Ngày Tết Nguyên đán không thể thiếu những món ăn cổ truyền. Để những món ăn đậm đà hương vị thơm ngon, đặc trưng mỗi vùng miền thì phải cần đến các loại gia vị.
Thế giới gia vị rất đa dạng, vừa có loại gia vị khô lại phong phú loại gia vị tươi giúp món ăn dậy mùi. Hãy cùng điểm lại một vài loại gia vị thường được dùng trong các món ngon ngày Tết cổ truyền nhé.
1. Muối
Muối là gia vị đầu tiên không thể thiếu được trong căn bếp yêu thương của mỗi gia đình. Muối được sử dụng nấu ăn từ thời xa xưa giúp làm sạch thực phẩm nhờ khả năng sát khuẩn và tạo nên hương vị món ăn đậm đà. Không chỉ vậy, muối còn giúp bảo quản thực phẩm được lâu dài.
Ngoài ra, muối là nguồn cung cấp i ốt quan trọng giúp ngăn ngừa nhiều bệnh như bướu cổ, tuyến giáp,…
Nhìn chung, muối là gia vị cơ bản để tạo nên được nhiều món ăn ngon mà không cần đến sự hỗ trợ của gia vị khác. Thế giới các loại muối cũng đa dạng, ngoài muối biển trắng còn có muối hồng Himalaya, muối tre Hàn Quốc,… rất nhiều các loại muối để sáng tạo trong nấu ăn.
2. Nước mắm và nước tương
Có thể nói rằng, nước mắm là tinh túy của ẩm thực Việt, là gia vị đặc trưng của nước ta. Vừa có thể làm nước chấm thơm ngon lại tạo hương vị đậm đà cho món ăn.
Nước mắm làm từ cá nên chứa nhiều đạm cung cấp năng lượng cho cơ thể. Sử dụng nước mắm trong các món ăn truyền thống dịp Tết như thế nào lại phụ thuộc vào bàn tay khéo léo của mỗi chị em nội trợ.
Bên cạnh nước mắm, nước tương cũng được sử dụng khá nhiều để chấm và ướp hoặc nấu canh. Người miền Bắc thường dùng nước mắm còn người miền Nam lại khá ưu ái nước tương trong nấu ăn.
3. Đường
Ngoài muối, đường là gia vị cơ bản không thể thiếu được trong góc bếp. Chúng được nêm nếm vào hầu hết các món ăn. Các món chè, bánh, món mặn hoặc tạo màu cho món kho đều cần đến đường.
Đường là loại gia vị nền giúp nâng hương vị của món ăn. Bên cạnh đó, chúng cũng là một trong những cách bổ sung năng lượng nhanh chóng.
Trên thị trường hiện nay có khá nhiều loại đường phù hợp cho chị em nội trợ lựa chọn để nấu ăn, làm bánh, nấu chè như đường trắng, đường nâu, đường phèn, đường thốt nốt,…
4. Giấm
Giấm được chị em nội trợ Việt sử dụng trong ngày Tết Nguyên đán cho nhiều món ăn ngon. Giấm chua giúp cân bằng vị mặn và ngọt, giúp món ăn thanh hơn. Giấm cũng được dùng để trộn salad như giấm táo, giấm nho,… Ngoài ra, người ta còn dùng giấm để khử mùi tanh của thịt cá.
5. Dầu ăn các loại
Dầu ăn không chỉ để xào rán mà còn giúp làm các món salad thêm hấp dẫn. Trên thị trường có nhiều loại dầu ăn.
Tuy nhiên, khi sử dụng dầu ăn để chế biến các món ăn ngày Tết, chị em lưu ý không nên sử dụng quá nhiều dầu, không dùng dầu chiên đi chiên lại nhiều lần và nên tìm hiểu công dụng của các loại dầu khác nhau để sử dụng cho phù hợp. Chẳng hạn, loại dầu nào phù hợp để chiên, dầu nào để xào và dầu nào để trộn salad thì hợp lý.
6. Tương ớt
Tương ớt không chỉ để chấm mà còn tham gia vào quá trình kiến tạo nên những món ăn đầy hương vị vào dịp Tết Nguyên đán. Không chỉ dùng trong các công thức kho, chiên, tương ớt có thể ướp các loại thịt, cá trước khi nhúng lẩu hoặc nướng.
7. Nước cốt dừa
Nước cốt dừa chẳng phải nguyên liệu gì xa lạ với góc bếp của các chị em nội trợ. Muốn món ăn, món bánh thêm béo ngậy, đậm vị thì nước cốt dừa là một lựa chọn tuyệt vời. Đặc biệt, trong nhiều món ăn truyền thống, thiếu đi nước cốt dừa như thiếu đi ‘linh hồn’ của món ăn đó vậy.
Nhiều người cho rằng, nước cốt dừa tươi sẽ ngon hơn nhưng nước cốt dừa đóng lon thì tiện dụng hơn nếu như chị em không mua dừa tươi có sẵn. Quy trình để tạo nước cốt dừa từ dừa tươi cũng nhiều công đoạn phức tạp cho nên dùng nước cốt dừa đóng lon vào ngày Tết tiện lợi cho chị em chế biến món ăn hơn.
Các món ăn truyền thống ngày Tết như xôi, thịt kho tàu, thịt rim, cà ri, các món chè bánh, bánh flan sẽ thêm ngậy nếu như có nước cốt dừa đồng hành. Nước cốt dừa tươi đóng lon được nhiều chị em thông thái lựa chọn hiện nay có bán khắp các siêu thị và chợ như Cocoxim, Vietcoco,…
8. Quế, tiêu, hồi và thảo quả
Tại sao lại xếp quế, tiêu, hồi và thảo quả chung một nhóm? Mặc dù, có những loại gia vị kết hợp với nhau thêm chỉ khiến món ăn ngán và không ngon. Bốn loại gia vị khô này được làm khô ‘triệt để’ đến kiệt nước để bảo quản được lâu.
Nổi bật và được dùng nhiều nhất có lẽ là hạt tiêu . Loại gia vị nấu ăn này mang lại vị cay đặc trưng, không giống cay xè của ớt, cũng không cay xộc như mù tạt. Vị cay của hạt tiêu giúp kích thích khứu giác và làm món ăn đậm đà hơn.
Chẳng hạn như món thịt kho truyền thống, chỉ cần đường, muối hoặc nước mắm và tiêu đã đủ ‘oanh tạc’ trên mâm cơm của người Việt rồi.
Quế, hồi và thảo quả là gia vị khá ‘kén’ món ăn. Chúng cần thiết cho một số món đặc trưng như phở hoặc các món ẩm thực vùng Tây Bắc. Nếu dùng không khéo các loại gia vị này, cho quá tay thì món ăn rất nồng.
9. Hành và tỏi khô
Hành và tỏi khô thường song hành với nhau trong thế giới gia vị. Chúng có tác dụng lớn trong việc tạo hương vị cho các món ăn, đặc biệt là món ăn ngày Tết. Không chỉ giúp khử mùi thực phẩm như thịt, cá, hải sản, hành và tỏi khô còn giúp món ăn đậm đà hơn. Chúng sát khuẩn, tăng khả năng miễn dịch cho cơ thể nên loại gia vị này được coi như vị thuốc quý tự nhiên bảo vệ sức khoẻ.
Hành củ và tỏi thường được phơi khô, sử dụng cả năm không hỏng và tiện dụng cho nhiều món ăn. Hành tỏi băm nhỏ, phi thơm đều là ‘mở đầu’ cho hương vị của món ăn. Chẳng hạn như bát nước chấm nem, chấm thịt mà không có tỏi băm thì đúng là nhạt nhoà.
Bên cạnh hành và tỏi khô dạng củ, ngăn gia vị nhà chị em thêm đa dạng khi sắm thêm cả bột hành, bột tỏi để nêm nếm món ăn khi cần.
Tết đã cận kề, những loại gia vị kể trên bạn có thể chuẩn bị trước mà không lo bị hỏng. Như vậy đến Tết sẽ không xảy ra nguy cơ nấu ăn mà thiếu hoặc hết gia vị.
Chúc bạn chuẩn bị Tết thật nhẹ nhàng và đón Tết thật vui bên gia đình nhé!
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/day-la-nhung-loai-gia-vi-khong-the-thieu-vao-dip-tet-chi-em-co-the-chuan-bi-ngay-tu-bay-gio-20221225193828133.chn” name=””]