Phải đến khi tận mắt chứng kiến sự vụ kinh hoàng, vợ tôi mới chịu nghe theo lời chồng, không còn đi giày cao gót mỗi khi lái xe.
Vợ chồng tôi lấy nhau đã gần chục năm. Chúng tôi ở cùng bố mẹ ruột nên không phải lo việc mua đất làm nhà. Ông bà còn cho chúng tôi một miếng đất để nếu muốn ra ở riêng hay khi cần vốn làm ăn.
Cưới nhau được vài năm, chúng tôi lấy hết tiền cưới, tiền tiết kiệm của cả 2 vợ chồng từ lúc đi làm để mua chiếc xe ô tô nhỏ. Nhiều người gọi đó là “tiêu sản”, nói chúng tôi còn trẻ chưa nên mua xe mà để tiền đầu tư. Nhưng với tôi thì nó là một bước tiến cho mức sống cao hơn.
Có xe, bố mẹ, vợ con tôi ít khi phải chịu nắng mưa. Khi thời tiết đẹp thì đi xe máy, nhưng khi xấu trời thì có ngay ô tô để sử dụng. Những lúc đêm hôm khi con hay bố mẹ tôi không được khỏe là luôn sẵn xe sử dụng. Cuối tuần cả nhà có thể cùng nhau đi đám cưới, đi du lịch hoặc ghé thăm người thân. Mọi người đều khỏe mạnh hơn, vui vẻ và gắn kết hơn.
Tôi là lái xe chính cho cả nhà trong 2 năm. Mặc dù có bằng lái từ sớm, nhưng ít khi vợ tôi lái xe. Hoặc nếu có thì chỉ những quãng đường ngắn khi cả gia đình đi ăn bên ngoài và tôi đã uống một chút rượu. Lúc nào tôi cũng dặn vợ nhớ chỉnh ghế, chỉnh gương, thắt dây an toàn cho phù hợp nhất, dù chỉ lái một đoạn ngắn: “An toàn cho mình, và cho cả mọi người nữa vợ ạ”.
Vợ tôi thường xuyên bận bịu nên mất tập trung khi lái xe (ảnh minh họa) |
Gần đây, vợ tôi chuyển sang làm ở chỗ mới, cách nhà gần chục cây số. Hằng ngày, cô ấy dùng xe hơi đi làm. Những ngày đầu tiên, tôi kèm vợ lái xe đi làm cho an tâm. Sau đó thì vợ tự lái.
Vợ tôi làm cho một công ty kinh doanh sản phẩm may mặc, nên yêu cầu cao về ngoại hình. Hầu hết thời gian làm việc, cô ấy phải đi giày cao gót. Ngay ngày đầu tiên đi cùng vợ tôi đã nhắc nhở về việc không nên đi giày cao gót. Vợ tôi khi đó cũng “dạ” cho có, vì lúc ấy có vẻ còn nhiều thứ khác cần tập trung hơn là đôi giày. Tôi cũng không nhắc lại trong tuần đầu tiên đi cùng vợ, vì thấy cô ấy lái xe cẩn trọng và tập trung.
Đến tuần thứ 2, khi thấy vợ vội vàng lên xe đi làm với đôi giày cao gót, tôi nhắc lại: “Anh đã nói em đừng đi giày cao gót khi lái xe mà. Không an toàn chút nào cho em và cả người khác. Chỉ một lần sơ sẩy thôi là hậu quả không lường được.”
“Anh cứ đọc nhiều bài báo về việc này nên nghĩ quá lên thế, chứ các chị ở công ty em bao nhiêu năm lái xe đi làm bằng giày cao, chưa thấy ai nói bị tai nạn bao giờ. Hơn nữa công việc của em bắt buộc phải đi giày cao gót, không lẽ anh bắt em làm trái yêu cầu công việc à?”. Không chờ tôi nói hết, vợ đã đóng cửa xe đi cho kịp giờ làm.
Việc đảm bảo an toàn khi lái xe luôn cần đặt lên hàng đầu dù trong hoàn cảnh nào (ảnh minh họa) |
Mấy tuần trước, vợ chồng tôi có việc chạy ngang qua đường Nguyễn Chí Công, Hà Nội đúng vào lúc vụ tai nạn do ô tô lao vào hàng loạt xe máy xảy ra. Mặc dù đã một tiếng sau thời điểm tai nạn, thế nhưng cảnh tượng hàng loạt xe máy đổ gục, nhiều người bị thương, những vết máu loang còn trên mặt đường cũng đủ làm chúng hoảng sợ.
Đặc biệt hình ảnh chiếc ô tô màu đen đang nuốt một chiếc xe máy dưới gầm cùng với cả túi xách, giỏ hàng… khiến vợ tôi bị ám ảnh. Cô ấy mất ngủ cả đêm. Sáng hôm sau, tôi ngạc nhiên thấy vợ bỏ giày cao gót trong túi rồi xách theo trên tay, dưới chân đi đôi giày thể thao, dù nó không hợp với bộ đồ đang mặc. Thấy tôi ngạc nhiên, vợ nói: “Em mang theo giày cao gót đây rồi, an toàn là trên hết chồng nhỉ!”.
Minh Đức
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/cuoi-cung-vo-cung-chiu-bo-giay-cao-got-a1489860.html” name=””]