Trong nhiều gia đình Việt, giàu nghèo thế nào thì ngày tết cũng có nồi thịt. Với gia đình tôi, quen thuộc nhất là món thịt kho tàu, nhưng phải thêm món thịt thưng của bà ngoại thì tết mới đủ đầy viên mãn.
Tết đến, tôi lại làm món thịt thưng vì nhớ bà |
Thịt thưng của bà ngoại có hương vị thơm ngon đến nỗi các cậu mợ tôi ở xa về ăn tết cứ nhớ mãi. Ăn suốt mấy ngày tết, khi về Úc, cậu Út xin bà tôi ghi lại công thức, cách nấu để mợ học theo đó mà làm. Nhưng không hiểu sao, dù mợ làm không sai bước nào, vẫn không thể ngon được như ngoại nấu.
Cậu Hai, ở TPHCM nên có dịp về với ngoại nhiều hơn, tới giờ vẫn còn tấm tắc khi ai đó nhắc món ăn. Sau này, khi bà đi xa rồi, thấy các cậu thèm, tôi cũng thử làm món thịt thưng theo cách bà làm. Các cậu dù vẫn khen ngon, nhưng nói rằng món của tôi không thể có hương vị như bà nấu. Khi ấy, mặc dù mâm cơm ngày tết đủ đầy, cả nhà tôi vẫn thấy thiêu thiếu, bâng khuâng. Dáng cái lưng còng xuống, cẩn thận, tỉ mỉ trong từng việc nhỏ của bà lại đầy ắp trong tâm trí, bất giác lòng ai cũng da diết nhớ tết xưa.
Hồi đó, tôi còn bé, nên thường lon ton theo phụ bà và ngó việc bà làm. Tầm 28, 29 tết, bà mua thịt về. Bà nói, mua vào những ngày đó thịt ngon và rẻ hơn, đợi đến 30 thì không chen nổi chân vào chợ. Thịt bà mua là thịt đùi, phần nạc nhiều, miếng thịt vuông vắn. Bà rửa thịt thật sạch, cho vào nồi luộc chín rồi vớt ra. Bà lấy đường thắng màu cho đến khi nước đường ngả sang màu cánh gián. Bà giã hành, trút vào nồi nước màu, cho thịt đã luộc vào, bắc lên bếp lăn sơ cho đều, bỏ thêm chút muối. Một lát sau bà lại đổ thêm ít nước vào nồi tiếp tục nấu. Cuối cùng bà bỏ ngũ vị hương, nêm nếm gia vị lại cho vừa ăn, nấu thêm tầm 30 phút nữa thì bà tắt bếp. Thế là món thịt thưng đã xong.
Thấy bà làm có vẻ đơn giản vậy, nhưng sau này tôi nấu thế nào cũng không ngon bằng. Miếng thịt bà thưng có mùi thơm ngọt dễ chịu, có màu nâu sậm rất đậm đà. Thịt xắt ra vuông vắn, không nát, phần mỡ chín mềm, phần nạc mềm vừa đủ, cắn vào cảm nhận được vị ngon ngọt khó quên.
Bày đĩa thịt ra bàn, bên cạnh sẽ là đĩa bánh tét, đĩa rau sống tươi xanh, chén nước mắm pha vừa vặn, có cả đĩa dưa món bà chuẩn bị công phu. Người ăn chỉ cần kẹp một miếng thịt với rau, dưa, vị béo thơm của thịt và vị chua chua, thơm cay hòa quyện đến tuyệt vời. Lấy một ít nước thịt thưng cho ra chén, chấm một miếng bánh tét vào, cắn ngập răng, vị đậm đà thấm vào đầu lưỡi, chỉ vậy thôi mà hương tết tràn đầy.
Màu thịt thưng nâu sẫm, dưa món có màu trắng, đỏ, xanh của củ cải, cà rốt, đu đủ, củ kiệu, thêm đĩa rau xanh, nước chấm vàng sẫm sóng sánh… mâm cơm tết nhà tôi đầy đủ hương vị, màu sắc như thế.
Có nồi thịt thưng rất tiện. Ngày tết, đi thăm, chúc tết, không giờ giấc cố định, nếu đói bụng thì cứ bắc nồi thịt lên hâm lại 5 phút. Rau thì đã sẵn trước nhà, có cả giàn dưa leo bà trồng trái ra lúc lỉu. Hái một rổ rau, vặt một trái dưa còn bám phấn trắng, đem rửa sạch, xắt lát. Thịt cắt mỏng, bày ra đĩa, nước chấm thì lấy ngay nước thịt thưng, thêm chút ớt tỏi, bánh tráng lúc nào cũng sẵn, nhúng bánh tráng cuốn thịt với rau, thế là đã có một bữa ngon lành.
Những ngày tết vắng bà, mâm cơm cũng vắng đi nhiều hương vị truyền thống. Cùng với nồi thịt thưng, bà còn làm cả bánh cốm giòn thơm mùi gừng, bánh in được nện chặt ăn ngọt đằm mà không bị bung bột, mứt gừng thơm cay… Những món ăn bình dị nhưng đòi hỏi rất nhiều sự tỉ mỉ, công phu trong từng bước làm.
Giờ thì gia đình tôi bận rộn với công việc nên thường mua cho tiện. Thỉnh thoảng tôi thèm nhớ, cũng làm lại các món ngày trước, nhưng không hiểu sao cứ thấy thiếu thiếu thứ gì. Thì ra, để làm một món ăn ngon, không phải chỉ có công thức là đủ, mà phải đặt vào đó bao tâm tư cùng cách thức riêng.
Cái nhớ, cái thèm của các cậu và cả tôi khi thưởng thức một món tết không còn hương vị cũ có lẽ không hẳn vì món ăn được làm không chuẩn. Mà còn bởi vì, món ăn ấy mang trong mình rất nhiều hoài niệm về một tết xưa gắn với bóng hình thân thuộc và tấm lòng yêu thương bà dành cho con cháu.
An Duyên
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/co-mon-thit-thung-tet-moi-vien-man-a1482562.html” name=””]