Kết hôn mới 8 năm nhưng vợ chồng tôi đã không còn gì để nói với nhau.
Chúng tôi cùng tuổi, nhưng chẳng hề sung sướng, hạnh phúc (Ảnh minh họa) |
Người ta hay nói “vợ chồng bằng tuổi, nằm duỗi mà ăn”, vợ chồng tôi cùng tuổi nhưng tôi không khác gì mẹ của anh ấy, phải cáng đáng, lo lắng mọi điều.
Chúng tôi học chung cấp III, lên đại học mới phát sinh tình cảm qua những lần sang trường nhau chơi. Tốt nghiệp, chúng tôi yêu đương một thời gian nữa thì kết hôn.
Chồng tôi là niềm tự hào của cha mẹ. Anh là bác sĩ, khá cao ráo, đẹp trai, tính tình hiền lành. Trong mắt gia đình chồng, chồng tôi chỉ cần bước ra đường thì hàng chục cô theo. Mẹ chồng từng nói bóng gió với hàng xóm rằng tôi bỏ bùa gì đấy nên mới lấy được anh.
Nhưng mới kết hôn 8 năm, thực tình, tôi đã quá chán chồng, nhiều lúc tôi còn nghĩ giá mà được “xé nháp làm lại”.
Gần 35 tuổi nhưng chồng tôi như trẻ con không chịu lớn. Tôi phải thúc anh đi học nâng cao chuyên môn, mãi anh mới đi. Trong suốt 2 năm anh đi học, tôi là người kiếm tiền vừa nuôi chồng vừa nuôi con. Học xong thạc sĩ, anh tấp bằng một chỗ, quyết chỉ làm bác sĩ kiểu an phận thủ thường.
Tôi nói anh mở phòng khám, anh không chịu vì sợ rủi ro, sợ trách nhiệm và sợ… mệt. Lương bác sĩ của anh còn thấp hơn lương chính thức của tôi, nhưng anh mặc kệ.
Tôi quay cuồng nghĩ mọi cách để kiếm tiền, nhưng chồng tôi thì chỉ muốn nghỉ ngơi. Hàng đêm, tôi nhận việc về làm thêm, mong có thêm thu nhập để cho các con cái học ở môi trường tốt hơn và báo đáp được cha mẹ. Vậy nhưng bên cạnh tôi là một anh chồng cầm điện thoại lướt Facebook hoặc ngồi xem người ta livestreams trên game online. Tôi không hiểu cái trò ấy có gì thu hút mà chồng tôi xem đêm này qua đêm khác.
Ấy thế nhưng làm gì đã đủ. Anh ỷ lại mọi việc trong nhà cho tôi, từ nuôi dạy con cái đến đối nội đối ngoại. Tôi bảo anh đi đâu thì anh đi đấy, mà đi ra ngoài thì thường rất thích “sĩ diện hão”, ra vẻ.
Tôi chưa từng thấy chồng say mê công việc. Anh làm mọi thứ cho có, sống đời nhàn nhạt. Anh cũng chẳng bao giờ muốn đọc sách, tìm hiểu thêm về vấn đề gì. Nói về các vấn đề trong cuộc sống, anh luôn có cái nhìn tiêu cực, phiến diện. “Cái ông đó thì có gì đâu mà giỏi, rốt cuộc cũng chỉ học cao đẳng thôi mà”, “Gã đấy giàu thì cũng chỉ là may mắn thôi, chứ đầu óc tầm thường”…
Dần dần, vợ chồng tôi không biết phải nói chuyện gì với nhau nữa. Ngày qua ngày đơn giản là sáng ngủ dậy thì đến chỗ làm, tối về cơm nước xong thì ai lo việc người nấy. Những tin nhắn cũng thưa thớt dần đi, xem lại thì chỉ là: “Anh mấy giờ về?”, “Hôm nay cơ quan có việc, 20g anh về”, “Em có việc không về đón con được, nhờ anh đón giúp”…
Tôi nhớ đến những tin nhắn dài dằng dặc, chia sẻ về mọi điều trước đây với nhau nhưng bây giờ muốn mở lời với chồng thấy sao khó khăn thế. Cứ thế này, tôi không biết được chúng tôi sẽ đi đến đâu?
Tôi biết, vợ chồng mất kết nối như này là một giai đoạn thường gặp trong hôn nhân và hoàn toàn có những cách để vượt qua. Nhưng với một người như chồng tôi, thụ động trong mọi thứ, suốt ngày chỉ chờ đợi người khác phải cung phụng mình, thì tôi không biết phải thay đổi bằng cách nào. Muốn hạnh phúc, chẳng nhẽ tôi sẽ phải vừa làm việc kiếm tiền, vừa chăm con cái và vừa dỗ dành chồng? Nếu thế, tôi trụ được bao nhiêu ngày?
Thực sự bế tắc trong hôn nhân này, tôi muốn xin một lời khuyên để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Bởi thẳm sâu bên trong, tôi vẫn luôn là một người phụ nữ khát khao được yêu thương và có những nhu cầu mong được khỏa lấp.
Lan Phương (Vũng Tàu)
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/vo-quay-cuong-lam-them-kiem-tien-chong-miet-mai-luot-dien-thoai-a1480228.html” name=””]