Trước đây Linh chọn Hưng vì cần một chồng giản đơn, hiền lành. Còn bây giờ, bạn lại đôn đáo muốn chồng mình tháo vát để thành công.
Từ ngày lấy chồng, sinh con, dọn ra riêng rồi mở thêm cửa hàng kinh doanh áo quần, mỹ phẩm, những nụ cười trên môi Linh dần tắt.
Hưng chồng Linh là nhân viên bưu chính viễn thông, lương tháng không cao. Anh cũng không quen xông xáo, kiếm thêm “đồng trong, đồng ngoài” khiến Linh ngày càng bực bội.
Vợ chồng thường xuyên bực bội, không tìm thấy tiếng nói chung (ảnh minh họa) |
Nhiều lần Linh nói với chồng: “Nhà mình bên nội cũng nghèo, bên ngoại cũng nghèo nên muốn có của ăn của để, lo cho cái đầy đủ như người ta thì vợ chồng phải tự tìm cách bươn chải, cố gắng vươn lên”. Lời của vợ chẳng thể lọt vào tai, mấy năm nay, Hưng vẫn sống đúng bản chất là một người đàn ông cục mịch, hiền lành.
Nhiều lần Linh chủ động vạch ra kế hoạch làm ăn, bắt mối công việc cho chồng làm. Cô muốn kết nối với các doanh nghiệp, mua các sản phẩm có liên quan đến chuyên môn của chồng như lắp đặt camera, kinh doanh, sửa chữa các thiết bị, linh kiện điện tử. Theo ý của bạn, đã có sẵn mặt bằng là cửa hàng của Linh, Hưng chỉ cần mạnh dạn đặt thêm một chiếc tủ rồi thuê người đứng chân bán sản phẩm ăn hoa hồng, còn Hưng sẽ lắp đặt, sửa chữa thêm ngoài giờ, tuy nhiên Hưng không chịu.
Từ thứ Hai đến thứ Sáu anh đi làm, cuối tuần nghỉ ngơi, chơi với con hoặc tham gia các bữa tụ họp đối nội, đối ngoại. Linh kể: “Chồng mình ngoài hiền lành thì còn lại chẳng được cái nết gì. Bao nhiêu công việc, kế sách kiếm tiền mình bày ra thì không chịu làm, thế mà mấy việc làng, việc họ, rồi cúng, kỵ, giỗ chạp, đôi khi khoảng cách xa mấy đời lại luôn hào hứng, thiết tha. Mình không hiểu kiểu gì”.
Trái ngược với chồng, Linh là kiểu người chẳng bao giờ thấy đủ, chịu ngồi yên. Dù làm việc gì, ở đâu, bạn luôn năng nổ, quyết liệt, chuyên cần, đến nơi đến chốn.
Nhớ lại khoảng thời gian mới ra trường, tôi và bạn từng làm chung một công ty ở thành phố Đà Nẵng, không những luôn hoàn thành chỉ tiêu cấp trên đề ra mà tháng nào Linh cũng có mặt trong danh sách tuyên dương, khen thưởng. Linh là “át chủ bài” của phòng kinh doanh.
Một thời gian sau, Linh quen biết rồi kết hôn với Hưng. Bạn xin nghỉ việc, quyết định dọn về quê chồng sinh sống trong tâm thế hoàn toàn chủ động và sẵn sàng. Bạn thừa tự tin vào bản thân.
Câu nói nào của bạn cũng thiếu tôn trọng chồng (ảnh minh họa) |
Sau một năm sống chung với ba mẹ chồng, vợ chồng bạn thuê một căn nhà nhỏ gần khu vực chợ rồi dọn ra riêng. Trong khi Hưng đi làm, Linh mở cửa hàng kinh doanh áo quần, mỹ phẩm sau đó lấn sân sang lĩnh vực đồ gia dụng, hóa phẩm gia đình.
Bây giờ, khi đã gom đủ tiền để mua đất, xây nhà, phát triển cơ ngơi thì sóng gió hôn nhân bắt đầu nổi lên. Trong từng câu nói, hơi thở, Linh đều tỏ thái độ thất vọng, coi thường chồng.
Linh tiếp tục than thở: “Bấy lâu nay, chồng mình mỗi tháng đưa về 5-6 triệu đồng nuôi con là coi như xong nhiệm vụ. Mọi khoản khác, tương lai ra sao cũng do mình xoay xở, tính liệu. Mua đất cũng là mình. Giờ tiền xây nhà cũng là mình gom. Mình mỗi ngày mình đều dậy mở cửa hàng thật sớm, trưa không dám ngủ vì muốn có thêm khách hàng, vậy mà chồng mình thì lại chọn cuộc sống quá thong dong, nhàn nhã”.
Theo tôi, Hưng rõ ràng là người chồng không quá tệ. Hưng có việc làm, biết đưa lương cho vợ, không bê tha, chơi bời, bao tháng năm, Linh muốn làm gì, anh vẫn cạnh bên, không xông pha, nhưng cũng không hề phản đối. Tôi nghĩ vậy nhưng không nói rõ ra suy nghĩ của mình.
Có thể với tôi, tổ ấm gia đình không cần cơ ngơi khang trang, bề thế, nhưng cần nuôi dưỡng bởi những giây phút cảm động, thân tình, ấm áp cùng nhau. Nhưng với Linh lại khác. Trước đây Linh chọn Hưng vì cần một chồng giản đơn, hiền lành. Còn bây giờ, bạn lại đôn đáo muốn chồng mình tháo vát để thành công.
Người thay đổi, tăng tốc là Linh. Còn người đứng yên, thụ động là Hưng. Vậy nên hôn nhân rạn nứt là điều tất yếu.
Hoài Thu
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/chong-khong-chiu-tien-a1531171.html” name=””]