Khủng hoảng ly hôn là một giai đoạn không hề dễ dàng. Tùy theo cách cuộc hôn nhân kết thúc, mức độ khủng hoảng cũng khác nhau.
Ảnh mang tính minh họa – Shutterstok |
Tôi nhớ lúc đó tôi có hẹn với 1 người đàn ông Ai Cập bàn công việc. Thế rồi, câu chuyện lại chuyển sang vấn đề đời tư bởi vì sự mệt mỏi thể hiện rõ trên khuôn mặt người đàn ông đó khiến tôi cảm thấy tò mò.
Người đàn ông ấy kinh doanh cà phê ở Ai Cập. Trong lần du lịch sang Việt Nam, anh gặp một cô gái Việt. Họ nhanh chóng yêu nhau theo kiểu tình yêu sét đánh. Là người lớn lên trong một gia đình đổ vỡ và không sống cùng ba mẹ, anh khao khát lập gia đình sớm. Họ kết hôn sau vài tháng quen biết và nhanh chóng có con.
Như bất kỳ người đàn ông nào, anh cảm thấy cô ấy thật khác so với lúc mới yêu. Tại sao cô ấy không còn giữ sự dịu dàng nữa mà lúc nào cũng nhắc đến tiền? Theo lời anh kể thì cô ấy rất “kinh khủng”. Cô ấy đuổi anh ra khỏi homestay.
Tôi thể hiện sự đồng cảm với anh về nỗi đau tan vỡ và cũng nói về việc mọi phụ nữ đều sẽ thay đổi sau khi có con, nhất là khi con còn nhỏ. Bản thân anh hãy dành thời gian để hiểu chính mình thì mới có thể hiểu cô ấy.
Sau đó, họ chia tay và anh trở về Ai Cập. Thỉnh thoảng, anh hay gọi video cho tôi. Tôi chỉ nghĩ chúng tôi là bạn bè. Cho đến khi “tình bạn” phát triển thành những biểu hiện từ anh như ánh mắt đắm đuối, vẻ mặt rạng ngời hạnh phúc khi nhìn thấy tôi và những câu nói “Anh yêu em. Em có đồng ý kết hôn với anh không?”. Thế là, tôi bắt đầu giữ khoảng cách.
Nếu lúc đó tôi ham mê trai ngoại và trỗi lên những cảm xúc “Tội nghiệp anh ấy quá”, chắc tôi đã lao vào để “cứu rỗi” anh. Và có khi, chúng tôi sẽ lặp lại những vấn đề cũ của anh.
Khi người ta kết thúc một mối quan hệ, đặc biệt là hôn nhân, trong tình trạng chẳng mấy ấm êm, họ dễ rơi vào sự thiếu hụt. Ngoài ra, sẽ là một mất mát lớn, dễ khủng hoảng giá trị, cảm thấy thất bại nếu là người gặp vấn đề từ tuổi ấu thơ như anh. Vào giây phút ấy, những người cho họ cảm giác dễ chịu khi ở cạnh bên giống như cái phao mà họ muốn bấu vào. Họ dễ nghiện và xem cảm xúc từ người đó như một sự chữa lành cho chính mình.
Những phụ nữ làm mẹ đơn thân còn đối diện với nhiều cảm xúc phức tạp hơn. Đó là giai đoạn phụ nữ dễ yếu đuối, sa ngã, cần nhu cầu tình cảm rất lớn, lo lắng cho tương lai mình và con. Nhiều người đàn ông đã lừa tình, lừa tiền họ bởi biết sự vất vả của phụ nữ đơn thân.
Một số người khi bị chồng phản bội còn mang tâm thế “ông ăn chả bà ăn nem” như một sự trả thù đời.
Nhưng dù bạn đang ở trong thời điểm khủng hoảng ly hôn vì lý do gì, hãy dành cho bản thân một khoảng thời gian để hồi phục. Đó là khoảng thời gian không nên vội vã bước chân vào mối quan hệ nào.
Hãy dành thời gian để hiểu chính mình. Mình đã như thế nào trong mối quan hệ đó? Việc nhìn và hiểu bản thân một cách trung thực mà không phán xét mới giúp bạn trưởng thành hơn sau vấp ngã. Khi một cuộc hôn nhân kết thúc, cả 2 phía đều phải chịu trách nhiệm. Bạn không nên đổ lỗi cho mình hay người kia. Mình có tốt có xấu, người đó cũng vậy. Có thể bạn nghĩ mình đủ tốt nhưng bạn không nhìn thấy được những hành vi phá hủy mối quan hệ từ chính mình.
Việc nhìn và hiểu mình rất quan trọng vì đó là nền tảng để bạn xây đắp lại tình yêu lành mạnh. Có yêu bản thân một cách lành mạnh, bạn mới có thể bước tiếp một cách lành mạnh trong các mối quan hệ khác. Nếu không, nó sẽ biến thành các cơn nghiện ngập cảm xúc.
Vì sự lành mạnh đến từ bản thân, bạn mới có thể nuôi dưỡng được mối quan hệ lành mạnh với đối phương dù 2 người không đi cùng nhau được nữa. Và nếu giữa cả hai còn ràng buộc con cái, đứa con vẫn nhận đầy đủ giá trị tốt đẹp từ ba mẹ.
Mọi cuộc khủng hoảng xảy đến trong đời thường giúp bạn học được điều gì đó. Hãy đón nhận nó và biết ơn đoạn đường bạn đã đi qua.
Nguyễn Vân Anh
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/buoc-qua-khung-hoang-ly-hon-a1531019.html” name=””]