Một bộ phận netizen cho rằng đây là việc làm khiến cha mẹ lẫn những người con thêm vất vả, mệt nhọc sau mỗi chuyến thăm quê.
Ngày nay khi các gia đình có ít con cái hơn, điều kiện ăn ở sinh hoạt tốt lên, không còn vất vả gian lao thì cha mẹ dường như càng quan tâm, muốn chăm lo hết mực hơn cho những đứa con, kể cả khi đã lớn tuổi, các con thành đạt, nhà cửa xe cộ đủ đầy. Chẳng đâu xa, nhà nào mỗi lần về thăm cha mẹ ở quê, quay trở lại thành phố cũng chất đầy rau củ thịt thà từ quê nhà. Phần lớn cảnh tượng này đều gây xúc động, nhưng theo thời gian, có không ít trường hợp “biến tướng” gây tranh cãi.
Những cốp xe ô tô gia đình chứa đầy rau củ thịt thà (Ảnh: Nano Thanh Chương, Đỗ Oanh, Liên Cherry)
Hương vị đồng quê cùng tình cảm dạt dào của cha mẹ cất công mang lên thành phố (Ảnh: Tô Thương)
Một bộ phận netizen cho rằng, mang lương thực với số lượng lớn từ quê lên là hành động làm cha mẹ già vất vả, vì phải lo liệu theo mỗi “order” của các con. Không ít nhà còn nhận mua đồ hộ bạn bè, đồng nghiệp vì lý do “tiện về quê có cốp xe rộng, đồ quê sạch, an toàn”.
– “Chỉ thấy thương bố mẹ, ở thành phố có thiếu đâu mà mang lên nhiều thế, công vận chuyển tính ra cũng thế”.
– “Về quê mang quà cho gia đình không biết được bao nhiêu, chỉ chăm chăm mang lên là đã không hợp tình hợp lý rồi”.
– “Không biết có biếu bố mẹ được bao nhiêu không, mua mấy cái cốp này cũng bay cỡ cả triệu rồi, mà bố mẹ mua chứ con cái nào có dậy sớm đi nổi?”.
(Ảnh: Nguyễn Ngọc Hùng)
(Ảnh: Thùy Thương)
Những ý kiến trên bị nhiều người cho rằng đã “ném đá vào mặt hồ yên ả”, vì trên thực tế, việc mang quà quê lên thành phố đã tồn tại từ lâu, thậm chí là đèo xe máy, gửi xe khách vất vả hơn cũng có. Đó là tấm lòng, sự lo lắng cha mẹ dành cho con cái trong chuyện căn bản nhất – cái ăn no, ăn ngon. Và không phải người con nào cũng có ý “vơ vét”, “gom hàng”, mà luôn biết trước sau. Cả hai bên đều xuất phát từ tình cảm gia đình – một hành động đáng ca ngợi.
– “Sao có những người suy bụng ta ra bụng người vậy? Con cái có khi còn xin bố mẹ đừng gửi lên vì mang vác vất vả, nhưng lần nào cũng vài bao đó, không mang lên còn bị… dỗi”.
– “Cho ăn ngon là cách người Việt mình thể hiện tình yêu mà, cha mẹ lo con cái ở trên thành phố ăn đồ hoá chất, không tiện đi chợ nọ kia, yêu thương chưa hết ấy, nói vơ vét tội lắm”.
– “Ai nghĩ thì kệ, đồ quê ngon sạch mình thích cứ mang, mình cũng đâu về tay không, có ô tô chẳng lẽ để cho bố mẹ vất vả, khổ sở vì mình à?”.
Hành động trên gây tranh cãi nhưng số đông vẫn đồng tình với quan điểm tích cực. Tuy vậy, lưu ý lớn là trong thời tiết nắng gắt hoặc mưa ẩm ở hai miền hiện giờ, nếu mang đồ ăn lên cần chú ý bảo quản, quãng đường di chuyển phù hợp. Nhiệt độ cao quá hoặc độ ẩm cao quá có thể khiến thực phẩm dễ hỏng nhanh hơn. Và cũng không nên mang quá nhiều nếu sức ăn không hết/ảnh hưởng đến việc di chuyển.
[yeni-source src=”https://phapluat.suckhoedoisong.vn/” alt_src=”https://kenh14.vn/canh-tuong-mang-ca-nui-do-an-tu-que-len-sau-dip-nghi-le-gay-xuc-dong-nhung-van-co-y-kien-cho-rang-khong-nen-20220504095212566.chn” name=”Pháp luật & Bạn đọc”]