Điểm thi được công bố. Cô con gái học giỏi có tiếng của tôi trượt nguyện vọng 1 vào trường đại học mong ước. Nhưng tôi và chồng không có cả… quyền giận con.
Ngày 17/7, điểm thi tốt nghiệp THPT vừa được công bố, trên mạng ngập tràn thông tin khoe niềm vui (ảnh Facebook) |
Điểm thi luôn mang đến những cảm xúc đặc biệt không chỉ cho người trong cuộc. Mới hôm trước, cộng đồng còn xuýt xoa thán phục vài học sinh đậu thủ khoa, á khoa vào những trường tốp đầu, thì hôm sau lại đau lòng với dòng tin “Nam sinh phải đi cấp cứu sau khi biết điểm thi lớp 10…”. Và cũng thật xót xa khi phải đọc những dòng tâm sự của một nam sinh bị bố mẹ “xem như một đứa trẻ thất bại”, “họ không nhìn con lấy một lần”… sau khi biết cậu bé trượt nguyện vọng 1 vào ngôi trường cấp III mơ ước.
Là một người mẹ có 2 đứa con độ tuổi đi học. Tôi khá nhạy cảm khi đọc những tin tức như thế. “Mỗi cây mỗi hoa”, tôi không ở trong hoàn cảnh của các bạn nhỏ kể trên nên không có ý kiến về các trường hợp đó. Ở đây, tôi chỉ muốn chia sẻ về câu chuyện của mình.
Tôi có cô con gái ngoan ngoãn và học rất tốt. Suốt từ cấp I đến cấp II con luôn tự giác học, không cần nhắc nhở. Kết quả học tập của con làm bố mẹ tự hào: luôn đứng tốp đầu của lớp. Bên cạnh đó con còn đoạt kha khá các giải thưởng học sinh giỏi của thành phố.
Kì thi chuyển cấp lớp 9 lên lớp 10, con đăng kí thi vào trường chuyên. Không ôn luyện môn chuyên vất vả như các bạn khác, mà chỉ với số “vốn” ít ỏi là một tuần được thầy cô ôn để thi học sinh giỏi trước đó, cùng với tâm thế “đậu thì học, không đậu thì học trường thường”, vậy mà con đã đậu trường chuyên của thành phố với số điểm khá cao.
Nhưng mọi chuyện bắt đầu thay đổi năm con học lớp 11. Năm đó do dịch COVID-19 nên các con phải học trực tuyến và mọi trao đổi thông tin của trường lớp, thầy cô đến bạn bè đều qua Zalo, Facebook. Vì vậy lúc nào con cũng dán mắt vào máy tính và điện thoại, dần dà con càng ngày càng phụ thuộc vào mạng xã hội.
Tôi bắt đầu thấy con thay đổi theo hướng tiêu cực. Con giống như một đứa trẻ “dậy thì muộn”. Những lời tôi nói, tuy con không cãi lại, nhưng không nghe theo hoặc phải để tôi nhắc 2 – 3 lần mới làm. Con cũng bắt đầu chểnh mảng học hành.
Đỉnh điểm của sự thay đổi là năm con thi đại học (2023). Trong khi các bạn lao vào học thì con rề rà, học ít chơi nhiều. Nhiều lần tôi để ý thấy trên máy tính của con mở 4 – 5 cửa sổ khác nhau: Facebook, Zalo, phim hoạt hình, truyện tranh…
Còn một tháng ôn luyện nước rút trước kì thi mà con ngủ thẳng cẳng đến 7- 8 giờ chưa dậy. Vợ chồng tôi khuyên nhủ, thậm chí lớn tiếng, buộc con phải chuyên tâm học hành, nhưng con cứ vâng dạ rồi đâu lại vào đấy.
Rồi chuyện gì đến đã đến, con trượt nguyện vọng 1 – ngôi trường mà cả thầy cô và bố mẹ đều tin con sẽ đậu (nhưng con tỉnh queo, chẳng tỏ ra tiếc nuối). May mắn sao, với số điểm 26,5, con vẫn đậu vào trường thuộc nhóm tốp 2 cùng ngành học. Vợ chồng tôi thở phào.
Hôm đó, vợ chồng tôi ngồi tâm sự với con khá lâu. Tôi vẫn nhớ câu chốt của chồng: “Làm việc gì con cũng phải cố gắng hết sức, hết khả năng của con. Vì chỉ khi đã cố gắng hết mình con mới đạt được kết quả tốt nhất. Và nếu như con đã làm hết khả năng của mình rồi, nhưng kết quả không đạt được như mong muốn thì lúc đó con cũng không phải hối hận, không phải thốt câu “giá mà…”.
Kết quả thi có thế nào, các con cũng cần được sự sẻ chia, một vòng tay ôm từ gia đình (ảnh minh họa) |
Bạn bè hỏi tôi, lỡ con bé rớt hết các trường dự định học, thì vợ chồng tôi có “nổi điên” không? Tôi hay nói vui với chồng, việc thi cử của con giống kiểu “con đặt đâu cha mẹ ngồi đó”, phụ huynh không thể can thiệp. Dù con có kết quả như thế nào thì chúng tôi cũng đành “cam chịu”.
Nếu con thi rớt, trong trường hợp con đã cố gắng hết sức, cha mẹ chỉ có quyền buồn mà không có quyền giận. Còn như trường hợp con tôi, phụ huynh khó tránh khỏi cảm giác giận, thất vọng. Tuy nhiên, giận, thất vọng cũng không có nghĩa cha mẹ được quyền “xả” cơn giận vào con. Vì với đứa trẻ 18 tuổi, cú sốc thi rớt hay điểm không như mong đợi đã là bài học đầu đời vô cùng đắt giá rồi.
Thuỷ Trần
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/con-thi-truot-toi-khong-co-ca-quyen-gian-con-a1523451.html” name=””]