CNN nói rằng, khi Việt Nam mở cửa du lịch quốc tế, khách du lịch cũng có thể tự mình đến và thưởng thức các loại phô mai địa phương tươi ngon nhất.
Khi màn sương tan dần trên các đỉnh đồi, bạn có thể thấy sắc xanh bao phủ Đà Lạt, một vùng núi ở Tây Nguyên, Việt Nam, hãng tin CNN cho biết, ngoài được nhắc tới là điểm đến nghỉ dưỡng nổi tiếng đối với du khách trong nước và quốc tế thì vùng đất diệu kỳ này cũng đang trở nên nổi tiếng vì một lý do khá bất ngờ.
Đó là quê hương của một số loại phô mai ngon nhất châu Á, bao gồm mozzarella, burrata và camembert.
PARIS THU NHỎ
Nằm trên cao nguyên Lâm Viên với độ cao khoảng 1.500m so với mặt nước biển, Đà Lạt có khí hậu mát mẻ quanh năm được ví như mùa xuân vĩnh cửu. Vào đầu những năm 1900, người Pháp thường tới Đà Lạt để nghỉ dưỡng khiến địa điểm này nổi tiếng đến mức nó có biệt danh “Le Petit Paris” (Paris thu nhỏ).
Ảnh hưởng của người Pháp hiện hữu ở Đà Lạt từ những con đường lát đá, đến những kiến trúc nghệ thuật và đặc biệt là ẩm thực, từ bánh mì đến pate rồi phô mai.
Tới năm 2011, một nhà máy sản xuất phô mai ở ngôi làng nhỏ Đơn Dương – cách Đà Lạt khoảng một giờ đi xe – được thành lập.
Tại đây, một lượng lớn phô mai được sản xuất và cung cấp cho các khách sạn, nhà hàng và cửa hàng sữa trong khu vực.
Đà Lạt sản xuất phô mai ngon hàng đầu châu Á (Ảnh: CNN)
Nhờ độ cao và khí hậu mát mẻ, khu vực này trở thành môi trường tốt nhất cho bò sữa phát triển mạnh và sản xuất sữa chất lượng hàng đầu.
Ban đầu, nhà máy phô mai ở Đơn Dương chỉ sử dụng dưới 50 lít sữa mỗi ngày. Ngày nay, khoảng 30 công nhân sử dụng 5.000 lít mỗi ngày để sản xuất 13 loại phô mai khác nhau, từ ricotta đến bocconcini. Tất cả phô mai được sản xuất với 100% thành phần tự nhiên, không có chất phụ gia.
TỪ TRANG TRẠI ĐẾN BÀN ĂN TRONG 24 GIỜ
Trong vòng 24 giờ sau khi chế biến, phô mai sẽ được giao đến các nhà hàng của nhà máy ở Sài Gòn, Hà Nội, Nha Trang và Đà Nẵng.
Loại phô mai nổi bật nhất của hãng là camembert.
Keinosuke Konuki, quản lý nhà máy phô mai tại Đà Lạt cho biết, phô mai camembert được phát triển với sự hợp tác của một nghệ nhân được đào tạo tại Pháp.
Nhưng theo người quản lý này, loại phô mai phổ biến nhất của hãng là burrata và mozzarella, được rắc tự do lên những chiếc bánh pizza và khi cắt ra để lộ phần nhân kem ở giữa.
Mỗi ngày, nhân viên của hãng làm ra từ 1.500 đến 2.000 miếng bánh burrata và 2.000 đến 3.000 viên mozzarella.
“Mặc dù chịu ảnh hưởng của Pháp, nhưng chúng tôi đã phát triển phô mai theo cách riêng. Chúng tôi sản xuất phô mai ở Việt Nam và không thể có thông tin dễ dàng như ở châu Âu. Tất cả những gì chúng tôi có thể làm là không ngừng thử nghiệm. Quá trình này cần thời gian và nỗ lực” – Keinosuke Konuki
Trong vòng 24 giờ sau khi sản xuất, phô mai sẽ được giao đến các nhà hàng ở khắp đất nước (Ảnh: CNN)
NÂNG TẦM ẨM THỰC VIỆT NAM
Ông Peter Cuong Franklin, bếp trưởng kiêm chủ một nhà hàng nổi tiếng ở Thành phố Hồ Chí Minh, người gốc Đà Lạt nói với CNN rằng, thực tế lịch sử sản xuất phô mai ở Đà Lạt không có gì nhiều.
Ông cũng nổi tiếng với sự kết hợp các loại ẩm thực đường phố để tạo ra phiên bản của riêng mình bằng phô mai mozzarella và phô mai scamorza từ nhà máy phô mai ở Đơn Dương với nhiều loại thảo mộc tươi trong vùng.
Franklin hiện đang tạo ra một phòng ăn riêng mang tên phòng Đà Lạt tại nhà hàng của mình. Điểm nhấn của căn phòng là sàn gỗ xương cá cùng những trang trí mang sắc xanh cây cỏ. Thực đơn Đà Lạt sẽ bao gồm phô mai Đà Lạt, atisô và dâu tây, có giống từ thời kỳ Pháp thuộc.
CNN nói rằng, khi Việt Nam mở cửa du lịch quốc tế , khách du lịch cũng có thể tự mình đến Đà Lạt và thưởng thức các loại phô mai địa phương tươi ngon nhất kết hợp với rượu vang và dâu tây chín mọng ở địa phương.
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/cnn-ca-ngoi-mot-vung-nui-o-viet-nam-san-xuat-ra-nhung-loai-pho-mai-hang-dau-chau-a-20220713101015265.chn” name=””]