Nghiên cứu của CarTrawler nhận diện 10 hãng hàng không “dũng cảm” nhất thế giới đã ra đời và trụ vững trong đại dịch Covid-19, với các chiến lược thông minh và linh hoạt.
CarTrawler và IdeaWorksCompany vừa công bố nghiên cứu về 10 hãng hàng không non trẻ “dũng cảm” ra đời trong giai đoạn 2020 – 2022, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới. Việt Nam có một đại diện là Vietravel Airlines, cùng với Air Premia (Hàn Quốc), Akasa Air (Ấn Độ), Avelo Airlines, Breeze Airways (Mỹ), Flyr (Na Uy), LIFT (Nam Phi), Lynx Air (Canada), Norse (châu Âu) và PLAY (Iceland).
Ảnh minh họa
Gia tăng dịch vụ bổ trợ
Dù khởi sự ở Mỹ, châu Âu, châu Á hay châu Phi, cả 10 hãng hàng không được phân tích đều đang ở giai đoạn “chập chững”. Tuy nhiên tất cả đều có các chiến lược đặc biệt để hoạt động trong bối cảnh hoạt động du lịch và đi lại trên toàn cầu đình trệ thời gian dài. Giữa rất nhiều khó khăn, các hãng bay non trẻ này cũng có một vài thuận lợi, như giá thuê thấp và hầu hết đối thủ đều bị kéo về vạch xuất phát.
Báo cáo cho rằng bí quyết thành công trong đại dịch của các hãng hàng không là đẩy mạnh dịch vụ bổ trợ và coi đây là trọng tâm trong chiến lược tiếp thị. Các dịch vụ này gồm áp dụng dải giá, giá vé lẻ, tiện ích tùy chọn hoặc các gói dịch vụ với tiện ích bổ sung. Dù vẫn bán chỗ ngồi cao cấp để thu hút người dùng chi tiêu cao, cả 10 hãng đều chọn không cung cấp hạng ghế nằm trong khoang thương gia như cách các hãng mới từng làm trước đây. Các chương trình khách hàng thường xuyên hiếm khi được áp dụng cho các hãng mới (chỉ có 3/10 hãng), tuy nhiên nhiều khả năng sẽ được áp dụng sau này khi các hãng phát triển hơn.
Hãng hàng không Vietravel Airlines của Việt Nam được đánh giá cao về chiến lược “gói dịch vụ”, cũng hãng duy nhất trong 10 hãng sử dụng chính sách này. Các gói này được Vietravel Airlines đặt tên là Gói Tiêu chuẩn, Gói Thông thái và Gói Tối ưu. Mức giá cơ bản cung cấp những tiện ích tối thiểu và khách hàng có thể mua các gói với tiện ích gia tăng. Các gói dịch vụ luôn có sẵn với nhiều mức giá, cố định hoặc linh hoạt. “Các gói dịch vụ mang đến cho khách hàng cảm giác họ tiết kiệm được nhiều hơn. Tuy nhiên niềm tin sẽ bị phá vỡ nếu hãng bay thổi phồng số tiền khách hàng có thể tiết kiệm khi mua gói”, nghiên cứu viết.
Linh hoạt và linh hoạt hơn
LIFT Air (Nam Phi) được khen ngợi là hãng hàng không linh hoạt nhất trong các hãng mới. Với tôn chỉ “đặt khách hàng là trung tâm”, hãng LIFT đã mạnh dạn “phá rào” khi cho phép hành khách thay đổi, hoàn hủy vé tới 24 giờ trước khi khởi hành. Một loạt dịch vụ được miễn phí, như đổi tên, đổi đặt chỗ, hủy đặt chỗ 24 giờ trước khi khởi hành (với khoang phổ thông). Một mức phí nhỏ sẽ được áp dụng nếu những yêu cầu trên được thực hiện trong vòng 24 giờ trước khi bay.
Các dịch vụ cao cấp của LIFT Air thậm chí còn linh hoạt hơn. Ví dụ với những đặt chỗ cho 3 hàng ghế đầu của máy bay, khách hàng có thể thay đổi hoặc hủy đặt chỗ chỉ 1 giờ trước khi bay mà không cần trả phí. Bên cạnh đó là lợi ích 2 kiện hành lý xách tay, 2 kiện ký gửi, chưa kể đồ uống và đồ ăn nhẹ, ưu tiên lên máy bay và sử dụng phòng chờ.
Dịch bệnh đã đặt sự linh hoạt lên vị trí hàng đầu trong suy nghĩ và lựa chọn của khách hàng, và LIFT đã thành công khi nắm bắt điều đó. “LIFT thấu hiểu những quy tắc bất lợi sẽ làm suy giảm niềm tin của khách hàng vào một hãng hàng không, vì thế họ tìm cách thay đổi bằng chính sách đặt khách hàng là trung tâm”, nghiên cứu nhận định.
Lấy ví dụ về cuộc đối đầu của thương hiệu đồ ăn địa phương Scottie’s Eat-Mor và gã khổng lồ toàn cầu McDonald’s tại bang Wisconsin (Mỹ), tác giả cho rằng một công ty khởi nghiệp không nên cố gắng cạnh tranh bằng việc trở nên lớn hơn, tốt hơn hoặc liều lĩnh hơn. “Scottie’s Eat-Mor đã tồn tại được 18 năm. Nó cạnh tranh bằng việc nhận diện thành công tệp khách hàng – những người đã không được phục vụ tốt bởi các chuỗi ăn uống toàn cầu”.
Nghiên cứu kết luận, bí quyết sống sót với một hãng hàng không mới chính là tìm một thị trường chưa được phục vụ tốt để đối xử với họ bằng tất cả sự trẻ trung, đam mê và linh hoạt. Một số hãng bay đang vận hành như một hãng hàng không giá rẻ, cũng là mô hình ngày càng thông dụng trên thế giới. Các doanh thu phụ trợ vẫn là trung tâm của xu hướng này, vì nó trao quyền lựa chọn cho khách hàng và gia tăng hiệu quả cho các mức giá vé thấp.
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/cac-hang-hang-khong-non-tre-song-sot-ra-sao-trong-dai-dich-20230111084409185.chn” name=””]