3 năm, hơn 1.000 ngày, những sáng cùng ông lên rừng, những chiều cùng bà ra cầu ao vo gạo đã trở thành kỷ niệm, những khoảnh khắc quý giá với đứa cháu 31 tuổi.
Ngôi nhà của ông bà cháu nằm giữa núi rừng êm đềm |
3 năm bỏ phố về rừng sống cùng ông bà nội, anh Nguyễn Linh (31 tuổi, xã Hóa Quỳ, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa) không có điều gì hối tiếc. Anh tâm sự: “Trên đời này, dù bạn có thật nhiều tiền cũng không thể mua thời gian, sức khỏe và tình cảm. Mỗi khoảnh khắc ở cùng ông bà, tôi luôn thấy mình thật sung sức, giàu có”.
Ông không đi thì cháu về
Tháng 9/2019, Nguyễn Linh rời Hà Nội để về quê. Cuộc sống đô thị xô bồ nhiều căng thẳng, mệt mỏi không phải lý do quan trọng nhất khiến anh đưa ra quyết định mang tính bước ngoặt. Anh thương ông bà đã già lại thui thủi sống trong căn nhà lá tạm bợ cạnh bìa rừng.
Anh kể: “Nhiều lần ba mẹ và các bác tôi khuyên ông bà bỏ rừng về sống chung với con cháu, nhưng ông bà nhất quyết không muốn rời xa nơi những ngày đầu ông bà cùng chung sống, nơi nhìn thấy ba mẹ và các bác sinh ra, lớn lên. Ông bà cũng tiếc mảnh vườn, ao cá, đồng ruộng, tiếc con trâu, con gà đã bầu bạn với ông bà”.
Bỏ phố về quê đồng nghĩa với việc Linh phải làm lại từ đầu. Anh cùng ông bà thiết kế một cuộc sống tự cung tự cấp: Gieo lúa, trồng rau, nuôi gà, đào ao thả cá…
Những ngày đầu, Nguyễn Linh phải vượt qua nhiều vụng về, bỡ ngỡ. Ông bà không chỉ “truyền khẩu” cho cháu trai cách trở thành anh nông dân mà cầm tay chỉ việc, hướng dẫn Linh cách cầm cuốc, cách gói ghém hành trang cần thiết mỗi khi đi rừng.
Linh kể: “Thường là 2 ngày 1 lần, tôi sẽ cùng ông thăm cánh rừng già sau nhà; gặp gì lấy đó, nào nấm lim, cam thảo, măng, chuối hột, mật ong. Tuy vậy, cũng có những hôm ông cháu băng rừng nhưng phải trở về tay trắng”.
Từ ngày có cháu về ở cùng, ông bà cười nói nhiều hơn |
Khi đi rừng, lấy mật ong là việc khó nhất. Công việc này không chỉ cần đến lòng can đảm, kiên trì mà cần cả sức khỏe dẻo dai mới có thể lội suối, leo trèo lên những thân cây cao, vách núi dựng đứng để thu được mật về. Linh chia sẻ những kinh nghiệm lấy mật ông nội đã bày cho mình: “Ong rất sợ khói nên mình cần lá tươi để tạo ra khói. Khi lũ ong dạt đi gần hết, tôi bắt đầu trèo lên cao để tiếp cận tổ ong. Để lấy mật, tôi sẽ dùng túi ni lông để bao trọn bầu mật, nhưng không gỡ hết toàn bộ mà dành lại một phần bầu mật cho chúng tiếp tục phát triển”.
3 năm, hơn 1.000 ngày, những sáng cùng ông lên rừng, những chiều cùng bà ra cầu ao vo gạo đã trở thành kỷ niệm, những khoảnh khắc quý giá khiến Linh càng thêm kết nối với quê hương, với chính mình. Anh nhận ra, vốn dĩ bản thân rất yêu lối sống điền dã, hoang sơ, hòa mình vào thiên nhiên cây cỏ.
Hằng ngày, anh lui cui sửa chữa, lắp đặt thêm vào ngôi nhà cái này cái kia. Hôm thì rào lại khoảnh sân, hôm thì bắt lại ống tre làm hệ thống nước tự chảy từ trên núi về, hôm làm chuồng nuôi bồ câu, hôm đắp lò cho bà nấu bếp… Anh luôn ưu tiên dùng vật liệu thân thiện với tự nhiên.
Từ một ngôi nhà hoang sơ, rách nát, chỉ có 2 ông bà già gần 80 tuổi nơi bìa rừng heo hút, Linh đã “hô biến” thành một tổ ấm suốt ngày rộn rã tiếng cười nói.
Linh dựng hàng rào trồng rau cho ông bà |
Nói dối vì quá thương ông
Sau hơn 3 năm bỏ phố về rừng, lập kênh bán hàng Linh Nguyễn, ngày 3/3/2023, Linh gặp biến cố lớn: ông Linh mắc K phổi. Vì tuổi cao, sức yếu, khối u phát triển lớn nên mọi người trong gia đình không đồng ý phương pháp can thiệp bằng tây y. Mọi người bàn cách giấu ông bà thông tin này.
Linh viết: “Mọi người bàn nhau nói dối là ông chỉ bị viêm phổi. Khi nghe vậy, ông cười xòa và phấn chấn hẳn lên. Riêng tôi sống bên ông bà mỗi ngày, biết việc nói dối là điều không nên nhưng mình lo nếu nói sự thật thì ông sẽ suy sụp, đau khổ và không thể cầm cự được lâu. Không biết bệnh tình của mình, ông sẽ lạc quan, vui vẻ hơn. Bây giờ, mỗi ngày tôi sẽ kết hợp các loại thuốc nam, nấm lim, mật ong ngâm đu đủ và bồi dưỡng chuyện ăn uống thêm cho ông, mong là phép màu sẽ đến”.
Phú giây hạnh phúc của ông bà cháu |
Sinh lão bệnh tử, cuộc đời đôi khi bất thường và lạnh buốt như một ngọn gió heo may. Với Nguyễn Linh, khi ông bệnh đồng nghĩa khoảng thời gian chuyện trò, gần gũi giữa anh và ông bà đang bị rút cạn rất nhanh. Anh giấu biệt nỗi buồn vào trong, mỗi ngày càng dành thêm nhiều thời gian để tương tác, lưu giữ kỷ niệm bên ông bà.
Cùng bức ảnh về không gian vắng lặng, im lìm, Linh chia sẻ: “Mấy hôm nay mọi thứ thật buồn. Ông ho nhiều nên phải ở trong nhà tránh gió. Nơi khoảng sân này từng có những ngày tháng ấm áp, bình yên. Ông thường ngồi cạnh mình vót nan, sưởi nắng. Mình rất sợ đến lúc nào đó, nhìn trái nhìn phải, tìm nơi nào cũng không thấy được ông bà.
Thế nhưng, buồn nốt chiều nay thôi, từ mai, mình lại vào rừng tìm ong, tìm nấm và các cây thuốc quý về bán lấy tiền. Thời gian này mình cần rất nhiều tiền để lo cho ông”.
Khung cảnh thơ mộng của đời sống thôn dã mà Linh đang tận hưởng |
Trong mỗi lời Linh nói, mỗi việc Linh làm đều có bóng dáng ông bà. Anh đã dành thời gian, sức lực, tuổi trẻ để trở về, ở bên cạnh đỡ đần, chăm sóc ông bà những khi trở trời, trái gió. Tôi tự hỏi, nhờ cách một con đường, hay cách một sự lựa chọn mà ngày qua ngày, cuộc sống xô bồ, hối hả và hời hợt ngoài kia đã không chạm được vào tổ ấm nhỏ giữa rừng xanh?
Ngôi nhà đã được sửa chữa kiên cố, che khít những chỗ gió lùa. Trên mái, Linh còn lắp thêm hệ thống điện mặt trời để thắp sáng, sưởi ấm cho ông. Cuộc sống tù mù, leo lét giữa ánh đèn dầu kéo dài hơn 30 năm đã kết thúc.
Và trong tim ông, bà, cháu, mỗi khoảnh khắc trôi qua, mỗi khoảnh khắc còn lại đều sẽ luôn ấm áp nhờ sự hiện diện của ánh sáng tình thân.
Diệu Thông
Chia sẻ bài viết: |
Chia sẻ |
Từ khóa
bỏ phố về rừngchăm sóc ông bàtự cung tự cấp
*Email (không hiển thị trên trang):
*Họ tên (hiển thị trên trang):
Vui lòng nhập mã xác nhận vào ô bên dưới.
Nếu bạn không đọc được, hãy Chọn mã xác nhận khác.
*Email (không hiển thị trên trang):
*Họ tên (hiển thị trên trang):
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/bo-pho-ve-rung-song-voi-ong-ba-a1487288.html” name=””]