Từng ”sửa” nhiều ca bệnh cấy chỉ mũi và tiêm filler ở các cơ sở spa không uy tín, Thạc sĩ, bác sĩ Chuyên khoa 2 Cao Ngọc Duy, Phó trưởng khoa Hàm mặt thẩm mỹ (Bệnh viện Đức Giang, Hà Nội), cho biết, một số ca bị cấy chỉ sai quy tắc dẫn đến việc tháo chỉ, làm sạch chỉ khó khăn, mất nhiều thời gian.
Ngoài ra, một số ca sử dụng chất liệu độn mũi mới. Tuy nhiên, đưa vào thì dễ, tháo ra thì khó dẫn đến bệnh nhân bị xơ dính nhằng nhịt, nếu không tháo sẽ làm mỏng da mũi hoặc rách da mũi.
“Tôi từng bị hỏng cả dụng cụ pank (dụng cụ dùng để kẹp) để đưa được chất liệu này ra. Hiện tại, loại sụn này gần như đã biến mất thị trường bởi không còn ai dùng nữa. Tuy nhiên, một số cơ sở vẫn đưa vào sử dụng cho khách”, bác sĩ Duy cho hay. Có nhiều trường hợp gặp biến chứng, nhẹ thì viêm nhiễm, đầu mũi bóng đỏ, lộ sụn, nặng thì hoại tử và nhiễm trùng máu rất nguy hiểm.
Theo bác sĩ Duy, những năm trước khi nói đến phẫu thuật nâng mũi, nhiều người còn e dè, sợ đau, sợ hậu phẫu sưng tím, sợ dị ứng chất liệu. Vì có quá nhiều nỗi sợ nên không ít người tìm đến cách dễ dàng hơn để làm cao sống mũi như tiêm filler, cấy chỉ.
Bác sĩ Cao Ngọc Duy khám và tư vấn cho bệnh nhân
Tuy nhiên, tiêm filler hay cấy chỉ thường không ổn định về kiểu dáng và độ thẩm mỹ không cao nên sau vài năm lại phải chỉnh sửa. Chưa kể đến những biến chứng như biến dạng mũi sau cấy chỉ, sống mũi to, mập do tiêm filler. Không ít người đã tiêm filler hay cấy chỉ phải đến bệnh viện để làm sạch filler, thực hiện biện pháp nâng mũi bằng phẫu thuật y học bài bản.
Theo bác sĩ Duy, việc tháo chỉ mũi và làm sạch filler trước khi nâng mũi rất quan trọng. Tuy nhiên, có nhiều ca rất phức tạp, khó tháo hoặc khi tháo xong không thể phẫu thuật thẩm mỹ lại ngay. Khi tháo chỉ, làm sạch chỉ nếu thuận lợi không tổn thương phần mềm và da mũi thì bác sĩ có thể đặt lại chất liệu mũi mới. Trong trường hợp da quá mỏng, tổn thương phần mềm mũi thì không thể đặt lại luôn. Để bảo vệ sức khỏe cho khách hàng, thường sẽ phải chờ 3-6 tháng sau mới có thể can thiệp phẫu thuật thẩm mỹ.
Hiện nay, có nhiều phương pháp thẩm mỹ chỉnh hình mũi giúp sống mũi cao, đường cong mềm mại, chóp mũi cao tự nhiên, trong đó nâng mũi bọc sụn và nâng mũi cấu trúc là 2 phương pháp phổ biến nhất. Tuy 2 phương pháp này có nhiều điểm khác biệt nhưng đều được đánh giá cao bởi các chuyên gia thẩm mỹ. Chúng có nhiều ưu điểm về tính thẩm mỹ và độ an toàn vì sử dụng sụn tự thân, độ tương thích cao, tránh biến chứng. 2 phương pháp này đều giúp khắc phục các khuyết điểm của mũi, đem lại dáng mũi cao, thon gọn, đẹp tự nhiên và hài hòa với gương mặt, tránh nguy cơ bị bóng, đỏ đầu mũi. Theo bác sĩ, chi phí thực hiện 2 phương pháp này dao động từ 25 đến 50 triệu đồng.
Thực hiện nâng mũi bọc sụn hay cấu trúc còn tùy thuộc vào mục đích cũng như tình trạng mũi của mỗi người. Nếu mũi không mắc nhiều khuyết điểm thì có thể thực hiện nâng mũi bọc sụn. Ngược lại, nếu mũi bị chấn thương do tai nạn hay mổ nhiều lần, mũi biến dạng thì nên áp dụng phương pháp nâng mũi cấu trúc để khắc phục. Tốt nhất nên lựa chọn phương pháp theo sự tư vấn, đánh giá của bác sĩ để hiệu quả nhất cũng như phù hợp với bản thân.
Bác sĩ Duy khuyến cáo, để hạn chế tối đa những biến chứng xảy ra, nên lựa chọn bệnh viên, cơ sở thẩm mỹ uy tín có đội ngũ y, bác sĩ có tay nghề cao và trang thiết bị máy móc hiện đại.
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/bac-si-tham-my-canh-bao-bien-chung-do-cay-chi-mui-va-tiem-filler-nang-mui-20221024153132253.chn” name=””]