Giữa muôn vàn món ăn chơi đặc sắc ở miền Tây, chuối đập vẫn giữ một vị trí nhất định trong lòng thực khách.
Chuối là một nguyên liệu vô cùng phổ biến trên khắp mảnh đất Việt Nam. Loại trái cây dân dã, mộc mạc ấy qua bàn tay nhào nặn và khả năng sáng tạo của người dân vùng sông nước miền Tây đã trở thành loạt món ăn khoái khẩu, chinh phục biết bao tâm hồn yêu ẩm thực.
Người miền Tây đã tận dụng rất tốt những ưu ái mà thiên nhiên ban tặng bằng cách kết hợp hương vị ngọt ngào của chuối và dừa để làm nên món chuối đập đầy hấp dẫn.
Chuối đập được chế biến theo đúng nghĩa đen như cái tên món ăn – đập. (Ảnh: jessica_le)
Giữa muôn vàn loại bánh đặc sắc, món ăn chơi độc đáo, chuối đập nước cốt dừa vẫn chinh phục được tình cảm của thực khách, khiến người từng ăn thì vương vấn, mà người chưa thử thì nóng lòng muốn thưởng thức một lần cho biết.
Sự kết hợp hài hòa giữa hai nguyên liệu dân dã xuất hiện ở mọi miền quê – chuối và dừa. (Ảnh: Thuy Hang)
Chuối đập đơn giản như chính tên gọi của nó vậy. Thành phần gói gọn bao gồm chuối còn nửa xanh nửa chín và nước cốt dừa.
Loại chuối để làm thường là chuối xiêm/chuối sứ, và phải chọn quả chín “hườm hườm” thì nướng mới ngon vì không bị quá nhão. Sau khi lột vỏ, chuối được đập dẹp khéo léo để giữ cho miếng chuối đạt được độ mỏng nhưng không bị nát. Công đoạn cuối cùng là đem lên nướng trên bếp, trở đều tay để chuối vàng đều, giòn thơm dậy mùi.
Chuối sử dụng phải vừa chín tới để đảm bảo độ dẻo dai, không nhão nát. (Ảnh: mei_ogn)
Chuối chín đã thơm nay được đem đi nướng, hòa cùng mùi bếp than hồng càng tăng thêm phần kích thích, chỉ ngửi thôi cũng đã thấy bụng cồn cào. Những miếng chuối nướng vàng nhạt phải có thêm chút vệt cháy sém bên ngoài mới hấp dẫn, chính lớp cháy nhẹ ấy đã góp phần làm món ăn tỏa hương và ngon miệng hơn.
Những miếng chuối được đập dẹp nướng thơm phức. (Ảnh: Thuy Hang)
Mảnh ghép giúp món chuối đập hoàn chỉnh chính là nước chấm béo ngậy từ cốt dừa. Hỗn hợp cốt dừa được nấu chung với chút bột năng để tạo độ sệt và thoang thoảng thơm mùi lá dứa. Người ăn ngọt có thể bỏ đường, riêng một số nơi lại chuộng vị cốt dừa xen lẫn vị mặn, ngọt và chút hành lá thái nhỏ để thêm bắt mắt.
Nước cốt dừa là thành phần quan trọng để tạo nên món chuối đập thơm ngon. (Ảnh: onhalambanh)
Nếu chuối là nhân vật chính của món ăn này thì nước cốt dừa như người “bạn đồng hành” không thể thiếu, thậm chí món ăn có thể giảm đi phần lôi cuốn nếu như vị nước chấm không đạt.
Các miếng chuối với những vệt cháy sém tỏa hương thơm càng làm món ăn thêm hấp dẫn. (Ảnh: Hoàng Mai)
Miếng chuối nướng còn nguyên hơi ấm nóng, phảng phất thơm dịu nhẹ, chấm cùng nước cốt dừa sền sệt, cái dẻo bùi và ngậy béo của hai nguyên liệu kết hợp với nhau trong khoang miệng mang đến hương vị gây nghiện khó cưỡng.
Nhúng miếng chuối vào phần nước cốt dừa béo ngậy cho vào miệng, thực khách chỉ muốn ăn mãi không thôi. (Ảnh: beobeodian)
Đơn giản trong cách chế biến, nguyên liệu bình dân dễ kiếm, ấy vậy mà chuối đập nước cốt dừa vẫn được thực khách truy lùng để tìm ăn cho bằng được.
Chuối đập là món ăn gắn với tuổi thơ của nhiều người. (Ảnh: Võ Quốc Thông)
Đối với du khách phương xa, món ăn này là một thức ăn chơi độc đáo, vui miệng, còn với những người con miền Tây, chuối đập còn là cả một bầu trời kỷ niệm. Nhiều người tìm đến chuối đập không chỉ để thưởng thức một món ăn ngon, mà còn để tìm lại một phần ký ức tuổi thơ.
Dù với mục đích nào đi chăng nữa, hương vị thơm ngon của chuối đập nước cốt dừa vẫn thế, vẫn thấm đượm vị quê, mang đậm phong cách ẩm thực Việt, xứng đáng được nhiều người biết đến.
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/chuoi-dap-nuoc-cot-dua-mon-an-choi-dan-da-mot-khi-da-thu-la-khong-muon-ngung-20221014083337503.chn” name=””]