Chị Ngọc Trân chia sẻ kinh nghiệm trồng dưa chuột trĩu quả trên sân thượng trĩu trịt, quả nào quả đấy “bóng mẩy”.
Khu vườn trên cao trồng dưa chuột lúc lỉu của gia đình chị Lê Thị Ngọc Trân (sinh sống ở Sài Gòn) khiến nhiều người trầm trồ.
Cách đây mấy năm, chỉ từ một sân thượng bỏ trống đã được chị hô biến biến thành khu vực trồng đủ loại rau quả sạch, trong đó ai đặt chân ghé thăm đều phải ấn tượng bởi giàn dưa chuột (dưa leo) lúc lỉu đầy những quả.
Mỗi vụ thu hoạch, chị Ngọc Trân “ăn không xuể” dưa chuột, phải đem cho người thân và hàng xóm.
Chị Ngọc Trân cho biết, thời tiết ở Sài Gòn có thể trồng được dưa chuột quanh năm, trồng rau sạch giúp chị vừa thư giãn vừa có thực phẩm sạch cho bữa ăn gia đình.
Sau mấy năm trồng dưa chuột và thu hoạch đạt năng suất, chị Ngọc Trân đã tích lũy cho mình được những kinh nghiệm trồng dưa chuột quả nào quả nấy mập mập, xanh ngon từ khu vườn nhỏ trên sân thượng của mình.
Kinh nghiệm trồng dưa chuột
Về đất trồng dưa chuột:
Chị Trân cho hay, loại đất để dưa chuột phát triển tốt nhất là đất pha cát hoặc đất chứa nhiều dinh dưỡng. Không nên trồng dưa luôn trên đất mới.
Giá thể trồng chị trộn cùng gỗ mùn, phân bò và phân trùn quế theo tỉ lệ 3 đất: 2 mùn: 1 bò: 1 trùn quế. Sau khi trộn đều với nhau thì xới lên để phân ngấm đều vào đất rồi mới cho vào chậu.
Vì dưa chuột là giống cây có bộ rễ phát triển nhanh và khỏe. Do đó đủ để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho cả giàn. Chính vì thế, nên trồng trong thùng xốp hoặc các loại thùng, xô nhựa để cây phát triển tốt.
Để tạo sự thông thoáng giúp rễ cây phát triển mạnh, trao đổi oxi tốt, tránh được tình trạng ngập ứng, bên hông và dưới đáy chậu trồng bạn cần đục nhiều lỗ để dễ thoát nước.
Chị Ngọc Trân bên thành quả chăm sóc mỗi ngày của mình.
Ủ hạt giống
Hạt giống dưa chuột cần được ngân trong nước ấm 30-35 độ C khoảng 2-3 tiếng. Tiếp đó, bạn vớt hạt ra rửa lại bằng nước sạch và dùng khăn ẩm ủ trong nhiệt độ 27-30 độ C khoảng 3-5 ngày. Bạn cần giữ cho bọc ủ được ẩm và khi thấy hạt nứt ra, nhú mầm thì đem đi gieo.
Kỹ thuật gieo hạt giống
Bạn dùng tay ấn một lỗ nhỏ xuống nền đất tơi xốp, đủ ẩm và dinh dưỡng (khoảng 1cm) sau đó bỏ 1-2 hạt/lỗ. Tiếp đến, bạn phủ thêm một lớp đất mỏng rồi phun nhẹ nước lên trên để đảm bảo đất đủ ẩm.
Bạn cần bọc chậu hạt trong túi nilon và đặt ở nơi có nắng giúp kích thích sự phát triển của hạt giống. Một tuần sau khi gieo, hạt sẽ nảy mầm. Khi cây con cao khoảng 10-15cm, bạn có thể bứng chúng vào chậu trồng.
Chuyển cây giống vào chậu
Bạn cần tạo hố đất sâu, nhấc nhẹ bầu cây ra khỏi khay và vùi kín bầu cây dưới đất, đôn cho chặt gốc. Phủ rơm rạ, gỗ mùn, cỏ khô xung quanh gốc để giữ ẩm. Thời điểm trồng cây nên vào buổi sáng hoặc chiều khi nắng đã tắt. Cây con mới trồng được đặt ở nơi râm mát, tránh ánh nắng trực tiếp khoảng 1-2 ngày.
Kinh nghiệm trồng dưa chuột: Chị Ngọc Trân phủ rơm rạ hoặc cỏ khô ở mặt đất xung quanh cây dưa chuột.
Cây dưa leo phát triển nhanh và không đòi hỏi phải chăm sóc nhiều, bạn chỉ cần tưới nước 1-2 lần/ngày. Chậu cây được đặt ở nơi có nhiều ánh sánh để trái nhanh lớn và cho năng suất cao.
Trong 2 tuần đầu tiên sau khi trồng, bạn hãy thường xuyên tưới nước cho cây vào mỗi buổi buổi sáng sớm và chiều; phủ phân chuồng, phân gà, rơm rạ hoặc cỏ khô ở mặt đất xung quanh cây.
Cây bắt đầu phát triển thân lá và các tua cuốn là lúc bạn cần làm giàn cho cây. Việc làm giàn và tỉa nhánh cho cây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của cây, năng suất và chất lượng quả.
Kỹ thuật chăm sóc
– Tưới nước cho dưa leo: Vào thời kỳ cây trổ hoa, đặc biệt không để cây bị thiếu nước.
– Xén ngọn: Khi cây được 8-10 cm, canh lúc trời quang đãng, dùng dao hay kéo sắc xén ngọn dưa để cho dưa đâm nhiều tượt.
– Bón phân: Chị Trân trộn phân vào đất trồng và khi cây leo giàn thì bón ít tro rơm, tro củi để đảm bảo sản phẩm thu được “sạch” hoàn toàn.
Dưa sạch “chuẩn nhà trồng được” khiến bao người phát thèm.
Thụ phấn cho cây
Khoảng 30 – 50 ngày sau khi trồng, dưa leo bắt đầu ra hoa kết trái, các nách lá xuất hiện hoa đực, hoa cái và nhánh. Thời kỳ này được xem là “nhạy cảm” nhất, quyết định năng suất của cây. Lúc này cần tưới nước cho cây 2 lần/ngày vào buổi sáng và chiều tối.
Để dưa leo đậu quả, cho ra nhiều trái, bạn cần chú ý đến việc thụ phấn của cây. Bạn có thể phun nước đường pha loãng lên thân cây để thu hút ong thụ phấn cho dưa. Hoặc bạn tác động đến việc thụ phấn bằng cách loại bỏ hoa đực, dùng tăm bông lấy phấn hoa đực rồi chà lên nhụy hoa cái.
Chị Trân bật mí, để dưa leo đậu quả, cho ra nhiều trái, bạn cần chú ý đến việc thụ phấn của cây.
[yeni-source src=”http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/bo-tui-kinh-nghiem-trong-dua-chuot-tren-san-thuong-triu-qua-cua-me-dam-sai-gon-d295970.html” alt_src=”” name=””]