Nha Trang không xa lạ với khách du lịch bởi có nhiều điểm đến đẹp. Tuy nhiên, có một nơi nhiều người đã bỏ qua mà không biết rằng ở đó, bạn có thể ngắm… vũ trụ.
Tháp thiên văn |
Khám phá vũ trụ trong… vài giờ
Đài thiên văn Nha Trang nằm trong khu vực đồi La San – Hòn Chồng, cách trung tâm thành phố khoảng 3km về phía bắc. Đi theo đường Phạm Văn Đồng, đến chân cầu vượt rẽ phải vào đường Nguyễn Đình Chiểu khoảng 300m là đến. Đây là một trong 25 điểm du lịch không nên bỏ qua của Nha Trang.
Được xây dựng vào năm 2014, đài thiên văn Nha Trang tọa lạc ở một vị trí rất đẹp để khách vừa ngắm biển Hòn Chồng từ trên cao vừa ngắm bầu trời, tìm hiểu về vũ trụ. Đài có kiến trúc tòa tháp hình trụ đứng màu trắng, bên trên là mái vòm kiểu dáng nửa hình cầu.
Bên trong tháp, ở tầng trệt có những ống kính thiên văn dành cho khách, đặc biệt là các em nhỏ, thực hành sử dụng kính thiên văn để ngắm nhìn bầu trời…
Tầng trên cùng là nơi đặt ống kính quan sát chính – một kính phản xạ có đường kính 0,5m, do công ty Marcon của Ý chế tạo và chuyển giao công nghệ. Bên trên là một mái vòm điều khiển tự động có đường kính 12m. Cấu trúc dẫn động của kính quan sát được đồng bộ với mái vòm. Kính có máy ảnh và một bộ phân tích phổ có độ phân giải hình ảnh và quang phổ cao trong vùng bước sóng rộng.
Hướng dẫn viên cho biết thời điểm quan sát bầu trời tốt nhất là từ tháng Hai đến tháng Chín. Khi ấy, bầu trời trong, không mây, cũng là thời điểm du khách đến tham quan nhiều nhất trong năm.
Một nhà chiếu hình vũ trụ, mái vòm có hệ thống 6 máy chiếu, 60 chỗ ngồi chuyên chiếu phim và hình ảnh thiên văn với hiệu ứng 3D chân thực về bầu trời và các vì sao tạo cho người xem cảm giác như đang… lơ lửng trong vũ trụ.
Nơi đây cung cấp cho người xem kiến thức về thiên văn học: một số hiện tượng thiên văn; sự phân định các mùa trong năm; sự thay đổi vị trí các thiên thể trên bầu trời; các hiện tượng quen thuộc như nhật thực, nguyệt thực… giúp thỏa mãn trí tò mò của con người, đặc biệt là trẻ em, về bầu trời và vũ trụ, từ đó khơi dậy niềm đam mê khám phá.
Vết tích bàn tay khổng lồ trên đá |
Hiện tại, đài thiên văn Nha Trang có chương trình “Khám phá vũ trụ cùng VNSC”(*), tiếp đón các đoàn khách từ 40 người trong độ tuổi từ 4 trở lên. Tùy sự lựa chọn của khách, mỗi chương trình thường từ 2-4 giờ gồm các nội dung: quan sát các chuyển động của bầu trời, hiện tượng ngày và đêm; giới thiệu một số chòm sao tiêu biểu; hiện tượng nhật thực, nguyệt thực; chuyển động nghịch hành của các hành tinh; mô phỏng bầu trời Việt Nam 4 mùa; mô phỏng du hành tới các đối tượng khác trong vũ trụ tinh vân, thiên hà…; vị trí của chúng ta trong vũ trụ; sự hình thành và phân loại thiên hà, cụm thiên hà và các cấu trúc lớn trong vũ trụ; vòng đời của sao; tìm hiểu về mặt trăng… Mỗi chương trình đều có hướng dẫn viên giải thích chi tiết, rõ ràng, dễ hiểu.
Bên cạnh đó, nơi đây còn có các hoạt động học và chơi như: học cách tháo lắp kính thiên văn, sử dụng kính thiên văn cá nhân để quan sát địa vật từ xa; tìm hiểu về cấu tạo và nguyên lý hoạt động cơ bản của tên lửa; cách tạo ra pin điện hóa, tìm hiểu về kính vạn hoa, chế tạo kính vạn hoa từ vật liệu đơn giản; ánh sáng và sự phản xạ ánh sáng, biến đổi khí hậu, môi trường, tìm hiểu về kính hiển vi…; chế tạo hệ thống lọc nước, sử dụng kính hiển vi mini để quan sát các vật thể nhỏ… Mỗi hoạt động kéo dài từ 60-90 phút, khách tham gia sẽ tự tay làm ra các sản phẩm tự chọn.
Tham quan Đài thiên văn Nha Trang hiện là một trong những chương trình ngoại khóa của học sinh các trường quốc tế ở Nha Trang. Đây thực sự là một điểm đến thú vị dành cho các bạn nhỏ, học sinh, sinh viên tới tham quan và trải nghiệm những trò chơi thiên văn học để vừa học tập, vừa tích lũy thêm nhiều điều bổ ích về vũ trụ quanh ta.
Uống cà phê, ngắm trăng Hòn Chồng – Hòn Đỏ
Thắng cảnh Hòn Chồng luôn được du khách tìm đến |
Thật thiếu sót nếu đã đến đài thiên văn Nha Trang mà không ghé danh thắng Hòn Chồng phía đối diện, nằm dưới chân đồi La San. Đứng trên đài thiên văn, bạn có thể nhìn bao quát khu vực Hòn Chồng. Nơi đây, bạn thỏa sức ngắm dãy núi cô Tiên chạy dài đến Vĩnh Lương. Ngọn núi gần nhất mang dáng dấp cô Tiên đang nằm xõa tóc thật liêu trai. Sóng biển ở Hòn Chồng không ầm ào như biển trong phố mà quanh năm lào rào dịu êm, giúp nơi đây trở thành chốn tắm biển khá an toàn.
Thắng cảnh Hòn Chồng gồm 2 cụm đá lớn trong một quần thể bãi đá, những tảng đá lớn nhỏ chồng lên nhau từ bao đời nay. Điều kỳ lạ là trên cụm đá (gồm một khối đá lớn vuông vức nằm trên một tảng đá bằng phẳng và rộng hơn) có vết lõm hình bàn tay rất lớn. Dường như bàn tay tạo hóa sắp đặt vô tình mà hữu ý: có những tảng đá dựng thành cổng đá, từ đó khách chui qua những cụm đá khác.
Nơi đây có những quán cà phê mà vào bất cứ thời điểm nào trong ngày bạn cũng có thể chiêm ngưỡng được bức tranh thiên nhiên vừa kỳ ảo, vừa nên thơ. Nếu chọn quán dưới chân dốc, buổi chiều khi thủy triều rút, bạn có thể xuống biển dạo bước và chụp ảnh. Nếu chọn quán trên đồi, bạn sẽ ngắm được không gian rộng rãi, tận hưởng một nét đẹp khác của Hòn Chồng. Vào những đêm có trăng, khó nơi nào có thể ngắm chị Hằng thú vị như ở Hòn Chồng; đặc biệt trên Hòn Đỏ.
Hòn Đá Chẻ nhìn từ đài thiên văn |
Từ Hòn Chồng nhìn về hướng thành phố, bạn sẽ thấy di tích Hòn Đỏ – một thắng cảnh trong cụm Hòn Chồng. Để qua Hòn Đỏ phải đi ghe. Trên Hòn Đỏ có chùa Từ Tôn. Tôi đã có một đêm tuyệt vời khi ngắm trăng ở Hòn Đỏ. Phía sau chùa có những phiến đá thật lớn và bằng phẳng, không che chắn tầm nhìn với biển. Nơi đó, bạn sẽ trực diện với trăng một cách tự do và thỏa sức ngắm.
Biển mênh mông trước mặt, bao la mà gần gũi. Phía chân trời, những ngọn đèn bắt đầu sáng lên, cho biết sự hiện diện của con người nơi tít tắp ấy. Gió đứng, sóng chạm vào đá tạo nên những âm thanh rất nhẹ. Nơi này dường như không tồn tại vui buồn, lo lắng, nghĩ suy. Bạn có thể thả mình nằm dài lười biếng trên phiến đá ngắm bầu trời, chờ trăng lên.
Ở chân trời, trên nền màu thẫm từ từ nhú ra đốm sáng màu hồng cam, phải tinh mắt lắm mới thấy. Vầng sáng rõ dần rồi một vòng màu đỏ chầm chậm nhô lên. Tôi cam đoan bạn sẽ nín thở chờ đợi trong hồi hộp. Khi vòng tròn tiếp giáp với mặt phẳng đạt độ sắc nét hoàn hảo, chân trời đẹp một cách mê hoặc, màu trăng đỏ huyền bí lên cao dần rồi chuyển sang màu vàng. Càng lên cao, màu vàng càng nhạt dần rồi chuyển sang ánh sáng trắng. Khi ấy, bạn chỉ muốn nằm lại trên phiến đá ngắm mặt trăng treo lơ lửng giữa biển – trời.
– Giá khách lẻ tham quan đài thiên văn vào các ngày thứ Ba, Sáu, Bảy là 119.000 đồng/người. Để ngắm bầu trời qua kính quan sát, nên đi vào khung giờ từ 18 – 20g. – Với khách đoàn, giá vé phụ thuộc vào số lượng khách và chương trình do khách tự chọn. |
(*) VNSC: Viết tắt của cụm từ Vietnam National Space Center – Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, là cơ quan thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam có trách nhiệm nghiên cứu – triển khai, đào tạo, ứng dụng công nghệ vũ trụ và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ.
Bài và ảnh: Kim Duy
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/den-nha-trang-ngam-vu-tru-a1484236.html” name=””]