Du lịch trả thù có thể bao gồm các chuyến du lịch gặp mặt gia đình, các kỳ nghỉ dài hơi hay quay lại nơi bạn từng đến.
Khi càng ngày càng nhiều quốc gia mở cửa biên giới để chào đón du khách, một thuật ngữ mới xuất hiện trên mạng xã hội: du lịch trả thù (revenge travel). Sau nhiều năm trời giãn cách và bí bách, người du lịch chọn cách đi thật nhiều để bù lại những gì đã mất.
Du lịch trả thù là gì?
Erika Richter, Phó chủ tịch Hiệp hội Cố vấn Du lịch Hoa Kỳ (ASTA), cho biết: “Du lịch trả thù là thuật ngữ phổ biến từ năm 2021. Khi đó, các quốc gia trên thế giới dần mở cửa, và mọi người quyết tâm du lịch thật nhiều để bù đắp cho khoảng thời gian đã mất”. Du lịch trả thù thường liên quan đến sự thất vọng, tức giận khi mọi người phải hủy bỏ loạt kế hoạch vui chơi vì Covid.
Thuật ngữ này phổ biến vì nó mô tả sát nhất tâm trạng của mọi người sau dịch. Thuật ngữ “du lịch sau đại dịch” (post-pandemic travel) không thực sự chuẩn xác, bởi Covid vẫn là vấn đề lớn ở nhiều nơi trên thế giới. Các quốc gia, khu vực đang hoạt động theo các mốc thời gian khác nhau, một số nước đã loại bỏ quy định nghiêm ngặt về nhập cảnh, trong khi các quốc gia như Trung Quốc vẫn kiểm soát chặt chẽ.
Richter đồng ý với quan điểm về du lịch trả thù: “Nói đơn giản là bạn nhận ra cuộc sống quá ngắn ngủi, bạn muốn đặt lịch cho chuyến đi ngay lập tức, muốn dành thời gian cho gia đình, kết nối với con người và tự nhiên. Chỉ có khám phá và trải nghiệm mới cho bạn cảm giác mình đang thực sự sống”.
Theo khảo sát tại Mỹ, số lượng khách du lịch đến châu Âu sẽ tăng kỷ lục.
Sau khi phân tích hơn 40.000 hành trình được lên kế hoạch cho mùa hè này, công ty bảo hiểm du lịch Allianz Partners kết luận nhu cầu du lịch của người Mỹ đến châu Âu sẽ tăng 600% so với năm ngoái.
Trở thành một phần của làn sóng
Rất nhiều khách du lịch đang lên kế hoạch cho những chuyến du lịch dài hơi sau khi dịch được kiểm soát. Deborah Campagnaro, sống ở tỉnh bang British Columbia, Canada, là một trong số đó. Cô từng làm trong ngành dịch vụ cung cấp các gói đầu tư trong hơn 30 năm. Campagnaro nghỉ hưu trong lúc cả thế giới đang chật vật với dịch. Năm 2016, cô cùng chồng đến Nepal phiêu lưu trên những đỉnh núi cao nhất của nước này.
Vì quá thích chuyến đi, cặp đôi lên kế hoạch quay lại Nepal vào dịp gần nhất, nhưng lần này họ lên kế hoạch chi tiết và đúng với nhu cầu hơn. Thời tiết khó khăn và đại dịch khiến họ phải hoãn chuyến đi nhiều lần. Cuối cùng, họ đặt được chỗ vào năm 2022 và ở lại Nepal một tháng. Campagnaro và chồng muốn đi đây đó để trải nghiệm thay vì chỉ nằm nghỉ ngơi ở khu resort xa hoa.
Brittney Darcy, một người dân sống tại Rhode Island, Mỹ, cũng đang mong chờ một chuyến đi dài ngày. Hành trình đến Paris vào mùa hè năm 2020 phải hoãn lại vì Covid đột ngột ập đến. Nhìn theo góc độ khác, đợt “sống chậm” hai năm qua giúp cô tiết kiệm một số tiền đủ lớn, đồng thời lên kế hoạch tốt hơn cho chuyến đi. Darcy cùng bạn trai sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho một chuyến bay thẳng từ Boston, thay vì bay quá cảnh ở Iceland hay Ireland. Ngoài ra, cô sẽ chỉ dành cho Paris năm ngày, hai tuần còn lại khám phá những địa điểm khác tại Pháp, Ý.
Cô chưa bao giờ nghe đến thuật ngữ “du lịch trả thù”, nhưng thừa nhận đây là một thuật ngữ hoàn hảo để mô tả cho chuyến đi châu Âu lần này. Darcy phóng khoáng hơn và sẵn lòng chi tiền cho trải nghiệm.
Các lệnh hạn chế đang được nới lỏng trên toàn thế giới.
Khảo sát của Hiệp hội Cố vấn Du lịch Hoa Kỳ cho biết, ngành du lịch đang phát triển mạnh. Bất chấp áp lực kinh tế, mọi người đang chi nhiều hơn cho du lịch thay vì đồ trang trí nhà cửa, công nghệ và thiết bị thể thao. 49% người tham gia khảo sát cho biết họ háo hức đi du lịch nước ngoài, có thể xách vali lên và đi không chút do dự.
Các lệnh hạn chế đang được nới lỏng trên toàn thế giới. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ không còn yêu cầu đeo khẩu trang trên phương tiện công cộng và Mỹ cũng gỡ bỏ test Covid bắt buộc với khách du lịch quốc tế. Phần lớn các quốc gia ở Châu Âu đã gỡ bỏ hoặc nới lỏng lệnh hạn chế.
Mặc dù các chủng COVID có khả năng lây truyền cao vẫn đang “lảng vảng”, nhưng các chuyên gia tin rằng nếu thực hiện các biện pháp phòng ngừa, bạn sẽ không cần lo lắng quá nhiều.
Đi du lịch dễ dàng, nhưng chưa dễ chịu
Eric Hrubant, chủ sở hữu của CIRE Travel, một công ty du lịch cao cấp ở thành phố New York, khuyên khách du lịch hãy đợi đến tháng 9, tháng 10 để thăm thú châu Âu. Bởi lúc này lượng khách sẽ ít hơn, chi phí không đội giá như mùa cao điểm du lịch, do đó bạn cũng có nhiều lựa chọn hơn.
Nhiều người phải xếp hàng dài tại sân bay vì du lịch ồ ạt.
Nhu cầu đi lại tăng cao, kéo theo là sự tăng lên về chi phí du lịch, tuy nhiên năng suất hoạt động của ngành công nghiệp du lịch vẫn chưa đạt được mức như trước đại dịch. Gánh nặng sẽ đặt lên vai những người đang làm trong ngành vận tải cũng như khách sạn, du lịch. Theo trang Reuters, tình trạng chậm trễ, hủy chuyến bay ngày càng nhiều, du khách cũng phải xếp hàng dài tại sân bay. Với các yếu tố như lạm phát, thiếu hụt lao động và giá xăng tăng, bạn sẽ cần dự trù và tính toán nhiều hơn mức cần thiết cho một chuyến đi.
Nhưng có lẽ, nhiều người không ngần ngại phải đợi chờ, vì họ đã đợi hơn hai năm rồi, đợi thêm một chút cũng không sao.
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/ban-co-dang-hoa-minh-vao-lan-song-du-lich-tra-thu-20221122200731439.chn” name=””]