Câu nói năm xưa của mọi người – “Học nhiều để làm gì?”, “Tại mày đi học nên mẹ mày mới khổ vậy” từng gây cho tôi bao đau đớn, tủi hổ.
Ngoài 30 tuổi, tôi vẫn nhớ như in những giọt nước mắt nóng hổi nối nhau lăn dài trên gò má ửng hồng của cô gái nhỏ đứng sau màn cửa năm xưa. Những giọt nước mắt đau khổ, oán trách bản thân khi nghe người nhà bảo: “Tại mày đi học nên mẹ mày mới khổ vậy”.
Tôi sinh ra và lớn lên trong gia đình có 4 anh em. Ba tôi mồ côi từ nhỏ. Sau khi cưới má, nhà cửa cũng chẳng có gì đáng giá. Bao nhiêu năm, ba đã phải sống lẻ loi trên đời nên ba luôn khao khát một mái nhà rộn ràng tiếng người, nhiều thành viên.
Tác giả nhận bằng tốt nghiệp đại học – Ảnh do nhân vật cung cấp |
Thế nhưng nhà đông con, hoàn cảnh gia đình lại thiếu thốn nên việc học của chúng tôi lúc nào cũng bên bờ vực. Nhiều khi tôi vừa học vừa nơm nớp lo sợ, sợ một ngày tôi chẳng còn được đến trường nữa. Vậy mà trong suốt những năm tháng ấu thơ của mình, chúng tôi vẫn luôn được ba má nhắc nhở: “Nhà mình nghèo, học mới có thể thay đổi cuộc đời các con. Đứa nào học, ba má sẽ ráng nuôi; đứa nào không chịu học thì ở nhà làm ruộng, chăn bò, cắt cỏ rồi sống khổ cực như ba má”. Những lời nói ấy đã từ từ bén rễ, ăn sâu vào tâm trí tôi và trở thành động lực giúp tôi không ngừng phấn đấu.
Sự cố gắng thầm lặng của tôi đã được đền đáp bằng tấm vé vào học trường cấp III chuyên của tỉnh. Việc học xa nhà với đủ các loại chi phí như tiền trọ, tiền ăn, tiền học phí… khiến tôi trở thành đề tài bàn tán của cả xóm ngày ấy. “Con gái học nhiều để làm gì?!”, “Cho nó đi học xa vậy chi, vừa tốn kém vừa chẳng giúp gì cho gia đình, mai mốt nó cũng đi lấy chồng”, “Con gái mà, anh chị đừng có theo nó chi, không được gì đâu. Con gái là con người ta mà”…
Những lời ấy chẳng rõ vô tình hay hữu ý mà lọt vào tai tôi biết bao lần. Tuy vậy, tôi biết đó không phải là suy nghĩ của ba má. Nghe tin tôi trúng tuyển, khuôn mặt ba má nở ra những nụ cười rạng rỡ, những đôi mắt cũng hấp háy tự hào. Dường như lúc ấy, tôi chẳng còn thấy những nếp nhăn khắc khổ trên 2 gương mặt thân thương đâu nữa.
Vì lo cho tôi, ba má phải đi làm ăn xa, vất vả ngược xuôi kiếm tiền. Cảm giác một mình tôi đang được sống sung sướng trên sự cực khổ, bươn chải của ba má như bóp chết con người vốn dĩ năng động, hoạt bát trong tôi suốt những năm cấp III.
Không chịu nổi sự giày vò ấy, tôi ngỏ ý: “Hay con xin về trường quê học?”, ba má liền gạt phăng: “Tầm bậy! Ba má lo được, con không cần suy nghĩ gì hết. Con cứ cố gắng học, chỉ có học mới đổi đời được con ạ”. Tôi lại bị thuyết phục vì những lời nói ấy và tiếp tục cố gắng với ước mơ, suy nghĩ có cuộc sống tốt hơn, mình sẽ bù đắp cho những vất vả của ba má. Từ đó, dù ai nói gì, tôi cũng giấu nước mắt vào trong.
Ba mẹ tác giả trong ngày chị nhận bằng tốt nghiệp Trường đại học Luật TPHCM – Ảnh do nhân vật cung cấp |
Ngày tôi đậu đại học luật, ba má vui mừng khôn xiết. Má gọi điện khoe với tất cả họ hàng, khoe khắp xóm làng, khoe hết thảy những người từng bảo “Con gái học nhiều để làm gì?”. Cuối cùng, tôi cũng ra trường. Tôi nhanh chóng có công việc đầu tiên, có thu nhập ổn định, có cuộc sống tốt hơn cuộc sống ba má đã từng.
Tôi đã nhiều lần nghĩ và nhìn lại chặng đường mình đi qua, có khi mắt nhòe đi vì thương ba má vất vả, vì thương và biết ơn bản thân đã không ngừng nỗ lực và vì hạnh phúc với chính mình ngày hôm nay.
Câu nói năm xưa của mọi người – “Học nhiều để làm gì?”, “Tại mày đi học nên mẹ mày mới khổ vậy” từng gây cho tôi bao đau đớn, tủi hổ, nhưng đó cũng là lý do khiến ba má tôi chưa bao giờ bỏ cuộc, dù có bao vất vả, nhọc nhằn. Đó cũng là hành trang giúp tôi vững vàng đi đến ngày hôm nay.
Tư Chí
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/con-gai-hoc-nhieu-de-lam-gi-a1522377.html” name=””]