Cả Bắc Cực và Nam Cực đều lạnh, nhưng không như nhau.
Bắc Cực và Nam Cực là những nơi lạnh nhất trên Trái Đất. Tuy có nhiều điểm tương đồng với nhau, nhưng một trong hai cực, thì có một lạnh hơn nhiều so với khu vực kia.
Vậy, cực nào lạnh hơn?
Cả Bắc Cực và Nam Cực đều lạnh vì vị trí của chúng ở trên cùng và dưới cùng của hành tinh, có nghĩa là chúng không nhận được ánh sáng trực tiếp từ mặt trời. Ở cả hai nơi, mặt trời luôn nằm thấp trên đường chân trời, ngay cả vào giữa mùa hè. Trong mùa đông, mặt trời nằm rất xa phía dưới đường chân trời, trên thực tế, mặt trời không mọc trong nhiều tháng liền.
Ngoài ra, bề mặt trắng của băng và tuyết ở các cực có tính phản xạ cao. Điều này dẫn đến hầu hết năng lượng từ ánh sáng mặt trời chiếu vào sẽ phản xạ trở lại không gian, giữ cho không khí trên các bề mặt đó tương đối mát mẻ.
Theo Viện Hải dương học Woods Hole, mặc dù những yếu tố này khiến cả hai cực trở nên lạnh giá, nhưng Nam Cực vẫn lạnh hơn Bắc Cực một cách đáng kể.
Nhiệt độ trung bình hàng năm ở Bắc Cực là âm 40 độ C vào mùa đông và 0 độ C vào mùa hè. Ngược lại, nhiệt độ trung bình của Nam Cực lại lạnh hơn rất nhiều, với nhiệt độ trung bình hàng năm là âm 60 C vào mùa đông và âm 28,2 C vào mùa hè.
Bắc Cực vs Nam Cực
Lý do chính khiến Nam Cực lạnh hơn Bắc Cực nằm ở sự khác biệt lớn nhất giữa chúng. Robin Bell, một nhà khoa học về địa cực tại Đài quan sát Trái đất Lamont-Doherty của Đại học Columbia ở New York, nói rằng: “Bắc Cực là một đại dương và Nam Cực là một lục địa.”
Bắc Cực là một đại dương được bao quanh bởi đất liền. Nam Cực là vùng đất được bao quanh bởi đại dương. Nước nguội và ấm chậm hơn so với đất liền, dẫn đến nhiệt độ ít khắc nghiệt hơn. Ngay cả khi Bắc Băng Dương bị bao phủ bởi băng, nhiệt độ tương đối ấm tại vùng nước của nó có tác động điều hòa đến khí hậu, giúp Bắc Cực ấm hơn Nam Cực.
Ngoài ra, trong khi Bắc Cực nằm ở mực nước biển, Nam Cực là lục địa cao nhất, với độ cao trung bình khoảng 2.300 mét. Càng lên cao, nhiệt độ càng lạnh.
Cực nào có nhiều băng hơn?
Ở cả hai cực Bắc và Nam, lớp băng bao phủ thay đổi trong năm, phát triển dày trong mùa đông dài và tối, tan chảy vào mùa hè sáng sủa, nhiệt độ cao hơn.
Hầu hết sự biến đổi về lớp phủ băng ở cả hai cực Bắc và Nam là do băng biển trôi nổi, phát triển và tan chảy trên đại dương.
Vì Bắc Cực gần như được bao bọc hoàn toàn bởi đất liền, nên băng biển hình thành ở đó không di động như băng biển ở Nam Cực. Do đó, các tảng băng ở biển Bắc Cực có nhiều khả năng hội tụ hơn, thường làm cho băng ở biển Bắc Cực dày hơn, khoảng 2 đến 3 m, trong khi băng ở biển Nam Cực có độ dày 1 đến 2 m, theo Trung tâm Dữ liệu Băng tuyết Quốc gia Mỹ (NSIDC).
Trung bình, biển băng ở Bắc Cực đạt mức tối thiểu khoảng 6,5 triệu km vuông và mức tối đa là 15,6 triệu km vuông. Biển băng ở Nam Cực có diện tích tối thiểu nhỏ hơn là 3,1 triệu km vuông, nhưng phạm vi tối đa lớn hơn là 18,8 triệu km vuông.
Tuy nhiên, Nam Cực vẫn sở hữu tổng lượng băng nhiều hơn Bắc Cực. Điều này là do ngoài băng biển, Nam Cực còn có băng trên đất liền – dải băng trên Nam Cực dày tới 4,8 km và rộng 13,7 triệu km vuông. Tổng cộng, Nam Cực chứa khoảng 90% lượng băng trên thế giới.
Cecilia Bitz, một nhà khoa học khí hậu vùng cực tại Đại học Washington ở Seattle, cho biết khối lượng băng trên đất liền ít thay đổi vào mùa hè hơn so với băng biển
Các cuộc điều tra về lượng băng ở hai cực đã cho thấy rằng cả độ dày và phạm vi của băng biển mùa hè ở Bắc Cực đã giảm đáng kể trong 30 năm qua. Điều này tương ứng các nghiên cứu chỉ ra rằng Bắc Cực đang ấm lên.
Bitz nói: “Băng ở Bắc Cực và Greenland đang giảm nhanh chóng chủ yếu là do hiện tượng ấm lên toàn cầu. Việc giảm diện tích băng ở biển Bắc Cực lại tiếp tục gây ra hiện tượng ấm lên nhiều hơn”.
Ngược lại, “lượng tan chảy băng biển xung quanh và sông băng trên đất liền ở Nam Cực đã có những thay đổi thăng trầm xen kẽ lẫn nhau, khí hậu Nam Cực phức tạp hơn vì lưu thông không khí và dòng đại dương là những yếu tố rất quan trọng tại nơi này.”
Nguồn: LiveScience
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/bac-cuc-va-nam-cuc-noi-nao-lanh-hon-20220611130042166.chn” name=””]