Gọi là bánh ú vét vì má dùng nguyên liệu làm bánh tét còn dư để dạy các con gói bánh ú và ăn trong lúc chờ giao thừa.
Má tôi là người Quảng, kiểu phụ nữ xưa, việc gì cũng biết làm, việc gì cũng đến tay. Má tất bật quanh năm, nhưng cao điểm nhất là từ rằm tháng Chạp đến nửa tháng Giêng. Trong tháng Chạp, má luôn tay, khi bào dừa, sên mứt, khi nấu xôi đồ bánh mè, lúc làm thịt heo ngâm mắm. Và đều đặn cứ vào tối 29 tết, má sẽ ngâm nếp, ngâm đậu, ướp thịt heo. Sáng 30, khi má đi chợ, ba ở nhà sẽ vo đậu, vo nếp. Sau khi nếp và đậu xanh được vo sạch, vỗ ráo, ba sẽ theo lời dặn của má, ướp hành tím xắt nhỏ, tiêu, ít muối, bột ngọt. Anh chị em tôi thì đi rạch lá chuối – mà phải là lá chuối chát, phơi nắng.
Chiều 30, khi việc tạm ngơi tay, khi lũ con đã lau sạch lá chuối, xếp gọn gàng; khi ba đã chất đầy củi ở sân trước, má khệ nệ bưng nguyên liệu ra thềm, kêu thêm chị Tư, chị Sáu của tôi, rồi gói bánh.
Tất cả nguyên liệu gói bánh tét từ nếp, đậu xanh đều ngâm mềm, vo sạch, để ráo trước khi ướp gia vị |
Má chọn những miếng lá chuối có độ rộng, dài tương đối, trải từng miếng theo dạng xếp chồng lên nhau, rồi lần lượt cho nếp, đậu xanh, thịt ba chỉ lên. Khi miếng thịt ba chỉ đã “thật đẹp” theo ý, má phủ một lớp nếp lên thịt và đậu, túm 2 mép lá chuối, gấp lại, siết thật chặt, siết sợi lạt đầu tiên giữa thân bánh. Má dựng đứng đòn bánh, gõ đều để nếp rơi xuống, ôm vào nhau và bẻ gấp đầu, thêm lá chuối, mới siết sợi lạt thứ hai. Sợi lạt thứ ba được thao tác tương tự sợi lạt thứ hai. Xong 3 sợi lạt đầu, má chuyển bánh sang để 2 chị tôi làm nốt.
Khi thau nếp vơi khoảng ¾, thì nước trong nồi cũng bắt đầu sôi, những đòn bánh tét đầu tiên được thả vào nấu. Sau khi đòn bánh tét cuối cùng được siết lạt, thể nào cũng dư ít nếp, thịt heo, đậu xanh. Và đó là phần hấp dẫn nhất với các chị em tôi.
Việc gói bánh ú không còn làm khó tôi như những lần tập gói đầu tiên |
Bởi phần nguyên liệu còn dư đó, má sẽ cho phép những đứa con đang háo hức muốn được gói bánh như má. Cách gói bánh ú, từ cách chọn lá chuối, thứ tự xếp nếp, đậu, thịt đến tạo hình chiếc bánh tam giác vuông ở đáy ra sao, má chỉ từng li từng tí nhưng mãi đến khi vào cấp II, tôi mới có thể hoàn thành 1 chiếc bánh ú đẹp mắt. Còn trước đó, chiếc bánh ú vét của tôi là “độc nhất vô nhị”.
Bánh ú nhỏ, nên dù được cho vào nồi nấu bánh tét sau cùng, nhưng lại được vớt ra đầu tiên, treo lên giàn cho ráo nước. Lũ con sau khi đi nhặt pháo ở nhà hàng xóm về, bánh đã khô ráo và có độ nguội nhất định. Bánh đứa nào gói thì đã tự đánh dấu để phân biệt nên cứ thế mà lấy phần, tự ăn.
Nhìn ánh mắt háo hức của 2 con, tôi quyết định vừa kể chuyện, vừa gói vài chiếc bánh ú |
Tất cả thành phần của chiếc bánh đều được ướp gia vị, cắn đến đâu, tôi nhận ra vị đến đó. Đầu tiên là lớp vỏ bằng nếp dẻo mềm có vị cay nhẹ của tiêu, tiếp đó là lớp đậu xanh cay thơm đậm đà nhờ có sự góp mặt của tiêu, của hành tím; cuối cùng là lát thịt ba chỉ được nấu rền, tan ngay khi bỏ vào miệng.
Không biết vì chiếc bánh nhỏ, vì thức chơi đón giao thừa đói hay vì cả năm mới được ăn bánh ú vét mà mấy anh chị em ăn không thấy đã thèm…
Lũ trẻ nhà tôi ngồi canh bánh cùng cậu Tư và gọi đây là “picnic buổi tối” |
Tết này, má 83 tuổi, tay run, mắt mờ, nên dù má ngỏ ý vẫn giữ nếp gói bánh tét chiều 30 tết nhưng hỏi đứa con nào, cũng bị gạt đi. Lý do rất đơn giản, ai cũng sợ mập, sợ bệnh, ăn không nhiều, mỗi nhà đặt mua 2 đòn bánh cho có hương vị ngày tết là đủ. Nghe con phân tích, má gật gật đầu mà mắt buồn so, khiến chị em nhìn nhau, thở thật dài.
Chiều cuối năm, má nằm võng, chân đu đưa nhưng mặt buồn hiu. Bỗng, có tiếng xe dừng trước ngõ. Các con gái má ùa vào, người khệ nệ bưng thau nếp đã ngâm mềm, người xách túi đậu xanh, người mang thịt ba chỉ, người xách lá chuối, lạt. Thì ra, các chị nháy nhau chuẩn bị nguyên liệu, tranh thủ về nhà gói bánh tét cho má vui. Việc canh bánh, sẽ do anh Tư – người hiện đang chăm má – đảm nhận.
Nhìn các con gái đã thành mẹ, nhìn đàn cháu tíu tít cười nói quây quần, má như trẻ lại.
Bài và ảnh: Huỳnh Hằng
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/banh-u-vet-a1483678.html” name=””]