Bazaar of Kashan, khu chợ cổ nằm ở trung tâm thành phố Kashan (Iran) với lịch sử 800 năm, không chỉ bán các món đồ đặc trưng của người bản xứ mà còn có thể kể cho khách du lịch rất nhiều về văn hóa, phong tục của người dân nơi đây.
Sầm uất nhưng không nhộn nhạo, đầy dấu ấn truyền thống và đậm tính cổ xưa nhưng vẫn có mọi món hàng hiện đại nào khách cần, đủ rộng lớn để ta trầm trồ nhưng không giăng bẫy khiến ta thất lạc, chợ là một nơi tuyệt vời để lang thang trong vài giờ, đặc biệt vào mỗi chiều muộn… Đó là những gì lữ khách từng ghé qua Bazaar of Kashan miêu tả. Có lẽ vì vậy mà ngôi chợ này xuất hiện trong nhiều quyển sách, tạp chí, thơ ca và cực kỳ thu hút khách du lịch.
Bazaar of Kashan được xây dựng từ thời Seljuk, đến thời Safavid thì tiếp tục được cải tạo. Vật liệu chính xây chợ là gạch, đất sét thô, vữa bùn. Vải và thạch cao cũng được dùng để tạo nên những bức tường vững chãi, phù hợp với khí hậu nắng nóng quanh năm của vùng này. Phần cửa ra vào, các chốt hay mái vòm… làm bằng gỗ. Vào thế kỷ XVIII, một trận động đất khiến chợ bị hư hại nặng nhưng đã được chính quyền thành phố khôi phục. Sang thế kỷ XIX, các mái vòm được xây thêm nhằm bảo vệ người mua bán khỏi nắng nóng. Chợ giữ nguyên cấu trúc đó đến nay. Suốt 800 năm qua, chợ là trung tâm mua sắm lớn nhất tại Kashan.
Có hai con đường chính để vào chợ là “Đường chính” và “Đường đồng” với lối dài hun hút. Bước ra từ một trong hai con đường này, chào đón bạn là vô số mái vòm nhấp nhô những quầy hàng xếp cạnh nhau vừa cuốn hút, vừa lạ lẫm. 120 gian hàng tại đây bán đủ mọi hàng hóa cho đời sống hằng ngày. Timche-ye Amin od-Dowleh – mái vòm cao vút và đặc biệt nhất trong chợ với phần điểm tô tuyệt mỹ – là điểm nhất định bạn phải ghé qua. Bên trên mái vòm có một giếng trời trung tâm, xung quanh là những giếng trời phụ nhằm tận dụng ánh sáng tự nhiên cho ngôi chợ, khiến không gian trong chợ nửa hư nửa thực. Bạn cũng có thể trèo lên các mái vòm này từ phía bên ngoài chợ để ngắm nhìn thành phố.
Trong khu phức hợp của Bazaar of Kashan, bên cạnh các chợ chính, có một số nhà thờ Hồi giáo, lăng mộ, nhà tắm công cộng và vô số hồ chứa nước, đài phun nước… được xây dựng trong các thời kỳ khác nhau, tạo thành mạng lưới kênh nước giúp chợ luôn mát mẻ.
Khi đã “mỏi gối chùn chân”, bạn có thể ngồi nghỉ tại những quán trà ngay lối ra vào chợ, ngắm nhìn dòng người mua sắm trong chiều muộn. Đừng bỏ lỡ quán trà Hammam-e Khan ấm cúng có từ thế kỷ XIX để được nghe kể về những biến thiên của đời sống, cách gia chủ duy trì cửa hàng gia đình qua suốt hai thế kỷ.
Tất nhiên, bạn thích thì cứ mua sắm vài món. Nếu đồ dệt may thủ công, những tấm thảm họa tiết hay trang sức vàng chưa đủ cuốn hút thì một lọ dầu hoa hồng có thể làm bạn mê đắm vì sự tỉ mỉ của người chưng cất. Ẩm thực ư? Đừng bỏ qua bánh hạnh nhân dừa với vị ngọt và đắng nhẹ pha lẫn chút béo của dừa nơi đầu lưỡi. Ăn bánh hạnh nhân dừa và uống trà nơi quán cổ đầu chợ, ít nhất ta như đang nếm được vị của thời gian dù chỉ là khoảnh khắc.
Văn Khoa
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/cho-co-iran-a1463629.html” name=””]