Nếu bạn muốn thử hương vị phở do chính tay đầu bếp từng nấu tô phở “chọc trời” chế biến thì “phóng” xe qua ngay quán phở Công nhé!
Cách đây vài năm, 1 nhà hàng trong tòa Landmark 81từng gây xôn xao với món phở “chọc trời” có giá lên đến 920.000 đồng cho 1 tô. Đây được xem là mức giá đắt gấp cả chục lần so với 1 tô phở bình dân trên thị trường. Sở dĩ, món phở này được đính kèm với cụm từ “chọc trời” vì nhà hàng nằm trên tầng 66 của toà nhà 81 tầng, khi ngồi ăn có thể dễ dàng nhìn ngắm bao quát khung cảnh của TP.HCM từ trên cao. Cũng có người nói đùa, “chọc trời” còn là cách ví von vui về mức giá của tô phở.
Tô phở trong tòa Landmark 81 với view trên cao có giá lên đến 920.000 đồng (Ảnh: @ychingn)
Bên cạnh vị trí “chọc trời”, bát phở này cũng sử dụng toàn những nguyên liệu “xịn xò” bậc nhất như đuôi bò Úc hầm mềm, thịt bò Wagyu Nhật có vân mỡ xen kẽ với từng sớ thịt, bánh phở và rau gia vị. Với dàn nguyên liệu đặc biệt như vậy thì mức giá của tô phở có cao cũng là điều dễ hiểu.
Tô phở “đội giá” khá cao vì sử dụng những nguyên liệu thượng hạng (Ảnh: @letrung_347)
Vì mức giá khá cao, cho đến nay nhiều người vẫn chưa thể thưởng thức tô phở “chọc trời” này. Nhưng trong thời gian gần đây, hội mê ăn uống, nhất là những người có tình yêu lớn với phở đã tìm ra quán phở Công nằm trên đường Trần Quý Cáp, quận Bình Thạnh. Điều đặc biệt khiến nhiều người chú ý đến quán, dù đường xa xôi vẫn “lần mò” đến thử cho bằng được là anh chủ quán từng làm đầu bếp cho nhà hàng trên toà Landmark 81 và chính tay anh đã nấu những tô phở “chọc trời”. Sau khi dừng công việc tại nhà hàng, anh Công đã lui về mở 1 quán phở nhỏ cho riêng mình. Nhiều người đến ăn vẫn hay gọi vui phở Công là phiên bản bình dân hơn của phở “chọc trời”, vì mức giá phù hợp với túi tiền của đại đa số, chỉ từ 40.000 đồng đến 65.000 đồng cho mỗi tô.
Quán phở của anh Công nằm trên 1 con đường nhỏ ở quận Bình Thạnh (Ảnh: @homnayangi.schannel)
Không gian của quán phở Công khá hẹp, bên trong chỉ có 3 – 4 bàn và ngoài vỉa hè kê thêm vài bộ bàn ghế nhựa nhỏ. Phía trước đặt chiếc tủ kính để chứa các nguyên liệu nấu phở và nồi nước lèo to lúc nào cũng được đun sôi sùng sục. Mặc dù không quá rộng rãi nhưng với chất lượng phở, kèm với tiếng tăm “đầu bếp Landmark 81”, quán phở luôn trong tình trạng kín bàn chỉ sau khoảng 1 tiếng dọn bán.
Không gian quán khá hẹp nhưng khách luôn ra vào nườm nượp (Ảnh: @homnayangi.schannel, @tebefood)
Câu hỏi mà nhiều người đặt ra nhất khi đến quán: “Liệu phở Công ăn có giống với phở “chọc trời” hay không? Câu trả lời mà nhiều người người ăn thử đã rút ra là hương vị của phở Công hoàn toàn khác phở “chọc trời”. Tô phở ở đây dĩ nhiên sẽ không có đuôi bò Úc hay thịt bò Wagyu, chỉ là loại thịt bò vàng Việt Nam mà các quán phở khác thường bán nhưng hương vị vẫn được nhiều người đánh giá cao.
Tô phở của quán anh Công được bày trí chỉn chu với nhiều loại nguyên liệu (Ảnh: @lenkycungkhoa, @loveoffoods)
Phần nguyên liệu ăn kèm của quán rất chất lượng, nào là bò viên, nạm bò, gân bò, sườn bò, thịt bò,… được cắt dày, bày biện gọn gàng, sạch sẽ trong tủ kính. Để nạm bò, gân bò, sườn bò đạt đến độ mềm nhất định nhưng không bị bở để khi cắt giữ được nguyên lát, anh Công phải bó chặt, hầm qua nhiều giờ đồng hồ. Riêng sợi bánh phở, quán sử dụng loại nhỏ hơn các quán khác và có độ dai nhẹ.
Dàn nguyên liệu ăn kèm “xịn xò” của quán phở Công (Ảnh: @loveoffoods, @tebefood)
Khi ăn ở đây, thời gian phục vụ sẽ hơi lâu vì anh Công nấu phở khá kĩ. Bánh phở và giá sẽ được trụng qua nước sôi 2 lần để làm nóng, sau đó các nguyên liệu sẽ được sắp xếp vào tô và chan thêm nước lèo nóng hổi.
Mỗi tô phở đều được nấu kĩ lưỡng (Ảnh: @loveoffoods, @tebefood, @homnayangi.schannel)
Sự tinh tuý của 1 tô phở thường sẽ nằm ở phần nước lèo và quán Công nấu nước lèo vô cùng công phu. Phần nước dùng trong veo, được ninh từ xương bò, sá sùng, mực nhỏ trong vòng 24 giờ để tiết ra vị ngọt đặc trưng, khi ăn nghe rõ mùi thơm của hồi, quế. Ngoài ra, nước dùng cũng được nêm nếm khá đậm đà, thiên ngọt theo khẩu vị phở miền Nam. Đây chính là điểm khác biệt lớn nhất của phở Công so với phở “chọc trời”, vì phở “chọc trời” nấu theo khẩu vị miền Bắc. Tuy nhiên, do nấu cùng gân bò, tuỷ bò nên nước lèo có vị béo đậm, nếu ăn nhiều sẽ hơi ngấy một chút.
Phần nước lèo được nhiều thực khách yêu thích (Ảnh: @loveoffoods)
Một tô nhỏ và tô thường giá 40.000 đồng bao gồm thịt bò tái, nạm bò, gân bò,… Còn tô đặc biệt giá 65.000 đồng sẽ có thêm sườn bò. Hầu như ai đến quán đều gọi sườn bò vì hiện tại rất ít quán phở sử dụng sườn bò làm nguyên liệu. Phần sườn được hầm mềm rục, có thể dùng đũa róc ra dễ dàng và có mỡ xen lẫn nạc nên khi ăn khá béo. Thêm vào đó, quán còn có tự làm sốt sa tế đậm đặc, thơm mùi thảo mộc để chấm cùng sườn bò. Nếu muốn ăn bánh quẩy giòn thì quán phở Công cũng có bán.
Pha phần sốt sa tế cùng tương ớt rồi chấm với sườn bò là “đỉnh” nhất (Ảnh: @loveoffoods, @lenkycungkhoa)
So với 1 quán phở bình dân, không quá rộng hay được trang hoàng hoành tráng thì mức giá hơn 60.000 đồng vẫn hơi “nhỉnh” hơn so với mặt bằng chung. Tuy nhiên, nếu xét về nguyên liệu, nước lèo cho đến cách bày trí thì mức giá này hoàn toàn xứng đáng. Bằng chứng là lượng khách ghé quán ngày càng đông hơn và phản hồi tốt cũng nhiều. Nếu bạn cũng muốn thử hương vị phở do chính tay đầu bếp từng nấu tô phở “chọc trời” chế biến thì rủ bạn bè đến ăn ngay thôi.
Quán phở Công
Địa chỉ: 21A Trần Quý Cáp, P. 11, Q. Bình Thạnh
Giờ bán: 6h – 12h và 16h – 1h hôm sau
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/dau-bep-tung-nau-to-pho-choc-troi-gan-1-trieu-dong-tren-landmark-81-mo-quan-pho-rieng-lieu-huong-vi-co-giong-20230105142451339.chn” name=””]