Phim “Bẫy ngọt ngào” khai thác chủ đề bạo hành gia đình với nhiều cảnh bạo lực, ra tay thẳng thừng của nhân vật.
Trước khi phim Bẫy ngọt ngào ra rạp, một đoạn hậu trường quay cảnh nóng, cảnh bạo hành trên phim được tung ra. Đạo diễn Đinh Hà Uyên Thư cho biết tất cả cảnh quay đều phục vụ cho nội dung phim, không cố tình tô đậm để PR nên “vượt ải” kiểm duyệt, không bị cắt bất cứ cảnh nào.
Phóng viên: Phát triển dựa trên sitcom Chiến dịch chống ế nhưng câu chuyện của Bẫy ngọt ngào gần như khác toàn bộ, vì sao lại có sự khác nhau như thế?
– Đạo diễn Đinh Hà Uyên Thư: Sitcom Chiến dịch chống ế (ra mắt 2014 – 2015) là tiền đề của phim điện ảnh Bẫy ngọt ngào. Chúng tôi chỉ giữ lại 4 nhân vật của sitcom, còn lại phần nội dung sẽ được thay đổi toàn bộ. Việc thay đổi cả cốt truyện lẫn diễn viên chỉ với mục đích mang đến một phiên bản trưởng thành hơn, chững chạc hơn của những người trẻ trong sitcom. Khi họ ở độ tuổi 30, họ sẽ có những cảm quan khác, những mâu thuẫn khác và liệu sự thay đổi đó có khiến tình bạn tồn tại.
* Nhưng không dừng lại ở câu chuyện tình bạn, phim chủ yếu khai thác yếu tố bạo hành gia đình, từ đâu chị có ý tưởng này?
– Ê-kíp và tôi cùng nhau thay đổi kịch bản qua nhiều đợt. Ban đầu, chúng tôi chọn khai thác chủ đề tình bạn hài hước, sau đó đẩy thêm các tình huống mâu thuẫn giữa bạn bè và cuối cùng chọn xoay quanh cuộc hôn nhân bị bạo hành, lắm trục trặc của Camy (ca sĩ Bảo Anh đảm vai).
Khi ê-kíp ngồi bàn luận với nhau về đề tài, mọi người bắt đầu kể ra những mẩu chuyện mà họ đã chứng kiến hoặc được nghe từ bạn bè xung quanh. Lúc đó, tôi nghĩ đến câu chuyện hôn nhân không hạnh phúc vì nhìn bạn bè tôi – những người kết hôn từ khá sớm, đến độ tuổi trên 30, họ không còn tìm kiếm được niềm vui. Họ tìm cách ly hôn để tìm đến sự tự do, giải thoát cho bản thân. Khi tôi nói lên ý tưởng, các thành viên trong ê-kíp đều đồng tình vì họ đã chứng kiến và thậm chí từng là người giúp đỡ những người bạn của mình bước ra khỏi cuộc hôn nhân.
Đạo diễn, diễn viên chia sẻ về cảnh nóng, cảnh bạo lực trên phim Bẫy ngọt ngào:
* Vấn đề bạo hành trong gia đình được điện ảnh các nước khai thác khá nhiều còn với Việt Nam, theo quan sát của chị, phim ảnh Việt thể hiện vấn đề bạo hành gia đình như thế nào?
– Tôi từng xem nhiều phim khai thác vấn nạn bạo hành trong gia đình. Ở nước ngoài, văn hoá, cách suy nghĩ và thể lực của nhân vật khác nên khi xem, có thể bạn sẽ thấy xa lạ hoặc thấy quá bạo lực. Còn với Việt Nam, cũng có một số phim đưa vấn nạn bạo hành lên phim nhưng mức độ cũng tuỳ theo thực tế xã hội.
Theo trải nghiệm cá nhân, tôi biết có nhiều gia đình mắc phải vấn đề liên quan đến bạo hành nhưng cách thức hành động và độ bạo lực khác nhau. Tôi chưa chứng kiến đủ nhiều các tình huống bạo hành của từng gia đình nên không rõ khi sự giận dữ lên đỉnh điểm, họ hành động khủng khiếp như thế nào. Do đó, đối với phim Việt khi khai thác vấn đề bạo hành gia đình, mọi người đang đặt câu chuyện ở mức độ trung bình, chưa quá bạo liệt.
Trên Bẫy ngọt ngào, tôi chỉ đưa câu chuyện của nhân vật gần với những trường hợp mà tôi biết. Tôi không chắc chắn những cảnh bạo hành trên phim liệu có chân thật nhất, dữ dội nhất hay chưa. Tôi chỉ chắc nhân vật Đăng Minh (Quốc Trường thủ vai) là nhân vật được tôi tổng hợp lại từ những câu chuyện mà bản thân đã từng chứng kiến, nghe kể.
* Đoàn phim vừa tung ra một số cảnh nóng, bạo lực và nhận được sự chú ý. Những hình ảnh này liệu có được xuất hiện trên phim và có phải là chiêu PR của ê-kíp?
– Trước khi chiếu phim, ê-kíp quyết định tung ra những cảnh nóng và cảnh bạo hành với 2 lý do. Thứ nhất, đây là một trong những chủ đề lớn mang đến cảm xúc trên phim nên cách truyền thông như hiện tại là hợp lý. Thứ hai, tôi tin khi khán giả đến rạp xem phim sẽ thấy được những cảnh bạo lực hay cảnh nóng đều phục vụ cho nội dung câu chuyện.
Nói về sự kiểm duyệt, những cảnh nóng và bạo hành đã được ê-kíp đo ni đóng giày để làm rõ hơn tính cách, số phận bi kịch của nhân vật. Chúng tôi không chủ đích tô đậm để câu khán giả, phục vụ PR nên khi đưa phim đi kiểm duyệt không bị cắt cảnh nào.
Trailer Bẫy ngọt ngào:
* Vì sao lại là Bảo Anh trong nhiều gương mặt nữ diễn viên khác? Có phải mối quan hệ bạn bè thân thiết giữa cả 2 tác động đến quyết định này?
– Khi xây dựng nên nhân vật Camy, người đầu tiên tôi nghĩ đến là Bảo Anh. Ngoài mối quan hệ bạn bè thân thiết từ lâu, ở Bảo Anh có sự kiêu sa bề ngoài và một đôi mắt đẹp nhưng buồn. Tôi biết Bảo Anh có nhiều mặt cảm xúc khác, không chỉ là cô ca sĩ gợi cảm trên sân khấu. Do đó, khi chọn Bảo Anh, tôi chắc chắn nữ ca sĩ có thể thể hiện đa dạng các tâm trạng, cảm xúc khác nhau.
Quá trình mời Bảo Anh vào phim gặp nhiều khó khăn. Ban đầu, tôi bị từ chối vì Bảo Anh chỉ muốn các hoạt động nghệ thuật liên quan đến âm nhạc, muốn được đến phòng thu và đứng trên sân khấu. Sau đó, tôi thuyết phục cô ấy rằng với nhân vật Camy và thông điệp bộ phim mang lại, Bảo Anh sẽ giúp được nhiều phụ nữ trẻ biết được đâu là giá trị bản thân và quý trọng hơn sự tự do. Sau bộ phim, Bảo Anh mất nhiều thời gian để hồi phục về thể lực cũng như tâm trạng vì Camy là vai khá nặng.
* Đâu là điều khó khăn nhất khi thực hiện Bẫy ngọt ngào?
– Khi làm phim, tôi buộc mình phải quên cái mác đạo diễn chuyên làm MV để bản thân có cách kể chuyện không phụ thuộc vào âm nhạc. Ở những sản phẩm MV trước đây, tôi phải nghe một bài hát rất nhiều lần để từ giai điệu, ca từ tôi làm nên câu chuyện hình ảnh. Còn với phim, không có âm nhạc, chỉ có những lát cắt cảm xúc liên quan đến nhân vật của phim nên tôi phải tìm cách kể khác và điều đó thật sự khó khăn.
* Cảm ơn chị đã chia sẻ.
Diễm Mi
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/dao-dien-bay-ngot-ngao-tran-tinh-ly-do-phim-nhieu-canh-nong-dam-bao-luc-a1432959.html” name=””]