Mỗi lần được thưởng thức bánh ú chợ quê, tôi như được thỏa mãn muôn vàn nỗi nhớ, đầy ắp kỷ niệm một thời thơ ấu.
Người gói bánh phải cẩn thận, khéo léo cho nếp vào lòng lá chuối sao cho gọn, đều rồi quấn lá và bẻ mép lá ở 2 đầu bánh cho thật khít, thật đều và cân đối |
Mỗi lần về thăm nhà, dù bận đến mấy tôi cũng dành thời gian để tìm lại hình bóng tuổi thơ khi đi chợ quê. Tuy không còn “rặt quê”, chợ vẫn giữ được những hình ảnh thân thương cách đây mười mấy năm. Thế nên, dẫu tôi đã mua nhiều thứ đến nỗi xách trĩu cả tay, vậy mà vẫn ráng đèo bòng thêm mớ bánh quê, đặc biệt không thể thiếu vài chục bánh ú nếp.
Ai chưa từng trực tiếp làm bánh ú nếp, mới nhìn sơ qua vẻ bề ngoài của bánh sẽ thấy bánh không quá cầu kỳ. Tuy nhiên, bánh ú nếp được xếp vào hàng bánh cần sự tỉ mỉ, trải qua nhiều khâu chế biến. Nguyên liệu làm nên bánh ú chính là hạt gạo nếp, đậu xanh mộc mạc dân dã, nhưng nhờ sự khéo léo của người gói, bánh ú chợ quê có hương vị riêng.
Người nấu bánh phải nhặt hết những hạt tẻ lẫn vào, sau đó vo nếp bằng nước thật sạch, để ráo. Đậu xanh hạt nhỏ ngâm nước cho nở ra, đãi vỏ thật sạch. Thịt heo được chọn làm nhân bánh phải là thịt ba chỉ đem ướp với tiêu xay và những gia vị truyền thống đặc trưng. Ngoài nếp, đậu thì lá chuối và dây để cột bánh cũng đã được chuẩn bị từ mấy hôm trước. Mỗi lần gói bánh, mọi người trải chiếu ra, xúm lại, mỗi người một tay thoăn thoắt gói.
Người gói bánh phải cẩn thận, khéo léo cho nếp vào lòng lá chuối sao cho gọn, đều rồi quấn lá và bẻ mép lá ở 2 đầu bánh cho thật khít, thật đều và cân đối. Cái bánh phải chuẩn từ hình khối lẫn góc cạnh, dáng dấp thon gọn, 4 đỉnh phải nhọn, 6 cạnh đều. Dây lạt buộc bánh cũng không được quá chặt, để khi đem luộc, hạt gạo nếp có thể nở và chín đều. Trong tích tắc đã có những cái bánh như đống tháp nhỏ đặt xung quanh chiếc mâm, chiếc nào cũng như từ một khuôn đúc ra.
Sau khi đã nên bột nên hồ, nhẹ nhàng xếp vào đầy nồi và bắc lên bếp nấu trên lửa than. Sau khoảng vài giờ, bánh chín đều rồi vớt ra.
Theo kinh nghiệm, bánh ú ngon phải được nấu thật kỹ, ăn một miếng sẽ cảm nhận được hết hương vị của thịt ướp thơm, đậu xanh nấu nhừ hòa quyện với gạo nếp dẻo bùi, vị đậm đà, dai, giòn của thịt heo nhà nuôi.
Bánh ú là sản phẩm không chỉ từ đôi bàn tay chế biến khéo léo mà còn là kết tinh của thiên nhiên trong từng chiếc bánh. Chỉ cần cắn một miếng thôi mà như tận hưởng cả mùi thơm đặc trưng của hương đồng cỏ nội. Bánh ú nếp chợ quê giá nửa chục chỉ 20.000 đồng – không quá đắt để làm món quà đãi du khách gần xa.
Thuở kinh tế còn khó khăn, bánh ú nếp chỉ xuất hiện ở những đám giỗ. Dần dần, bánh lại trở thành món quà vặt được bày bán nơi góc chợ quê nhà. Thi thoảng, bánh còn góp mặt duyên dáng bên cạnh những món cao lương mỹ vị trong mâm cỗ, tiệc gặp mặt ở xứ Quảng. Thế mới biết, tuy thời gian vùn vụt trôi đi, những chiếc bánh ú vẫn còn nguyên giá trị như ngày nào, không thể phai vị nhòa hương trong lòng người dân quê. Mỗi lần được thưởng thức bánh ú chợ quê, tôi như được thỏa mãn muôn vàn nỗi nhớ, đầy ắp kỷ niệm một thời thơ ấu.
Phan Thị Thanh Ly
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/banh-u-cho-que-a1528068.html” name=””]