Trải qua 4 chặng bay: TPHCM – Kuala Lumpur – Jeddah – Cairo, cuối cùng, sau khoảng 23 tiếng bay và quá cảnh, tôi đã đặt chân tới Ai Cập.
Kim tự tháp Giza |
Với tôi, hành trình viễn du nửa tháng tới vùng Bắc Phi lần này không hẳn là một chuyến thưởng ngoạn như bao dịp khác. Có thứ gì đó rất lạ kỳ ở vùng đất của những vị pharaoh luôn thôi thúc tôi tìm hiểu, khám phá để rồi đi hết mọi cung bậc cảm xúc trước những diệu kỳ, bí ẩn quanh mình.
Trải qua 4 chặng bay: TPHCM – Kuala Lumpur – Jeddah – Cairo, cuối cùng, sau khoảng 23 tiếng bay và quá cảnh, tôi đã đặt chân tới Ai Cập.
Đi tìm câu trả lời
Giza cách thủ đô Cairo chỉ chừng 13km nhưng từ 7g sáng, Mohammed – hướng dẫn viên của chúng tôi – đã tới đón thật sớm để tránh tắc đường và cũng tránh phải chen chúc giữa hàng trăm đoàn khách du lịch quốc tế ghé thăm kim tự tháp mỗi ngày.
Thật khó tin khi vùng đất của tuổi thơ qua những bộ truyện Vua trò chơi – Yugioh, Nữ hoàng Ai Cập; sau đó lại hiện hữu đầy năng lượng trong những cuốn sách nổi tiếng: Nhà giả kim, Muôn kiếp nhân sinh đang hiển hiện trước mắt tôi.
Ở thời đại tưởng chừng mọi thứ vô cùng lạc hậu, 138 kim tự tháp đã sừng sững nơi đây với lối kiến trúc phức tạp đến đáng ngạc nhiên, chứa đựng vô số bí ẩn và sớm trở thành một trong những công trình cổ đại có ảnh hưởng nhất trong lịch sử nhân loại.
Không chỉ là những công trình kiến trúc vĩ đại, kim tự tháp còn thể hiện niềm tin mãnh liệt về sự hồi sinh và bất tử. Các pharaoh đều bắt đầu xây dựng kim tự tháp dành cho mình ngay khi lên ngôi, để chuẩn bị cho cái chết của bản thân và dòng tộc.
Chạm vào nền văn minh cổ đại |
Tôi dạo bước quanh kim tự tháp Khufu – niềm tự hào của người Ai Cập cổ đại, đã giữ vững danh hiệu tòa kiến trúc cao nhất trong xã hội loài người suốt một thời gian dài, cho đến khi nhà thờ Lincoln ở Anh ra đời – cảm nhận rõ sự tráng lệ của nó. Kim tự tháp này cao tới 146m, dài 230m, được xây dựng từ 2,3 triệu khối đá vôi và đá granit, mỗi khối đá có trọng lượng từ 2,5 – 15 tấn.
“Họ đã vận chuyển những khối đá khổng lồ thế nào, xây dựng ra sao và bên trong kim tự tháp còn bao nhiêu điều bí ẩn nữa?” – tôi không kìm được mà hỏi Mohammed như thế, khi cảm thấy mình thật nhỏ bé trước những kim tự tháp và tượng nhân sư khổng lồ.
“Chẳng phải các nhà khoa học vẫn đang tìm kiếm câu trả lời đó sao? Còn chúng ta chỉ biết trầm trồ trước sự vĩ đại của tổ tiên” – người dẫn đường của chúng tôi dẫu vô cùng tự hào về công trình vĩ đại của tổ tiên nhưng vẫn chẳng thể cho du khách câu trả lời thỏa đáng bởi có lẽ đó mãi là một bí ẩn không lời giải.
“Lời nguyền” xác ướp
Tượng nhân sư Sphinx |
Sau những ngày dài khám phá Giza – nơi còn lưu giữ 138 kim tự tháp và tượng nhân sư; thậm chí về lại cả Memphis – cố đô Ai Cập, thứ thu hút chúng tôi hơn cả không hẳn là việc chạm vào kỳ quan cổ đại mà là vô vàn bí ẩn liên quan tới xác ướp và lời nguyền pharaoh.
Chúng tôi run rẩy đứng sát vào nhau, tim đập thình thịch, cố tiêu hóa lượng thông tin khổng lồ và những hình ảnh trước mắt. Thật đáng kinh ngạc! Họ thực sự đã tồn tại mấy ngàn năm một cách gần như vẹn nguyên như vậy sao?
Cảm xúc của chúng tôi như vỡ òa khi lần đầu được chiêm ngưỡng 22 xác ướp thuộc về 18 vị pharaoh và 4 nữ hoàng Ai Cập cổ đại hơn 3.000 năm trước.
Tương truyền kẻ nào đánh thức giấc ngủ của các pharaoh sẽ bị trừng phạt. Nhiều sự ra đi đột ngột, đầy uẩn khúc của những nhà nghiên cứu, khai quật các lăng mộ… như một lời răn đe khiến nhân loại phải rùng mình. Bất chấp tất cả, hàng chục xác ướp của pharaoh và nữ hoàng Ai Cập vẫn được dịch chuyển, trải qua hành trình dài để yên nghỉ tại địa điểm cuối: Bảo tàng Văn minh quốc gia Ai Cập.
Bảo tàng Văn minh quốc gia Ai Cập |
Theo chỉ dẫn của Mohammed, rất nhiều thông tin thú vị đã được mở ra khiến tôi không ngừngngạc nhiên.
Để đảm bảo sự yên tĩnh cho giấc ngủ ngàn năm của các pharaoh, hướng dẫn viên không được phép giải thích cho du khách khi xuống khu vực lưu giữ xác ướp. Bởi vậy, chúng tôi cố nán lại tầng một thật lâu, ghi chép thật nhiều trước giờ “diện kiến” 22 xác ướp hoàng tộc.
Mohammed kể cho chúng tôi nghe về lý do người Ai Cập sử dụng hình thức ướp xác người quá cố, đặc biệt là dòng dõi hoàng tộc cao quý. Người Ai Cập cổ đại tin rằng mỗi người đều có một linh hồn (ka). Ngay cả khi chết đi, một phần linh hồn đó sẽ mãi mãi gắn liền với thể xác nên họ bảo quản thân xác với mục đích giữ linh hồn tồn tại vĩnh cửu, phục vụ cho những kiếp sau.
Khinh khí cầu tại kinh đô cổ đại
Xuôi theo dòng sông Nile, chúng tôi tìm về Luxor, nổi tiếng là “thành phố cổ của các pharaoh” và “bảo tàng ngoài trời”. Từng là thủ đô của vương quốc Thebes và được mệnh danh “thành phố của ánh sáng” bởi sự phát triển văn hóa và tôn giáo, Luxor sở hữu rất nhiều di sản lịch sử và văn hóa, những kiệt tác kiến trúc, những cột đá khổng lồ và các bức tượng pharaoh tuyệt đẹp.
Cũng tại Luxor, khi đắm chìm trong khung cảnh bình minh tuyệt đẹp trên chiếc khinh khí cầu giá rẻ bậc nhất thế giới, tôi đã được tận mắt chiêm ngưỡng “thung lũng các vị vua” ở bờ Tây thành phố với những ngôi mộ hoàng gia và tàn tích kiến trúc đẹp mắt, như chứng minh về sự giàu có và quyền lực của các vị vua Ai Cập xưa.
Thung lũng các vị vua |
Xuôi theo hành trình tìm hiểu về những xác ướp cổ đại, Luxor chào đón chúng tôi bằng những huyền bí ẩn chứa trong Valley of the Kings – nơi trở nên nổi tiếng khi Howard Carter phát hiện ra lăng mộ pharaoh Tutankhamun vào năm 1922.
Đây là nơi an nghỉ của nhiều pharaoh Ai Cập suốt hàng thế kỷ, cùng với hơn 60 ngôi mộ pharaoh và hoàng tộc, được xây dựng tinh xảo, công phu với các hình khắc và tranh mô tả cuộc sống và hành trình của pharaoh vào thế giới bên kia.
Chúng tôi cầm chắc trong tay những bản ghi chú mang tới từ Bảo tàng Văn minh quốc gia Ai Cập, nghiên cứu bản phả hệ hoàng gia qua nhiều triều đại, liên kết thông tin về từng xác ướp được chiêm ngưỡng trong Phòng trưng bày xác ướp Ai Cập nằm ở tầng dưới bảo tàng…
Thật đáng kinh ngạc! Họ thực sự đã tồn tại mấy ngàn năm một cách gần như vẹn nguyên như vậy sao?
Chúng tôi lại thốt lên lần nữa, khi thấy “ngôi nhà an nghỉ” đầu tiên của những xác ướp chúng tôi từng bắt gặp tại Cairo. Vua Seqenenre Taa II, tiếp theo là nữ hoàng Ahmose Nefertari, vua Amenhotep I, vua Thutmose I, vua Thutmose II, nữ hoàng Hatshepsut, vua Thutmose II, vua Amenhotep II và Thutmose IV, vua Ramses II, nữ hoàng Tiye…
Họ từng an nghỉ tại đây hàng ngàn năm trước khi được các nhà khoa học khai quật. Chạm tay vào những bức tường đá khắc tạc tinh xảo, tôi chợt rùng mình: đâu đó trong những lăng mộ trống rỗng này, liệu còn bao nhiêu điều huyền bí con người chưa tìm thấy, ẩn sâu sau những lớp đất đá kiên cố suốt bao năm?
Nguyễn Thùy Trang
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/cham-vao-ky-quan-co-dai-a1514475.html” name=””]