( Yeni ) – Không thể tiếp cận nguồn từ các mỏ hay biển, người dân tộc Apatani ở Ấn Độ đã tự tạo ra một loại gia vị riêng có chức năng và hương vị như muối. Đó là loại muối gì?
Bộ tộc tự tạo ra muối cho mình
Punyo thuộc Apatani, một trong những bộ tộc không du mục cổ xưa nhất Ấn Độ. Họ sống giữa những cánh đồng lúa và đồi xanh của vùng Arunachal Pradesh. Vị trí của nơi này lý giải vì sao nhiều người khác trong bộ tộc tự làm muối suốt nhiều thế kỷ.
Họ sống giữa những ngọn núi, ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Khu vực này tách biệt, không có nước mặn hay mỏ muối. Khi biết đến muối, họ cũng không thể mua vì nó có giá rất cao và việc đem chúng vào thung lũng Ziro là thử thách với các nhà buôn.
Người Apatani đã tự tìm thứ thay thế cho muối, tạo ra một nguyên liệu không chỉ độc đáo, mà còn giúp họ thoát khỏi những vấn đề sức khỏe thường phổ biến ở những vùng thiếu loại gia vị này. Tapyo không phải là muối theo đúng nghĩa đen, mà được làm từ thực vật, và có vai trò tương tự trên cả phương diện sức khỏe và mùi vị.
Ngày nay, muối không còn quý hiếm, nhưng trong lịch sử, chúng từng được coi như vàng, được đem bán và tích trữ do có khả năng bảo quản thực phẩm và khiến mọi thứ ngon hơn. Trong thực đơn của người Apatani gồm cơm, rau, thịt và cá, không có muối và ít gia vị. Tapyo được trân trọng như muối, được đặt một bên món ăn và sử dụng dè xẻn để tạo hương vị.
Loại muối lạ được tìm thấy như thế nào?
Họ phát hiện ra tapyo một cách tình cờ. Các ngôi nhà Apatani truyền thống thường có chulha (lò 3 tầng) giữa nhà. Sau khi ăn xong, họ sử dụng tro thay thế xà phòng để rửa tay. Nhờ đó, họ nhận ra tro có vị mặn và có thể được dùng để nêm nếm món ăn.
Các nhà nghiên cứu y khoa kết luận rằng việc dùng tro trong món ăn là an toàn, nhưng không nên ăn riêng nó hay theo số lượng lớn.
Tapyo có vẻ đã đem lại lợi ích sức khỏe cho nhiều thế hệ, giúp họ có đủ lượng iốt, một khoáng chất trong muối mà cơ thể không thể tự sản xuất. Không thành viên nào trong bộ tộc bị bướu cổ hay trẻ con bị thiếu khả năng tư duy.
Tuy nhiên, loại gia vị này tốn nhiều thời gian và công sức để làm ra, thường chỉ được sử dụng trong các dịp đặc biệt hay lễ hội.
Trong đó, pepu (một loại cây tương tự tre), lá chuối, kê chân vịt và cây tarii được phơi khô dưới ánh nắng suốt nhiều ngày trước khi đem đốt. Tro được bỏ vào một giỏ lọc hình nón, có tên sader, và từ từ rót nước vào. Nước chảy qua tro và kết tủa lại ở đáy, một quá trình có thể tốn từ 3 ngày đến 2 tuần. Nước tro – hay còn gọi là pila – được để khoảng 3 ngày trước khi đem làm tapyo.
Đầu tiên, một chiếc nồi được đặt lên bếp, thêm nước cơm và đun cho đến khi tạo thành một lớp trong suốt, giúp nước tro không dính vào nồi. Sau đó, người làm sẽ rót từng chút nước cho vào, cho đến khi nó khô và tạo thành một khối giống như đất sét có màu nhạt.
Khối pila được để nguội, bọc trong cỏ và treo trên lò cho khô. Mỗi khi cần dùng, họ sẽ lấy ra từng miếng. Hiện nay, chỉ người lớn tuổi biết cách làm tapyo, khi thế hệ trẻ đi đến những thành phố lớn để học tập. Nhưng một số cũng tò mò muốn làm loại muối đặc biệt này.
[yeni-source src=”http://www.khoevadep.com.vn/bat-ngo-voi-loai-muoi-dac-biet-cua-bo-toc-tren-nui-cao-search/?id=306809″ alt_src=”” name=”Khoevadep”]