Để hướng tới sự bình đẳng, xóa bỏ định kiến giới nặng nề, thì cách đơn giản, hiệu quả là ngừng sống theo, làm theo, nói theo những quan điểm sáo mòn.
Câu trả lời có thể là chẳng câu nào cả.
Vì sao?
8/3, tôi trêu cô em gái mới kết hôn: “Quà tặng năm nay là gì? Nhà trai có cố tình đi công tác để trốn không?”.
Câu trả lời kèm theo một biểu tượng mặt cười đeo kính đen: “Em không chờ mà cũng không cần đòi. Nhà em nếu quanh năm lờ rờ không chăm sóc vợ, chỉ vài ngày theo trào lưu có quà cho vợ vui là toang ngay”.
Và người phụ nữ hiện đại giải thích thêm: “Quà tặng theo mùa, theo trào lưu là chiêu để bán hàng, bản thân bọn em trong nghề marketing quá rõ. Có ngày mua quà cho người yêu, rồi có cả ngày độc thân để tự mua quà cho mình nữa, đối tượng nào cũng nên mua sắm cho kinh tế phát triển chứ không chỉ mua quà cho hôn nhân hạnh phúc. Sống chân thành, vui vẻ thì ngày nào cũng phải ân cần chăm sóc lẫn nhau. Nếu tặng quà để thể hiện tình yêu và sự chăm sóc thì bất kỳ ngày nào thấy có gì hay, phù hợp, muốn tặng là tặng thôi, chẳng cần chờ dịp chờ ngày đâu. Lễ tết nội ngoại thì khác. Còn trong đời sống riêng, bọn em chẳng phân biệt nặng nhẹ, em vẫn quần quật khiêng này vác kia khi chồng đau tay đau chân, chồng vẫn làm bánh nấu ăn khi vợ đang bận họp… Tài chính công khai, tình cảm chân thành quan trọng hơn mọi loại hoa hay quà cáp để… chụp khoe trên mạng mấy ngày lễ”.
Liệu đây có phải quan niệm cá biệt?
Câu hỏi này được người phụ nữ xinh đẹp vừa qua tuổi 30 khẳng định là không. Cô cho biết, cũng như nhiều phụ nữ khác cùng thế hệ, dù sống ở những thành phố lớn, công dân mang hộ chiếu quyền lực hay những miền quê xa xôi của các nước đang phát triển, dù độc thân hay đã có gia đình riêng, dù ít dù nhiều, đa phần phụ nữ đều có ý thức cố gắng xóa bỏ định kiến giới ở mọi lĩnh vực mà yêu cầu những chăm sóc đặc biệt hơn cho phụ nữ cũng chính là bạn đang tự khẳng định phụ nữ vẫn “khác” đàn ông. “Bản thân mình không có ý thức rằng phụ nữ hay đàn ông đều là những cá thể, cơ thể có đặc điểm riêng, đều cần được đối xử phù hợp, có quyền chọn lựa những gì phù hợp với mình… thì không mong cầu một tổ chức hay chính sách nào đó sẽ vì mình mà đấu tranh…”.
Để hướng tới sự bình đẳng, xóa bỏ định kiến giới nặng nề, thì cách đơn giản, hiệu quả là ngừng sống theo, làm theo, nói theo những quan điểm sáo mòn. Với phụ nữ hiện đại, thực sự độc lập, sự thú vị trong cuộc sống sẽ không dựa trên những tiêu chí được xây dựng bởi những quan niệm của người khác, năm này qua năm kia vẫn được nhắc đi nhắc lại một cách… vô tri.
Phụ nữ được trân trọng thì phải được tặng quà, tặng hoa vào ngày 8/3 là một ví dụ. Trong khi chúng ta thừa nhận rằng một phụ nữ nếu luôn được thương quý đâu cần buồn vì không được nhận gì từ những người đàn ông xung quanh họ trong ngày này. Việc tôn vinh phụ nữ trong những ngày dành cho phái đẹp chỉ để nhắc đàn ông nhớ rằng phụ nữ luôn đáng yêu, đừng quên chăm sóc và yêu thương họ 24/7 chứ đâu phải đó là ngày duy nhất để yêu thương, tặng quà! Không mùng 8 thì mùng 9, 18, 28 hay… rằm, cơ hội thể hiện tình cảm đâu chỉ có mỗi ngày 8/3 mà không nhận được quà thì chạnh lòng?
Nhưng thực tế là những phút chạnh lòng này vẫn xuất hiện ở nhiều phụ nữ, vì quan niệm sáo mòn, máy móc ấy đã hằn sâu trong ý thức, như nhiều quan niệm khác ở những thế hệ trước, giờ đã thay đổi ở hiện tại. Những quan điểm mới như vừa nêu đã được hình thành bởi chính phụ nữ, từ đời sống thực tế của họ, chứ không tuân theo và chịu sự áp đặt nào.
Có những người đàn ông không bao giờ tặng hoa, nhưng người phụ nữ của anh ấy vẫn hài lòng (ảnh minh họa) |
Nạn nhân? Thôi xin ngừng than khác!
Nhiều phụ nữ luôn hô vang khẩu hiệu đòi bình đẳng nhưng lại nhấn mạnh một cách thái quá vai trò và vị trí của họ trong gia đình là không thể thay thế. Họ quên rằng chính điều này lại là sự thiếu bình đẳng với đàn ông trong nhà. “Tôi đã dành cả thanh xuân cho gia đình này, tôi đã sinh con cho anh, tôi đã hy sinh cả đời mình cho cha con anh, dòng tộc nhà anh…” – nghe như thể những phụ nữ này đã bị cưỡng hôn, là nạn nhân bị bóc lột và áp bức ở thời phong kiến nhiều thế kỷ trước. Trong khi, giờ đang là năm thứ 24 của thế kỷ XXI.
Nếu công việc hằng ngày liên quan đến các vụ ly hôn, bạn sẽ nghe được câu than trách này nhiều lần, đồng thời cũng sẽ chứng kiến không chỉ một ông chồng đặc biệt nào đó uất ức chua chát kêu lên trước tòa: “Cô đã nướng cả tài sản chung riêng vào cờ bạc, đã ngoại tình và giờ nói đến thanh xuân. Vậy còn tôi, ai sẽ trả lại thời trai trẻ hào hoa cho tôi? Đừng đóng vai nạn nhân rồi nhắc đến sinh con! Nói như cô thì tôi thuê sinh con theo hợp đồng chắc cũng không thể đắt hơn!”.
T.H.V. – một chuyên gia tâm lý đã tham gia hỗ trợ tư vấn nhiều gia đình – nhận xét rằng nguyên nhân dẫn đến bất hòa, bất hạnh, đi đến ly hôn có thể từ cả 2 phía nhưng oái oăm thay, lại bắt nguồn từ những quan điểm lẽ ra cần điều chỉnh mà vẫn bị áp dụng máy móc.
Đàn ông là trụ cột gia đình; phụ nữ là phải biết chăm sóc gia đình, vun vén.
Phụ nữ phải biết nấu ăn.
Cây khô không lộc, lấy chồng thì phải sinh con.
Phụ nữ không cần quá giỏi, học nhiều để làm gì?
***
Cũng theo T.H.V., trước kia và giờ đây, đàn ông thường phấn đấu và có mục tiêu là sự thành đạt, công việc, vị trí trong xã hội để coi đó là điểm cộng trong hôn nhân. Trong khi đó, phụ nữ thường mong muốn hạnh phúc, vẻ bề ngoài hấp dẫn, sức khỏe tốt. Nhưng hiện tại, mong muốn của phụ nữ đã có nhiều thay đổi, đa dạng hơn. Họ cũng khao khát thành đạt, có vị trí trong xã hội, muốn được độc lập nhưng lại không thể buông xuống, điều chỉnh bớt những trách nhiệm “làm vợ hoàn hảo” theo các quan niệm cũ; vẫn mong muốn xinh đẹp, hạnh phúc, sức khỏe tốt… Những kỳ vọng của xã hội, của người thân và của chính phụ nữ vẫn chịu sự chi phối bởi những quan niệm cũ, bởi những người xung quanh. Họ bất lực, thế là họ stress, chồng con họ stress, cả nhà họ stress!
Mục tiêu và khái niệm viên mãn với mỗi người đều khác nhau nhưng đặc điểm chung của một cuộc hôn nhân thành công, gia đình hạnh phúc vẫn luôn luôn là sự phù hợp, niềm vui mỗi ngày, sự chia sẻ, yêu thương và ấm áp từng thành viên luôn dành cho nhau. Điều chỉnh và phối hợp với nhau như thế nào tùy thuộc tính cách, hoàn cảnh từng cá nhân, mỗi gia đình. Nếu bản thân không biết mình muốn gì, muốn tự do nửa vời, vẫn áp dụng những tiêu chí và quan điểm chung, cũ, không thích hợp để rồi không được sống vui thì đó là điều không tránh khỏi.
Thế nên khi nghe “phụ nữ là món quà tặng cho đàn ông”, rồi “phụ nữ ngoan thì không đòi quà” hoặc “ngoan thì sẽ có quà”, tôi luôn nhớ đến những cô gái trẻ trung, đầy năng lượng, độc lập tự nhiên, yêu thương cũng chân thành tự nhiên với nửa kia và chính bản thân.
Khi ấy, mọi định kiến cũ, mới đều nằm ngoài, chẳng liên quan gì đến cuộc đời họ cả!
Họ sẽ nói với bạn rằng: “Nếu hỏi “8/3, em có hài lòng với một niềm vui nhỏ bé phát sáng 6,3 li không?” hoặc “8/3, em muốn hoa, quà… hay là ting ting?”, câu nào sẽ khiến em vui sướng hơn, thì câu trả lời của em là chẳng câu nào cả. Bởi vì dù em không giữ thẻ của chồng nhưng mọi khoản chi tiêu, thu nhập em đều có thể biết nếu muốn. Và kim cương, hoa, quà hay ting ting… đều là một ví dụ vui vẻ có giá trị như nhau, mỗi ngày”.
Đó là quan điểm của cô ấy, còn bạn?
Lê Lan Anh
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/8-3-hoa-qua-hay-la-ting-ting-a1513517.html” name=””]