Trước Thiên Ân, đại diện Iceland tại Hoa hậu Hòa bình 2016 tuyên bố bỏ tham dự đêm chung kết do bị người đứng đầu cuộc thi chê béo và yêu cầu cô ăn kiêng.
Câu chuyện Đoàn Thiên Ân sau khi bị loại khỏi top 10 Hoa hậu Hòa bình trở nên ồn ào hơn khi chủ tịch cuộc thi lên tiếng. Việc ông Nawat Itsaragrisil chỉ rõ lý do Thiên Ân sớm dừng chân trong đêm chung kết đã tạo nên làn sóng tranh cãi. Nhiều người phản ứng, thậm chí phẫn nộ khi người đứng đầu cuộc thi lớn bình luận ngoại hình của thí sinh.
Trở về Việt Nam, Thiên Ân hé lộ bài thuyết trình cô dự định chia sẻ tại chung kết: “Tôi cảm ơn Hoa hậu Hoà bình Quốc tế 2022 đã cho tôi cơ hội để nói với thế giới rằng tôi từng là nạn nhân của bạo lực ngôn từ. Tôi từng nặng 75 kg. Trước khi đến với Miss Grand Vietnam 2022, tôi đã bị chỉ trích rất nhiều, từng bị nói là không xứng đáng để có được điều tốt đẹp trong cuộc sống và sự nghiệp của tôi sẽ không đi đến đâu cả. Tôi ở đây hôm nay để chứng minh rằng họ đã sai”.
Vấn nạn miệt thị ngoại hình ở showbiz
Thiên Ân không phải là nạn nhân duy nhất của miệt thị ngoại hình tại cuộc thi Hoa hậu Hòa bình. Vào năm 2016, Arna Ýr Jónsdóttir – đại diện Iceland – đã tuyên bố bỏ tham dự đêm chung kết vào ngày 25/10 tại Las Vegas. Nguyên nhân là ông Nawat Itsaragrisil đã buộc cô phải ăn kiêng vì cho rằng Arna quá béo.
Hoa hậu Iceland tuyên bố: “Nếu người chủ cuộc thi thật sự muốn tôi phải giảm cân và không thích ngoại hình vốn có của tôi, thì cuộc thi của ông ta không xứng đáng có tên tôi trong Top 10”.
“Đúng, vai của tôi hơi rộng hơn các cô gái khác vì tôi là thành viên của đội điền kinh quốc gia Iceland. Tôi tự hào về điều đó. Tất nhiên, tôi không khắc cốt ghi tâm những lời bình phẩm này, nhưng khi tôi đã cố gắng rất nhiều và rồi phải nghe lời bình như thế, thật không dễ chịu”, Arna chia sẻ.
Đại diện Iceland khẳng định cô không còn hứng thú với việc cố gắng trong cuộc thi sau khi nhận thông điệp mình béo từ chính người đứng đầu Miss Grand International.
Ở Việt Nam, cách đây ít ngày, Trấn Thành lấy ngoại hình của Đức Phúc để gây cười ngay trên sóng truyền hình.
Dù Đức Phúc xuề xòa cho qua và khẳng định không bận tâm tới, khán giả vẫn không ngừng chỉ trích Trấn Thành vì hành động kém duyên khi body shaming đàn em. Dù Trấn Thành và Đức Phúc có mối quan hệ thân thiết, không ai có thể biết trong khoảnh khắc đó Đức Phúc cảm thấy thế nào.
Bàn luận về vấn đề này, chuyên gia tâm lý tích cực Mai Hiền Nguyễn cho biết: “Đứng ở vị trí khán giả, tôi cho rằng hành động của Trấn Thành là vô duyên. Ở những nước phát triển, việc nói đến ngoại hình của người khác là điều tối kỵ. Những việc đơn giản như cân nặng, hình dáng mỗi người, cũng không nên nhắc tới. Con người sinh ra không ai chọn được ngoại hình của mình. Cha mẹ sinh ra thế nào, mình sống như thế”.
Đừng xem miệt thị ngoại hình là một trò đùa
Khi câu chuyện Thiên Ân bị miệt thị ngoại hình gây tranh luận trên mạng xã hội, siêu mẫu Hà Anh bày tỏ thái độ bức xúc và nêu quan điểm rõ ràng về vấn đề này.
Chia sẻ với Tiền Phong , Hà Anh nói: “Tôi nghĩ việc chủ tịch một cuộc thi sắc đẹp lên tiếng chê bai ngoại hình của một thí sinh trong cuộc thi của mình là điều không nên, không cần thiết và không xứng tầm với vai trò người cầm trịch cuộc thi đó. Mặc dù các thí sinh được chấm theo những tiêu chí cụ thể về gương mặt, hình thể hay trí tuệ, việc mô tả chi tiết hình thể của thí sinh mang tính trả đũa với fan Việt Nam thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp, không nhân văn đối với một thí sinh nói chung và phụ nữ nói riêng”.
Theo Hà Anh, nạn nhân của miệt thị ngoại hình dễ nhìn thấy là ở những người của công chúng. Khán giả mặc định người nổi tiếng phải chịu sự đánh giá từ ngoại hình tới nhất cử nhất động trong sự nghiệp, cuộc sống.
Tuy nhiên đây không phải vấn đề của riêng ai. Ngay cả những người bình thường ngoài cuộc sống hàng ngày, đặc biệt là phụ nữ vẫn thường bị chỉ trích về ngoại hình. Đôi khi nó thể hiện ở trong những bình luận bông đùa như: ”Sao dạo này béo thế, lên cân rồi nhé”… Những tình huống thường nhật như thế tưởng chừng “vô thưởng vô phạt”, chúng ta không nhận thức được đó là miệt thị ngoại hình nhưng thực chất khiến đối tượng cảm thấy tổn thương và mất tự tin trong cuộc sống.
Gần đây khi thuật ngữ “body shaming” trở thành trend trên thế giới cũng như Việt Nam, mọi người mới bắt đầu nhận thức được rằng việc đưa ra những đánh giá, phân tích nhược điểm cơ thể của người khác là miệt thị ngoại hình.
Khi chúng ta vô tình trở thành nạn nhân, đa số đều cảm thấy không vui vì những nhận xét tiêu cực này, thậm chí còn ảnh hưởng đến tâm lý, sự tự tin một cách trầm trọng, tác động đến cách sống, làm việc và giao tiếp với những người xung quanh.
“Bản thân tôi, dù đã trưởng thành và là người của công chúng, nhận được những lời chê bai, miệt thị ngoại hình trên mạng xã hội cũng cảm thấy buồn và có sự tác động nhất định tới cảm xúc. Đặt tình huống đó là những chàng trai, cô gái trẻ, họ sẽ cảm thấy như thế nào? Tôi cho rằng đây thực sự là một vấn nạn. Chúng ta đừng cho rằng việc đem nhược điểm cơ thể của người khác ra bàn tán, chê bai là trò đùa. Bởi với những người ở tuổi vị thành niên, họ cảm thấy xấu hổ, giá trị bản thân giảm đi và ảnh hưởng tới sự tự tin của họ ngoài xã hội. Hãy ngừng miệt thị ngoại hình của người khác dù họ có là ai đi chăng nữa”, Hà Anh nhấn mạnh.
Hà Anh đánh giá việc fan Việt bỏ follow trang Miss Grand International là quyền tự do của khán giả. Họ có quyền ủng hộ hoặc không trước kết quả, tầm nhìn của một cuộc thi.
“Đa số khán giả của các cuộc thi sắc đẹp là những bạn trẻ và các bạn ấy có rất nhiều cảm xúc, sự nồng nhiệt trong việc cổ vũ đại diện sắc đẹp của Việt Nam nên việc các bạn thể hiện quan điểm, sở thích của mình bằng hành động cũng dễ hiểu. Tôi tin rằng đây không chỉ là hành động bộc phát hay cay cú do Thiên Ân trượt top 10. Mỗi người khi theo dõi một cuộc thi, một trang Fanpage hay một cái sự kiện nào đó, họ đều có những cái lý do riêng để ủng hộ hoặc không. Nên việc họ quyết định nhấn nút follow hay unfollow hoàn toàn là quyền của họ”, Hà Anh chia sẻ.
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/ca-si-hoa-hau-cung-bi-miet-thi-ngoai-hinh-20221030125816572.chn” name=””]