Là người làm du lịch lâu năm và là cựu chiến binh, tôi thấy mình như người có lỗi vì gần cuối đời mới biết Dốc Bà Đắc. Muộn còn hơn không.
Tháng 3, theo đoàn cựu cán bộ Đoàn phía Nam, hành phương Nam về An Giang và Đồng Tháp từ 14 – 16/3, tôi mới biết Dốc Bà Đắc.
Bà Đắc, có lẽ là người có công khai khẩn vùng đất này nên được đặt tên cho ngọn núi và con dốc nhỏ trong vùng. Như nhiều dịa danh chân mộc vùng quê Việt Nam, Bà Đắc cũng dung dị, thanh bình nếu không có chiến tranh.
Nằm sát biên giới với Campuchia, vùng biên giới thanh tịnh (Tịnh Biên) dậy sóng khi có kẻ thù xâm lược. Suốt hai cuộc kháng chiến, người dân vùng Bà Đắc và Tịnh Biên luôn một lòng kiên trung cách mạng. Tượng đài “Chiến sĩ thổi kèn xung trận” là biểu tượng cho những trận đánh oai hùng, gây nhiều tổn thất cho quân địch.
Đặc biệt, trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, với 20km biên giới; Tịnh Biên là một trong những trọng điểm phòng thủ ác liệt. Không chỉ đánh bật bọn xâm lược mà còn giúp nhân dân Campuchia thoát họa diệt chủng và xây dựng lại đất nước. Rất nhiều chiến sĩ đã hy sinh mà trong điều kiện chiến tranh chưa thể quy tập.
Mãi đến năm 1986, khu đất rộng 35.000m2 ngay Dốc Bà Đắc của tỉnh lộ 948, nối Nhà Bàng và Vĩnh Trung, được Bộ Quốc phòng chọn làm “mái nhà chung” cho các liệt sĩ. Khu đất đẹp, bằng phằng, ven đường, bao quanh bởi Tứ Sơn là núi Bà Đắc – núi Két – núi Dài Nhỏ (Năm Giếng) – núi Cấm. Sau lưng là núi Phú Cường – núi Đất; xa hơn chút là núi Sam.
An Giang có 37 ngọn núi có tên và Bảy Núi (Thất Sơn) là 7 ngọn núi tiêu biểu, không phải cao nhất. Quanh nghĩa trang liệt sĩ Dốc Bà Đắc cũng có Bảy Núi nhưng chỉ có núi Cấm, núi Két và núi Dài Nhỏ thuộc Thất Sơn của An Giang. Năm 2010, tượng đài “Chiến sĩ thổi kèn xung trận”, cao khoảng 15m, kệ cả bệ đứng được xây dựng bên kia đường, đối diện nghĩa trang.
Nghĩa trang Dốc Bà Đắc, tính đến tháng 3/2024 là mái nhà chung của 9.091 liệt sĩ; trong đó khoảng hơn 60% chưa tìm được thông tin cụ thể, có phần mộ riêng nhưng chưa có tên tuổi. Nghĩa trang không ghi “Liệt sĩ Vô danh” mà ghi “Mộ Liệt sĩ chưa xác định được thông tin”. Hàng năm, nghĩa trang có mấy dịp quy tập, mỗi dịp thêm cả trăm mộ mới.
Các phần mộ nhỏ, bình dị như cuộc đời thầm lặng mà cao cả của từng liệt sĩ; bình đẳng, không phân biệt chức vụ, danh phận, vùng miền. Nhiều trường hợp liệt sĩ có họ tên nhưng không có quê quán, tên đơn vị hoặc ngược lại. Một số liệt sĩ có di vật nhưng không có họ tên, địa chỉ… Có những bia mộ chỉ vỏn vẹn tên Được, Phượng, Mưng, Mì, Mến… bởi khi quy tập, chỉ tìm được mảnh gỗ ghi như vậy.
Đài tưởng niệm nghĩa trang cao khoảng 10m, có tượng bộ đội nam, nữ bồng súng chào, cao 3m. Nghĩa trang luôn có sẵn mộ phần dành cho những liệt sĩ mới quy tập được. Số lượng liệt sĩ ở nghĩa trang Dốc Bà Đắc chỉ xếp sau nghĩa trang liệt sĩ Tân Biên (Tây Ninh, hơn 14.000 phần mộ); nghĩa trang liệt sĩ Đường 9 và Trường Sơn (Quảng Trị, gần 11.000 và hơn 10.000 phần mộ).
Bảy Núi quanh nghĩa trang, có 3 núi được đầu tư khu du lịch. Bài bản nhất là núi Cấm (Thiên Cấm Sơn) với cáp treo lên núi, hồ Thủy Liêm, tượng Phật Di Lặc khổng lồ, chùa Vạn Linh…; trọng điểm du lịch của An Giang. Tiếp đó là khu du lịch núi Sam, núi Dài Nhỏ (Năm Giếng) và núi Két. Tôi thích núi Két vì độ cao vừa phải (225m so với mực nước biển và 100m từ chân núi) và ngoại hình. Đỉnh núi là những khối đá, được tạo hóa tạo hình như đầu chim anh vũ, dân gian gọi là chim két.
Đường lên đỉnh dài chừng 600m, có bậc thang và tay vịn. Dọc đường có nhiều điểm tham quan như sân Tiên, giếng Tiên, điện Chư Thần, điện Phật Thầy, điện Phật Mẫu, điện Ngọc Hoàng, điện Huỳnh Long, điện Ba Cô, điện U Minh, điện Chư Vị Năm Non Bảy Núi và tiêu biểu nhất là “mỏ ông Két” cùng với nhiều huyền tích kỳ thú.
Núi Két |
Gần chân núi có 3 di tích không thể bỏ qua là đình Thới Sơn, chùa Thới Sơn, chùa Phước Điền; gắn liền thời lưu dân đi mở đất và giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương. Núi Két còn có nguồn quặng kim loại molipden, đá granit sáng màu mịn hạt, đá quý (thạch anh ám khói, thạch anh tím) được tìm thấy trong các mạch pecmatit và nhiều mội nước khoáng…
Là người làm du lịch lâu năm và là cựu chiến binh, tôi thấy mình như người có lỗi vì gần cuối đời mới biết Dốc Bà Đắc. Muộn còn hơn không. Cần kíp phải biên soạn và hệ thống tư liệu về địa danh, lịch sử, văn hóa để phổ cập; từ Google, các website đến các đơn vị quản lý, các công ty lữ hành và từng hướng dẫn, thuyết minh viên.
Rất cần quy hoạch du lịch và chuẩn hóa các dịch vụ cho Tịnh Biên. Núi Bà Đắc, núi Phú Cường và núi Đất đều có thể làm du lịch, kết hợp các điểm đến khác trong thị xã và liên kết nội tỉnh. Riêng Tịnh Biên phải đi vài ngày trở lên mới phần nào hiểu và cảm được đất và người của vùng biên thanh tịnh.
Bên cạnh khu du lịch Thiên Cấm Sơn, rừng tràm Trà Sư, chợ biên giới; Tịnh Biên còn có nghĩa trang liệt sĩ Dốc Bà Đắc và Bảy Núi bao quanh với bao điều mới mẻ, ấn tượng, nghĩa tình.
Nguyễn Văn Mỹ (Lửa Việt Tours)
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/co-hen-voi-doc-ba-dac-a1515215.html” name=””]