Quê tôi ăn bún riêu không thể thiếu chả lá lốt, sung muối và hoa chuối đi kèm.
Bát bún riêu thương nhớ quê tôi |
Bún riêu là món ăn tuy không xa lạ nhưng mỗi vùng miền lại có cách nấu khác nhau. Bún riêu Sài Gòn có thêm chân giò, huyết heo. Bún riêu Hà Nội thơm đậm mùi dấm bỗng. Còn bún riêu Phủ Lý – Hà Nam quê tôi lại mang 1 vị đặc trưng khác biệt.
Ngày mới lên Hà Nội học đại học, tôi đã không thể ăn hết bát bún riêu ở đây dù cho bao người xung quanh đều khen ngon. Ở quê tôi, mọi người không dùng dấm bỗng để tạo vị chua cho các món canh mà chỉ dùng cơm mẻ. Tôi đã quen với vị chua thanh thơm dịu của cơm mẻ nên bị “sốc nhiệt” trước mùi và vị của dấm bỗng.
Với tôi, món bún riêu cua này mẹ tôi nấu ngon hơn bất cứ nhà hàng 5 sao nào.
Mẹ đi chợ chọn lựa từng con cua. Mẹ thường dặn tôi phải chọn những con cua cái vì sẽ nhiều gạch, làm món riêu thật sự hấp dẫn. Sau đó, mẹ rửa cua, tách gạch ra 1 bát nhỏ, phần thịt xay nhỏ hoặc giã nhuyễn.
Nhớ hồi mới tập tành làm, tôi bị cua kẹp không biết bao lần. Không những thế, ngày đó không có máy xay, mọi thứ đều giã tay và mùa hè năm ấy, tôi đã làm vỡ 2 cái cối của mẹ vì giã cua.
Nhưng cũng nhờ những lần làm vỡ, làm hỏng như vậy mà tôi tiến bộ, được mẹ tin tưởng trong việc lọc cua. Nước cua tôi lọc trong vắt không chút cát sạn, mẹ nêm vào chút hạt nêm, khuấy đều rồi mới cho lên bếp.
Trong lúc chờ nồi riêu sôi, mẹ chuẩn bị “nhân”, nào là hành lá, hành khô xắt nhỏ, cà chua bổ múi cau, cơm mẻ xay nhuyễn.
Nhìn nồi canh đã thấy thật hấp dẫn |
Mẹ phi hành lá, hành khô thật thơm, cho đến khi hành lá chuyển sang màu nâu cánh gián.
Gạch cua rửa sạch mẹ cho vào chảo dầu, thêm chút nước mắm thơm lừng rồi tắt bếp, múc ra bát. Lát nữa món gạch cua phi này đắt hàng lắm đây. Trộn với bún không ăn đã béo ngậy, cho thêm vào bún nước thì trên cả tuyệt vời.
Cũng chiếc chảo thơm lừng đó, mẹ tiếp tục cho cà chua vào, thêm chút gia vị, chờ cà chín mềm, vớt ra bát riêng và tiếp tục chưng cơm mẻ. Nhà tôi không dùng cơm mẻ sống mà thường đun lên cho chín, sau đó mới cho vào nồi canh.
Xong tiết mục “nhân” riêu cũng là lúc nồi canh sôi. Từng lớp gạch cua đóng bánh trên mặt nước thật là hấp dẫn. Mẹ lần lượt trút cà chua, hành phi và thêm từ từ cơm mẻ vào để thử độ chua. Chỉ cần nêm nếm gia vị lại lần nữa là hoàn thành nồi riêu.
Quê tôi ăn bún riêu không thể thiếu chả lá lốt, sung muối và hoa chuối đi kèm |
Trong lúc chờ mẹ nấu nồi riêu, chị em tôi nhận nhiệm vụ gói chả lá lốt. Lá to, lá bé đủ cỡ. Ai cầm được lá lốt to là reo lên sung sướng. Ai “không may” cầm lá nhỏ thì… ngậm ngùi lấy thêm 1 lá ghép lại để gói cho miếng chả to to.
Đến bữa, mẹ gắp chút bún vào bát, thêm miếng chả, miếng sung, thêm chút rau sống, hoa chuối, chan thêm nước dùng nóng hổi, cả nhà xì xụp rồi chuyện trò rôm rả.
Trải qua nhiều năm, ba mẹ tôi đã có dâu rể, cháu chắt, nhưng bún riêu mẹ nấu vẫn luôn là món ăn rất “hot” của cả nhà.
Và tôi cũng vậy, dù đã sống ở Hà Nội gần 20 năm, dù đã quen với vị dấm bỗng, tôi vẫn mê hương vị bún riêu do mẹ nấu. Một hương vị khó quên!
Vũ Lại Huyền
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/bun-rieu-thuong-nho-a1485546.html” name=””]