Đây là một trong những ý kiến của thạc sĩ Phạm Hồng Long, phát biểu trong hội thảo về bánh mì vào sáng 11/10.
Sau khi du nhập vào Việt Nam, bánh mì được biến tấu để phù hợp với ăn hoá, thói quen ẩm thực của người Việt |
Chú trọng quảng bá
Không đơn thuần chỉ là món ăn, bánh mì đã trở thành một nét văn hoá, dấu ấn đặc trưng của người Việt. Tại hội thảo “Hành trình bánh mì Việt Nam: quảng bá và tôn vinh giá trị ẩm thực dân tộc”, một số cột mốc quan trọng về bánh mì đã được điểm lại.
Ngày 24/3/2011, bánh mì được đưa vào từ điển Oxford. Sau đó, 2013, 2014, 2016… liên tục lọt vào nhóm 10, 20 những món ăn đường phố ngon nhất thế giới do các đơn vị bình chọn uy tín đưa ra. Tháng 9 năm nay, bánh mì tiếp tục có mặt trong từ điển Merriam Webster.
Ẩm thực đóng vai trò quan trọng trong du lịch của mỗi quốc gia. Bánh mì Việt Nam được đánh giá có nhiều lợi thế trong việc tiếp cận du du khách, như: hương vị thức ăn riêng biệt, sự đa dạng trong kết hợp nguyên liệu, nhiều cửa hàng ở mọi nơi, giá cả hợp lý, chế biến nhanh, cách thức trình bày bắt mắt, tốt cho sức khỏe, tiện dụng.
Bánh mì “bóng đêm”, có kết hợp than tre từng gây sốt cách đây 2 năm |
Bánh mì đã nổi tiếng, nhưng theo Thạc sĩ Phạm Hồng Long (trưởng khoa du lịch, ĐH KHXH&NV Hà Nội) việc khai thác giá trị của chúng vẫn chưa xứng tầm trong du lịch, ở mức độ quốc gia. Theo đó, việc nâng cao nhận thức của xã hội trong tương quan giữa ẩm thực và du lịch; tập trung công tác quảng bá cho những món ăn nổi tiếng, trong đó có bánh mì là hết sức quan trọng.
Thạc sĩ Phạm Hồng Long lấy dẫn chứng ở Đức có lễ hội bia, và nhiều quốc gia đều có lễ hội tổ chức riêng cho những món ăn, thức uống nổi tiếng. Đây là dịp để thu hút du lịch, khẳng định giá trị văn hóa. Trước nay, bánh mì đã xuất hiện trong một số lễ hội ẩm thực trên khắp cả nước. Nhưng hiện tại vẫn chưa có một sự kiện riêng để vinh danh, nâng tầm cho bánh mì.
Ngoài ra, trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, cần phải đề cao giá trị của văn hóa ẩm thực. Hiện, trong nhiều văn bản, giấy tờ yếu tố này vẫn còn mờ nhạt. Hội thảo này cũng là một trong những tiền đề để tiến tới xác lập Ngày bánh mì Việt Nam, dự kiến vào ngày 24/3 hàng năm.
Tranh luận về sự xuất hiện của bánh mì tại Việt Nam
Trong khuôn khổ hội thảo, một số diễn giả trình bày về nguồn gốc của bánh mì. Trong đó, bà Nguyễn Thị Thúy Phượng, Viện trưởng Viện Mekong nêu thông tin người Pháp xây dựng những lò bánh mì đầu tiên tại phố Tràng Tiền. Những người chủ đầu tiên sử dụng nhân công người Việt, Trung Quốc. Người thợ chỉ được đứng phía sau, chứ không được hiện diện bên ngoài như hiện tại.
Tuy nhiên, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng bánh mì đã xuất hiện tại Sài Gòn vào những năm 60 của thế kỷ XIX. Ông nói miền Bắc có thể tạo ra những sự ảnh hưởng nhất định trong việc chế biến bánh, nhưng loại bánh này xuất hiện đầu tiên phải ở Sài Gòn. Tiến sĩ Vũ Thế Long cũng đồng tình với quan điểm này.
Hình ảnh bán bánh mì ngày trước ở Việt Nam |
Ngoài ra, trong tham luận, bà Thúy Phượng cho rằng đến những năm 70 của thế kỷ XX, lò điện bắt đầu thay thế lò nướng bánh bằng gạch. Tuy nhiên, ông Dương Trung Quốc cho rằng thời kỳ này miền Bắc rất khó khăn, chiến tranh nên khó thể có điện.
Nhà sử học Dương Trung Quốc lưu ý thêm là bột mì đã xuất hiện trong văn hóa ẩm thực tại Việt Nam từ trước khi bánh mì xuất hiện. Cụ thể, trong bánh bao người Hoa đã sử dụng bột mì, nhưng chưa phổ biến trong ẩm thực của người Việt. Sau năm 1975, khi an toàn lương thực của Việt Nam phụ thuộc vào Liên Xô nên bột mì ngày càng đi vào cuộc sống người dân.
Thành Lâm
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/de-xuat-to-chuc-le-hoi-banh-mi-viet-nam-a1475041.html” name=””]