Bạn không cần xem thực đơn vì quán chỉ có đúng ba món. Tất cả đều chế biến từ cá, đơn giản, mộc mạc, đậm bản sắc miền Tây Nam bộ.
Món canh chua nấu mẻ đầy ắp cá và các loại rau đặc trưng của miền Tây Nam bộ |
Trên đường đi miền Tây công tác, khi ai nấy đều đói và mệt vì ngồi xe suốt chặng đường dài từ TPHCM, bác tài tấp vào một quán cơm bên đường ở cây số 31 Quản Lộ – Phụng Hiệp (ấp Phương An, xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng). Quán tên Thiên Hương, khá đơn sơ, chỉ là khoảnh sân dài được lợp mái tôn cạnh quốc lộ, bên trong kê những chiếc bàn sắt tròn, ghế nhựa. Chủ quán còn bố trí rất nhiều võng cho khách ngả lưng, chợp mắt như bao quán sá dọc đường mà chúng tôi đã gặp.
Ngược lại với vẻ ngoài bình dị, phía trước quán ăn này, ô tô lớn nhỏ đậu kín. Phải khó khăn lắm, xe chúng tôi mới tìm được một chỗ trống. Quán tuy dân dã nhưng rất sạch sẽ. Chúng tôi chọn chiếc bàn tròn ngay cạnh ao cá. Không khí đồng quê tràn vào buồng phổi, nhìn đâu cũng thấy màu xanh mướt của cây cối, vàng đượm của lúa và hơi đất nồng sau cơn mưa rào. Không gian vừa đủ dịu mát, ấm cúng cho khách lỡ đường ao ước nồi canh cá nấu chua với bông súng nóng hổi bốc khói nghi ngút.
Khi chúng tôi ngỏ ý muốn xem thực đơn để gọi món, chủ quán cười tươi rói trả lời: “Khỏi coi, ở đây có đúng ba món thôi. Mấy anh chị muốn nhiều hơn cũng không có”. Vậy là chúng tôi đành gật đầu: “Thôi thì có món gì quán dọn lên hết đi vì chúng tôi đói quá rồi”.
Cá đồng tả pí lù chiên giòn (quán bắt được cá gì thì khách sẽ được thưởng thức loại cá đó) |
Một người đàn ông lớn tuổi mang lên chiếc bếp cồn đặt giữa bàn; sau đó lần lượt là chén, muỗng. Điều đặc biệt là mỗi thực khách được phục vụ… một dĩa muối hột. Chúng tôi đoán chiếc bếp cồn chắc dành cho món lẩu canh chua (hay thấy ở các quán ăn dọc miền Tây) còn đĩa muối hột thì không ai biết sẽ dùng để ăn kèm món gì.
Ngay sau đó, một chảo canh chua bên trong đầy ắp cá, lươn xắt khúc được bưng đặt lên bếp. Tiếp đến là dĩa rau thập cẩm ngồn ngộn mấy thứ rau cỏ quê mùa mà ai cũng mong chờ (đọt súng, chuối bào, rau muống chẻ…). Nước lèo của nồi lẩu chua có màu đục như nước gạo. Chủ quán giới thiệu đây là canh chua cá nấu mẻ, đặc sản địa phương. Sau món canh chua cá nấu mẻ, món cá lòng tong kho tộ còn bốc khói nghi ngút được bưng lên. Món cuối cùng là cá đồng tả pí lù chiên giòn.
Các loại cá trong món ăn này không cố định, bữa nào quán bắt được cá gì thì thực khách được thưởng thức loại cá đó. Điều này tạo sự bất ngờ thú vị cho khách. Bữa đó, trong dĩa cá chiên giòn của chúng tôi có những con cá sặc đồng nhỏ chừng hai ngón tay, cá lóc nhỏ, cá rô đồng. Vậy là đủ ba món để ăn cùng cơm trắng. Dĩa muối hột mà ai nấy đều thắc mắc thì giờ đã rõ công dụng: dùng để chấm cá vớt ra từ nồi canh chua.
Món cá đồng tả pí lù chiên được tôi chọn để thử đầu tiên. Khi cắn miếng cá, bạn sẽ cảm nhận được độ giòn tan, mặn vừa phải của mớ cá tươi ướp muối đậm đà mà vẫn giữ nguyên vị tươi ngọt. Cá đồng ướp muối chiên giòn mà ăn với cơm trắng thì hao cơm phải biết. Lúc đó không thấy ai nói gì tới việc mình đang giảm cân phải kiêng ăn tinh bột. Thố cơm trắng đầy ắp cứ vậy mà vơi dần cho tới khi hết sạch, chúng tôi phải gọi tiếp thố nữa.
Cá lòng tong kho tộ |
Món cá lòng tong kho tộ cũng ngon hết sảy. Cá ướp thấm đượm tiêu và nước mắm, nêm đường vừa đủ, kho tới mềm rục xương, óng ánh nước xốt màu cánh gián vàng sậm. Vậy nhưng, món chủ đạo của quán là lẩu cá canh chua nấu mẻ. Nước lẩu chua thanh, ngọt ngào vị tươi của cá kết hợp thêm các loại rau dân dã gắn liền với miền Tây Nam bộ. Nhìn nồi lẩu ăm ắp rau và cá, bạn sẽ cảm nhận sự trù phú của đồng bằng sông Cửu Long cũng như tấm lòng hào sảng của người dân nơi đây. Quán chỉ có ba món nhưng đủ đốn tim thực khách, để ai lỡ ghé chân một lần cũng vấn vương, tự nhủ lần sau có dịp đi ngang nhất định phải ghé.
Đến lúc tính tiền, chúng tôi lại tiếp tục ngỡ ngàng. Sau khi cả đoàn ăn uống phủ phê, nằm võng đu đưa sảng khoái mà 10 người chỉ tốn 500.000 đồng. Anh Út – chủ quán – cho biết ở đây thu tiền đổ đồng 50.000 đồng/người. Một số thành viên trong đoàn chúng tôi hỏi mua cá đồng tả pí lù của quán anh để đóng thùng đem về thì được biết giá cá đồng 150.000 đồng/kg nhưng hiện tại không có để bán. Vì là cá đồng nên mỗi lần soi bắt không được nhiều, chỉ đủ cho quán phục vụ thực khách tại chỗ.
Ở miền Tây là vậy, nguyên liệu nấu các món ăn đều từ những thứ dân dã do người dân tự trồng trọt và đánh bắt được. Chỉ với vài loại cá mà quán anh Út chế biến được ba món chiên, kho, lẩu làm đắm đuối lòng khách phương xa.
Thanh Huyền
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/quan-ben-duong-a1466725.html” name=””]