Nhiều hội nhóm khai thác nội dung phụ nữ vất vả, thiệt thòi nhưng không được chồng ghi nhận, với mục đích tăng tương tác, tăng thành viên.
Vô số những nội dung than thở, đổ lỗi như thế này trên mạng xã hội (ảnh minh họa) |
Sau khi tìm kiếm các thông tin về sữa, tã, sức khỏe của bé… tôi đã vô tình trở thành đối tượng của nhiều kiểu quảng cáo trên mạng đồng thời lọt vào tầm ngắm của các hội nhóm dùng nội dung mẹ bỉm sữa để tăng tương tác.
Có ngày, chỉ vài cú lướt, tôi liên tục thấy những chia sẻ về phụ nữ sau sinh như vất vả ngày đêm trông con đến héo hon phờ phạc vì mất ngủ, hoặc những nội dung kể rằng để sinh một đứa con, phụ nữ mất bao nhiêu máu, khâu bao nhiêu lớp… nên các ông chồng phải thương các chị.
Ban đầu tôi dừng lại thật lâu để đọc, cảm động vì mình cũng đang trong thời gian chăm con mọn. Nhưng khi đọc xuống những lời bình luận của các chị em thì… ôi thôi như một “đại hội than buồn kể khổ”, đầy ắp hờn giận và tiêu cực.
Có chị than rằng con khóc nhiều quá chỉ muốn bỏ đi đâu đó thật xa, có chị nói hối hận khi sinh con vì giờ còn không có thời gian riêng; có chị than chồng, mẹ chồng, thậm chí mẹ ruột không phụ trông con nhiệt tình để chị có thời gian ngủ… Rất dễ thấy hình ảnh, những đoạn clip ghi lại cảnh bà mẹ vừa cho con bú vừa khóc hoặc la hét.
Khi vào trang của các nhóm hội đó, tôi mới thấy, thì ra hầu như đều thuộc một số hãng sữa, các hãng bán đồ dùng trẻ em như địu, cũi, xe đẩy, quần áo…; những phòng khám phụ khoa, nhi khoa, trường mầm non, các dịch vụ trông trẻ tại nhà theo giờ… ; hoặc cũng có khi là hội nhóm của một vài cá nhân lập ra trước là để tăng thành viên, sau đó là để thực hiện mục đích riêng.
Đang nuôi con nhỏ nên tôi thấu hiểu những vất vả của người mẹ bỉm sữa, nhưng nếu cứ đắm chìm trong những nội dung kiểu “rủ nhau trầm cảm” thế này thì sớm muộn gì cũng từ ổn, chuyển thành không ổn.
Hôm trước, lướt Facebook khi con ngủ, tôi thấy nội dung: “Nhà nước thì khuyến khích sinh con thứ 2. Bệnh viện thì khuyến khích sinh thường nuôi con bằng sữa mẹ. Chuyên gia thì khuyến cáo không nên giao cháu cho ông bà nuôi dạy. Con nhỏ thì mong được mẹ ở cạnh. Các ông chồng thì mong vợ mình xinh đẹp như hoa. Mẹ chồng thì hy vọng con dâu chăm sóc tốt cho con trai và cháu nội mình. Xã hội thì kêu phụ nữ phải độc lập kinh tế. Chúc bản thân chân cứng đá mềm, 1 tay ôm trọn cả thiên hạ, gánh vác được cả bầu trời”.
Nghe có vẻ là nội dung động viên phụ nữ, nhưng thật ra là lời than thân chua chát. Hầu như các bình luận ở dưới đều phàn nàn về gánh nặng trách nhiệm với gia đình, phải hy sinh quá nhiều cho chồng con mà chẳng ai ghi nhận…
Đọc tới đây, tôi thấy hình như chị em đang bị “dắt mũi” bởi những nội dung ủy mị, than thân trách phận kiểu “tư duy nạn nhân”. Xung quanh tôi, có rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp, người quen là những người phụ nữ vừa chăm sóc gia đình, dạy dỗ con cái, vừa làm việc, giao thiệp xã hội mà vẫn xinh đẹp, tự tin.
Từ khi quyết định kết hôn và sinh con, tôi xác định ở nhà chăm con cũng là một công việc. Một công việc được toàn thời gian, không lương, không ngày nghỉ phép, nhưng là khoản đầu tư tự nguyện. Nên xét ra cũng chẳng có gì phải gọi là hy sinh. Mà đã là công việc thì phải làm thật chuyên nghiệp, làm tốt nhất có thể, không kêu ca, không phàn nàn.
Nói đi cũng phải nói lại, không phải hầu hết các nội dung trên mạng xã hội đều tiêu cực. Mới hôm qua, tôi đọc được nội dung khá hay nói về các lựa chọn.
Đó là bài viết kèm 2 bức hình với hai bà mẹ khác hẳn nhau. Một bên là lôi thôi, xấu xí, rầu rĩ khi xem con cái là người cản trở mọi công việc. Bên còn lại là hình ảnh người mẹ xinh đẹp, tự tin, xem con cái là động lực để cố gắng làm thật nhiều điều.
Tóm lại tôi thấy, nếu ngày xưa “phụ nữ hơn nhau ở tấm chồng” thì phụ nữ bây giờ hơn nhau chữ “chọn”. Và một trong số những cách xây dựng tư duy và quan điểm sống vui vẻ, tích cực là tỉnh táo chọn nội dung xem nghe đọc trên mạng xã hội.
Thái Triệu(Củ Chi, TPHCM)
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/can-trong-truoc-nhung-dong-cam-tren-mang-a1530629.html” name=””]