( Yeni ) – An Giang ngoài bánh bò thốt nốt, nơi đây còn rất nổi tiếng với món gà hấp lá trúc. Bạn có thể nấu món ăn thơm ngon, lại vô cùng bổ dưỡng cho cả gia đình có thể thưởng thức.
Trong ẩm thực của An Giang, cây trúc không chỉ góp phần tạo nên nhiều những món ăn với hương vị độc đáo mà còn trở thành một “thương hiệu” đặc trưng thu hút nhiều thực khách du lịch gần xa đến đây để thưởng thức. Chính nhờ mùi thơm độc đáo của mình, lá trúc đã trở thành nguồn cảm hứng để các đầu bếp tài ba sử dụng và chế biến thành những món ăn thơm ngon, hấp dẫn. Trong đó, phải kể đến món gà hấp lá trúc An Giang được xem là “tuyệt chiêu” hút thực khách của các nhà hàng, quán ăn ở nơi đây. Tuy nhiên, bạn cũng có thể dễ dàng nấu món ăn này tại nhà thông qua công thức dưới đây:
Nguyên liệu cần có:
– Gà ta: 1 con – Lá trúc: 1 nắm
– Trái trúc: 2 trái – Gừng: 1 đốt
– Tỏi: 1 củ – Ớt tươi: 2-3 quả
– Hạt tiêu – Bột canh
– Bắp chuối bào sợi
Cách làm món gà hấp lá trúc ngon chuẩn vị:
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Thay vì gà công nghiệp bình thường, bạn hãy chọn con gà ta nặng từ 800g-1.2kg. Thịt gà làm sạch, để nguyên con. Sau đó dùng muối và gừng hoặc rượu chà xát xung quanh để có thể khử mùi hôi, giúp món ăn thêm thơm ngon.
Sau đó, rửa qua lại gà một lần nữa và để cho ráo nước, ướp gà 20 phút với chút tỏi băm, hạt tiêu, bột canh, hạt nêm và 1 chút rượu trắng, cho thịt gà ngấm gia vị.
Tùy theo khẩu vị, bạn có thể ướp thêm hành lá. Nếu bạn muốn cầu kỳ hơn thì có thể chuẩn bị thêm nấm mèo, nấm hương, miến rong (bún tàu) ngâm nước nóng cho nở nềm, thái rối rồi trộn với hạt nêm, hạt tiêu sau đó nhét vào bụng gà.
Bước 2: Hấp gà với lá trúc
Mẹo nhỏ: Lá trúc chọn loại lá bánh tẻ hoặc lá non. Nếu dùng lá trúc già thì cắt bỏ cuống và gân lá vì những phần này có vị đắng.
Rải 1 lớp lá trúc đã được rửa sạch xuống đáy nồi, sau đó xếp gà lên trên, thêm chút nước rồi đậy kín vung hấp khoảng 30-40 phút là gà chín.
Khi gà gần chín, bạn hãy rắc thêm 1 ít lá trúc thái sợi chỉ thật nhỏ lên trên.
Để gà nguội bớt rồi chặt hoặc cắt thành các miếng vừa ăn hoặc xé nhỏ.
Bước 3: Làm nước chấm
– Nguyên liệu làm nước chấm:
+ 1-2 trái trúc vắt lấy nước cốt
+ Bột canh
+ Hạt tiêu
+ Ớt tươi thái nhỏ
– Cách làm nước chấm cho món gà hấp lá trúc:
Cho các nguyên liệu đã chuẩn bị vào, khuấy đều tạo thành một hỗn hợp nước chấm vô cùng tuyệt vời.
Gắp miếng thịt gà chấm vào chén muối ớt đậm đà rồi chầm chậm thưởng thức, cảm nhận trọn vẹn vị ngọt dai của thịt gà thả vườn, vị cay nồng của lá trúc, độ chua của nước trái trúc cùng với sự cay nồng của ớt và tiêu. Mọi hương vị hòa quyện với nhau một cách hoàn hảo khiến bất cứ ai ăn cũng phải đặc biệt khen ngon. Mùi hương nồng nàn của lá trúc thấm đẫm vào từng thớ thịt gà, mang đến một hương vị đặc trưng vương vấn trong miệng và đọng lại mãi trong tâm trí của bạn.
Chính sự dai mềm mọng nước của thịt gà và vị the the, nồng đượm của lá trúc đã tạo một mùi thơm đậm đà hồn quê, giúp bạn dường như quên đi hết mọi căng thẳng, mệt mỏi. Bạn có thể ăn kèm, món ăn này với hoa chuối bào sợi. Vị chát và giòn của bắp chuối sẽ dung hòa vị chua cay của món ăn.
[yeni-source src=”https://xevathethao.vn/uncategorized/chua-can-den-an-giang-ban-da-co-the-thuong-thuc-dac-san-ga-hap-la-truc-chuan-vi-ngay-tai-nha.html” alt_src=”https://phunutoday.vn/chua-can-den-an-giang-ban-da-co-the-thuong-thuc-dac-san-ga-hap-la-truc-chuan-vi-ngay-tai-nha-d343077.html” name=”Xe và Thể thao”]