Sau tiến hô đồng thanh, chúng tôi “cưỡi trâu” vút thẳng về hướng làng trái cây Đại Bình, Nông Sơn (Quảng Nam).
Những vườn trái cây ở Đại Bình thường rộng khoảng 1000m2 trở lên |
Những cung đường Nông Sơn
Đoàn chúng tôi băng từ đồng bằng cho đến núi đồi ngoằn ngoèo. Đoàn hơn 10 người, trên những chiếc xe số vi vu qua những cung đường đầy màu xanh của lúa cho đến Thánh địa Mỹ Sơn, tôi nhìn bảng báo hiệu còn 16km nữa tới Nông Sơn.
Những con đường càng lên cao càng uốn lượn, những cây bạc hà, dương liễu, thông phủ đầy bên trái. Con đường hẹp ở giữa, bên phải là dòng sông chảy dài thơ mộng như vỗ về những mệt mỏi của con người.
Bãi cát trắng trải dài theo con sông Thu Bồn. Tôi nghe Hiếu nói: “Lần trước tụi em đi dã ngoại, camping ở dưới đó, thú vị lắm chị”. Dường như đây là nơi phù hợp để những tâm hồn phóng khoáng, ưa mạo hiểm tìm về.
Điều ấn tượng nhất với tôi là con sông Đại Bình, trải dài qua khắp vùng. Con sông hiền hoà và thơ mộng ôm trọn cả ngôi làng. Có lẽ nhờ nước sông đầy phù sa tưới tắm cộng với thổ nhưỡng màu mỡ nên mới làm nên những khu vườn bạt ngàn cây trái với đủ các loại: bưởi, trụ, sầu riêng, bơ, cam, quýt, măng cụt…
Khắp làng cây trái
Đại Bình đón chúng tôi bằng cơn mưa rào mát rượi. Cây cối tươi rói sau cơn mưa chớp nhoáng. Những biển số xe 43, 92 ngập tràn các tuyến đường dẫn vào làng.
Du khách đổ về làng đông đúc |
Chúng tôi lưu trú tại vườn ông Bảy. Tại đây, mọi người có thể đặt phòng nghỉ ngơi hoặc cắm trại tại vườn. Du khách cũng có thể đặt suất ăn ngay tại vườn với các món quê như gà, vịt, heo.
Buổi chiều tối, chúng tôi đi dạo ra sân vận động và thưởng thức ẩm thực Đại Bình, mì gà Đại Bình, bánh xèo, bánh ít…
Món rau sen Đại Bình
Tôi dừng chân trước một căn nhà trong làng. Anh thanh niên đang bứt từng cọng rau xanh mướt trước hiên. Cả hàng rau kéo dài kiểu như trồng chè tàu trước cổng. Tôi hỏi cây gì lạ vậy anh? “Rau sen cô ạ. Cây này nấu canh thì ngon hết nấc. Có thể nấu với thịt bò hoặc tôm” – anh đáp.
Khi đi dạo ra đầu làng, tôi thấy người dân cũng bày bán loại rau này đã tò mò mua về thưởng thức và làm quà.
Canh rau sen nấu tôm giải nhiệt |
Quán bún Quỳnh ngon nổi tiếng tại làng
Theo chỉ dẫn của anh chủ nhà, chúng tôi tìm đến quán bún Quỳnh. Mỗi người kêu mỗi vị: bún tái, nạm, xương… Quả là không hổ danh quán bún ngon nhất làng Đại Bình, vị ngọt tự nhiên của xương hầm lan tỏa, từng miếng thịt thấm mặn mà như con người vùng non cao.
Mua trái cây mang về
Tại homestay, cô chủ cho phép chúng tôi tự hái những trái bưởi, cam, mua về làm quà. Tôi chọn những trái to, vàng ươm để về thờ hoặc tặng bạn bè. Rong ruổi trong những khu vườn rộng hơn 1000m2, tha hồ lựa chọn những loại cây trái mình thích, cũng là thú vui nho nhỏ trong thời gian ở làng.
Vườn bưởi xum xuê |
Trước khi đến làng, tôi từng mong sẽ được “mục sở thị” sầu riêng chín vườn và bổ ra thưởng thức ngay. Nhưng anh chủ vườn hẹn “Nếu sáng mai có sầu rụng thì để cho cô, còn không thì thôi, ở đây không bán sầu khi chưa rụng xuống đất”.
Cuối cùng mong muốn đó của tôi không thực hiện được.
Gà đèo Le huyền thoại
Trở về, chúng tôi chọn hướng đi khác – ngang đèo Le để thưởng thức món gà tre trứ danh. Tuy có phần khó khăn, ngoằn ngoèo hơn cung đường cũ, bù lại, cảnh sắc thiên nhiên đèo Le hữu tình đã xua tan đi những mỏi mệt.
Món gà nướng đèo Le |
Đoàn ghé quán Kiều Nhung, lần lượt những món ngon chế biến từ gà được mang lên: gà hấp hành, gà nướng, cháo gà, gà lên mâm… Món gà tre ngon, thịt mềm, thơm nức được nấu từ dòng nước mát trên đầu nguồn nên có vị rất riêng.
Huỳnh Kim Hoa
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/dai-binh-thang-tien-a1470988.html” name=””]