Ngả lưng xuống giường sau một ngày, chị khẽ thở dài. Bên cạnh, hai đứa con đang ngủ ngon nhưng cũng có thể òa khóc bất cứ lúc nào nếu sốt lại.
Hôm nay chị đưa con đi khám. Lúc đến ngay cửa bệnh viện thì chị sơ ý, làm té xe, cả ba mẹ con ngã nhào ra đường. Người dân xung quanh chạy ra đỡ, một bác gái lớn tuổi nói nửa như hỏi han, nửa như trách móc: “Khổ thân, đã bệnh còn bị té. Bố nó đâu mà để mấy mẹ con tự đi thế này?”.
Chị bối rối giữa tiếng hỏi, tiếng con khóc, tiếng chiếc xe chỏng chơ vẫn nổ máy. Mặc dù không trả lời nhưng chị vẫn thấy khóe mắt mình cay xè lên. Lâu lắm rồi, chính chị cũng quên không hỏi bản thân rằng những lúc này, chồng chị đang ở đâu.
Người lạ thì không biết, chứ ở khu phố chị ở, chẳng ai còn lạ cảnh chị cứ đèo theo hai đứa nhỏ mỗi ngày, nắng cũng như mưa. Đứa lớn thì học tiểu học gần nhà, đứa nhỏ thì gửi nhóm trẻ. Trộm vía, hai đứa biết mẹ vất vả nên cũng ngoan, trừ mấy hôm đau bệnh. Cứ ngày nào mà chị thắp đèn phòng bên phải quá 11 giờ là cả xóm biết hôm đó con chị ốm. Còn nếu đèn mà sáng về phía trái căn nhà là họ biết chị đang thức để gia công mớ hàng nhận về làm thêm.
Chị mệt mỏi vì phải là người gồng gánh (Ảnh minh họa) |
Hồi đầu, người ta còn hỏi về chồng chị, nhưng sau này chẳng ai hỏi nữa. Có nhắc, họ cũng chỉ thở dài một câu: “Thằng đó tệ”. Chị cũng dần mặc kệ anh, không muốn đoái hoài gì nữa, nhưng nào có yên. Cảnh ba mẹ con đã vất vả mà lâu lâu anh ghé về, quậy tung nhà một lần rồi lại đi, khiến chị mệt mỏi.
Rất nhiều lần chị nói ly hôn, nhưng con chị níu áo níu quần, năn nỉ cha mẹ đừng bỏ nhau. Chị lại rớt nước mắt, cứ nhập nhằng mãi mối quan hệ ấy, để lâu lâu vui thì anh ghé về cho con tấm áo, cái kẹo, buồn thì anh về sau một trận uống say.
Chị là trụ cột gia đình từ nhiều năm nay rồi. Nhà hư hỏng cái gì chị cũng sửa sang, con cái đi học, chị đưa đón, tiền bạc kinh tế chị lo. Anh chẳng góp bất cứ thứ gì. Ví như đêm nay, hai đứa nhỏ bệnh cùng một lượt. Chị lo từ sáng đến tối, đến lúc ngả lưng xuống giường, nước mắt chị trào ra. Vết bầm ở chân lúc ngã xe hồi chiều vẫn nhức nhối, lời hỏi han của người qua đường vẫn văng vẳng bên tai. Chị tự hỏi bao lâu nay, anh ở đâu, làm gì? Anh có xem đây là gia đình không? Có một chút nào thương chị và các con không?
Chị nhớ lại hôm đầu tuần, con gái lớn nằm mệt đã nhờ chị gọi điện để được nhõng nhẽo với cha. Chị chiều con, dù đã gọi mấy cuộc anh chẳng trả lời. Rồi tự nhiên, con bé nói: “Có phải cha hết thương nhà mình rồi không mẹ?”.
Trong một khoảnh khắc, chị đã buột miệng: “Từ lâu rồi con!”. Nói xong, chị ngay lập tức hối hận vì gieo vào đầu con những điều không hay. Từ sau lần đó, chị bỗng hiểu ra, con chị đã đến tuổi nhận biết hết những thờ ơ của cha nó. Chị cũng không thể kiếm cớ rằng anh đi làm, anh bận công việc, anh qua nhà người này người kia để an ủi con cái.
Dù rằng đứa trẻ nào cũng hồn nhiên khi được cho bánh cho quà, nhưng chúng cũng rất nhanh nhạy nhận ra sự thiếu vắng của người cha trong gia đình. Những lần anh về quậy phá, say xỉn, những hôm anh đi biền biệt, những lần anh mắng chửi vợ, đều là vết đen trong tâm trí con cái.
Giờ đây chị chỉ muốn làm trụ cột cho con mình (Ảnh minh họa) |
Chị bỗng nhận ra, tất cả là do chị không dứt khoát ly hôn. Mang tiếng là chồng nhưng anh chỉ là gánh nặng. Thậm chí nhiều lần, chị còn phải giúp anh trả nợ, chăm sóc bố mẹ bên nhà, hiếu hỉ đều lo đủ. Bao năm nay, chị đã quên rằng bản thân mình cũng cần được thảnh thơi một chút chứ không phải cứ mãi chống chèo.
Chị lên mạng, tìm chỗ chuyển nhà, tìm hiểu thủ tục ly hôn. Từ sáng đến giờ chị cũng mong nhận được cuộc gọi hay tin nhắn của anh hỏi về tình hình con cái. Nhưng chẳng có điều đẹp đẽ ấy xảy ra. Bao lâu nay, chị đã mặc kệ anh đi đâu làm gì. Rất có thể bây giờ anh đang nhậu nhẹt, bài bạc hoặc vui thú bên một người đàn bà nào đó.
Chị nhìn hai đứa nhỏ đang say giấc ngủ. Cuộc hôn nhân này đã sai, nhưng giờ đây chị sẽ làm lại. Cuối cùng thì chị vẫn sẽ là một người phụ nữ gánh vác vai trò trụ cột nhưng chỉ để cho hai con dựa vào mà thôi.
H.Vân
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/cuoc-hon-nhan-nay-da-sai-a1474753.html” name=””]