isfahan từng là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của nhiều triều đại Ba Tư. Nhiều công trình tôn giáo uy nghi, tráng lệ được xây dựng, thể hiện sự giàu có và sức mạnh tâm linh của đất nước Ba Tư một thuở.
Nếu Jameh là di sản văn hóa, Shah trở thành điểm đến cầu nguyện nổi tiếng quy tụ dân chúng tham gia thì Sheikh Lotfollah là thánh đường dành riêng cho hoàng gia Shah Abbas.
Sheikh Lotfollah được xây dựng từ năm 1603-1619, dưới triều Vua Shah Abbas I. Thánh đường được đặt tên theo tên cha vợ của nhà vua – giáo sĩ Lotfollah – một học giả Hồi giáo được tôn kính ở Lebanon.
Sheikh Lotfollah được xem là một phần của quần thể phức hợp xung quanh quảng trường Naqsh-e Jahan, theo tiếng Farsi có nghĩa là “hình mẫu của thế gian”. Quảng trường được khởi công từ năm 1602, cũng dưới triều Shah Abbas I, là quảng trường khép kín lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Thiên An Môn của Trung Quốc.
Thành Isfahan đã có từ hơn 2.000 năm trước nhưng lần đầu tiên trở thành kinh đô của đế chế Ba Tư vào năm 1047, khi người Seljuk từ Thổ Nhĩ Kỳ đến chinh phục và trở thành kinh đô của Ba Tư suốt hơn 180 năm sau đó. Trải bao thăng trầm, bị quân Mông Cổ tàn phá, Isfahan trở thành kinh đô dưới triều Safavid từ năm 1587, triều Vua Shah Abbas I.
Không giống những thánh đường khác, Sheikh Lotfollah không có tháp hay sân trong. Các cổng vào của thánh đường luôn được đóng kín và canh gác chặt chẽ. Vì vậy suốt nhiều thế kỷ, người dân chỉ có thể từ xa ngưỡng vọng.
Một trong những điểm nổi bật tại Sheikh Lotfollah là các bức tranh và gạch trang trí nội thất do Reza Abbasi – một họa sĩ Iran nổi tiếng – thực hiện. Nghệ thuật khảm tranh tại thánh đường là minh chứng cho trình độ đỉnh cao của nghệ nhân Ba Tư.
Riêng các bức tường, mái vòm và phần lối vào của nhà thờ được trang trí bằng ngói bảy màu, thư pháp, chữ khắc từ một số chương của kinh Qur’an và những bài thơ truyền thống. Mái vòm có khả năng đổi màu theo từng thời điểm trong ngày, từ màu kem tới màu hồng.
Chính sự tỉ mỉ, dày công đến từng chi tiết đã khiến chất lượng và vẻ đẹp của Sheikh Lotfollah trở nên vượt trội hơn hết thảy các công trình trước đó. Phần vách tường và trần mái được phân tách bởi họa tiết chữ Arab nối dài.
Cũng như nhiều thánh đường tại Iran, giờ tham quan phụ thuộc vào giờ cầu nguyện. Vào mùa đông, du khách có thể tham quan Sheikh Lotfollah từ 9-11g30 và 13-16g. Vào mùa hè, giờ mở cửa của Sheikh Lotfollah là 9-12g30 và 14-18g.
Lê Phan
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/tham-tuyet-tac-kien-truc-sheikh-lotfollah-a1475879.html” name=””]