Một người đàn ông đăng tải video clip trên TikTok tiết lộ cách cô vợ người Nhật Bản của mình bảo quản phần cơm thừa khi ăn không hết vô cùng tiết kiệm.
Cụ thể, người này chia sẻ:
“Tại Nhật thì cơm thừa người ta sẽ cho vào túi bóng và cho vào ngăn đá. Và người ta bảo quản vài ngày, vài tuần, thậm chí một tháng sau người ta mang ra ăn. Thế mới nói người Nhật tiết kiệm quá trời luôn”.
Theo tìm hiểu, với cách cho cơm vào màng bọc thực phẩm hoặc túi ni lông và ép hết khí ra ngoài rồi cho vào ngăn đá tủ lạnh bảo quản sẽ không mất nhiều độ ẩm và dinh dưỡng trong hạt cơm. Ngoài ra, còn giúp “cách ly” cơm với vi khuẩn, khi hấp lại vẫn đảm bảo được độ mềm và ngon.
Theo Liên đoàn Hiệp hội Hợp tác xã Nông nghiệp Quốc gia Nhật Bản, việc bỏ cơm chín vào ngăn mát tủ lạnh khiến các phân tử tinh bột bị phá vỡ, khiến cơm bị khô, cứng. Theo đó, trên trang Twitter của tổ chức này đã chia sẻ ba bước bảo quản cơm đúng cách:
Các bước bảo quản cơm đúng cách. (Ảnh chụp màn hình zennoh_food@twitter)
– Bước 1: Lấy phần cơm cần bảo quản ra ngoài.
– Bước 2: Dùng màng bọc thực phẩm gói cơm lại thành từng phần nhỏ.
– Bước 3: Đặt từng phần cơm được gói lên khay inox rồi cho vào ngăn đông tủ lạnh.
Bằng cách này, cơm bảo quản vẫn giữ được độ ẩm và tơi xốp cho lần ăn sau.
Tuy nhiên, mọi người vẫn nên dựa vào số lượng các thành viên trong gia đình để định lượng vừa đủ cho mỗi lần nấu cơm để tránh thừa cơm nguội và phải mất thời gian đi bảo quản.
Bên cạnh đó, mạng xã hội thời gian qua cũng sáng tạo ra được rất nhiều các món ăn từ cơm nguội như làm bánh gạo, que cay, snack,… có thể tham khảo để “thủ tiêu” phần cơm lỡ nấu dư.
Ngoài ra, để nấu một nồi cơm ngon thực sự, người Nhật cũng có cách riêng của mình.
Một nồi cơm ngon là nồi cơm dẻo, ngọt và hạt cơm bóng. Để nấu một nồi cơm ngon là mối quan tâm hàng đầu của các bà xã Nhật. Muốn cơm dẻo, ngọt, người nội trợ Nhật rất để ý đến cách bảo quản gạo và vo gạo. Gạo phải được bảo quản dưới 20 độ, trên nhiệt độ này gạo dễ bị mọt, mốc. Muốn bảo quản tốt, các bà không thích mua gạo nhiều, mỗi lần chỉ khoảng 5 kí (5kg) để giữ cho gạo không bị ăn quá lâu.
Có người cầu kỳ hơn tìm mua gạo ở những tiệm có máy xát gạo mini để trong tiệm để bà có thể mua gạo lứt và xay ngay tại tiệm, giúp gạo được “tươi” khi mua. Mua gạo về, họ trút gạo vào chai pet (chai nhựa trong) loại 1,5 lít và cho vào tủ lạnh.
Sáng kiến này giúp đảm bảo giữ gạo ở nhiệt độ thấp vào mùa hè. Còn khi bỏ gạo vào hũ, muốn tránh cho gạo không bị sâu mọt, các bà thường cho vào hũ vài quả ớt khô còn nguyên quả.
Vo gạo thì họ chỉ vo nhẹ. Những năm gần đây thị trường còn xuất hiện loại gạo không cần vo, các bà chỉ cần đong gạo, cho nước vào nồi là nấu được. Loại gạo này rất tiện, không tốn công vo, lại không làm ô nhiễm nguồn nước, vì nước vo gạo tuy không chứa các chất độc hại, nhưng có nhiều chất bổ làm tăng lượng vi sinh trong nước sông, một nhân tố làm nguồn nước sông bị thối.
Gạo vo xong họ không nấu ngay mà ngâm trong nước từ 30 phút đến 1 tiếng để gạo nở. Gạo Nhật nếu không ngâm, cơm nấu ra sẽ bời rời, không dẻo.
[yeni-source src=”https://giadinh.net.vn/bao-quan-com-nguoi-theo-cach-cua-nguoi-nhat-dung-duoc-ca-thang-troi-com-van-toi-xop-giu-nguyen-chat-dinh-duong-172211111075555875.htm” alt_src=”” name=””]