Bước sang năm mới 2023, dịch COVID-19 có dấu hiệu tăng mạnh trở lại ở một số nước. Hệ thống y tế đối mặt với tình trạng dịch chồng dịch.
Số ca bệnh tăng cao tại Trung Quốc
Dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc, dù đã bước sang năm thứ tư. Phần lớn thế giới hiện đã tiến hành giao thương, đi lại không còn hạn chế, nhưng vẫn xuất hiện những điểm nóng, mà mới nhất là Trung Quốc. Thế giới đang tập trung theo dõi tình hình dịch COVID-19 tại đây, bởi mọi diễn biến tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đều có thể ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu. Từ khi thay đổi chiến lược từ tầm soát số ca mắc sang điều trị, Trung Quốc đã huy động tối đa các nguồn lực, trong bối cảnh nhiều bệnh viện ở các tỉnh thành quá tải. Cùng với giảm căng thẳng cho các bệnh viện tuyến trên, Trung Quốc cũng theo dõi sát các biến chủng virus trong cộng đồng.
Trung Quốc đã chuyển trọng tâm từ tầm soát số ca mắc sang tập trung điều trị, nhất là người cao tuổi, có bệnh nền dễ tiến triển nặng và tử vong. Từ chỗ quá tải các bệnh viện tuyến trên, hiện nay các bệnh viện tuyến quận, huyện tại Trung Quốc nhiều nơi cũng bị quá tải trước số lượng ca mắc ngoài cộng đồng tăng cao. Các ca bệnh nặng, với nhiều bệnh nền được ưu tiên nhập viện điều trị ở các tuyến trên.
Bệnh nhân COVID-19 nặng chiếm phân nửa số ca cấp cứu, phần nhiều là người trên 60 tuổi. Ngành y tế Trung Quốc đang dồn sức để đảm bảo đủ lực lượng, đủ nguồn thuốc, đủ giường bệnh… Paxlovid – thuốc đặc trị COVID-19 của Mỹ được Trung Quốc phê duyệt cũng đã được chuyển đến nhiều bệnh viện lớn để điều trị cho bệnh nhân cao tuổi. Còn hiện tại, đa phần người dân tự điều trị tại nhà do bệnh nhẹ.
Các vùng nông thôn đã tăng cường các ghế thở oxy, ghế truyền dịch, tăng cường các đội y tế lưu động tiêm vaccine, khám sốt cho người dân, nâng cấp y tế cơ sở để giảm tải tuyến trên, đón làn sóng COVID-19 dự báo tăng mạnh khi người dân đổ về quê đón Tết.
Hai hình ảnh song song tồn tại ở Trung Quốc sau ngày mở cửa là những nơi ăn uống, vui chơi đông đúc và các bệnh viện cũng đông bệnh nhân COVID-19.
Một số nước chứng kiến dịch COVID-19 phát triển mạnh trở lại
Tuy không đến mức là điểm nóng như những thời đỉnh dịch, nhưng những ngày vừa qua, một số quốc gia cũng bắt đầu chứng kiến dịch COVID-19 phát triển mạnh trở lại. Thậm chí, tại Nhật Bản, làn sóng COVID-19 này còn gây ra những hậu quả nặng nề bất thường.
7.688 người đã mất vì COVID-19 trong tháng 12 tại Nhật Bản, chưa từng có tháng nào có số ca tử vong vì COVID-19 lớn như vậy ở nước này. Với làn sóng COVID-19 thứ 8, con số tử vong đã tăng đột biến từ tháng 11. Mấy ngày cuối năm 2022, số ca tử vong ở Nhật Bản vượt con số 400 ca mỗi ngày.
Như vậy là dù mức độ bệnh nặng đã giảm khi biến thể Omicron trở nên phổ biến, nhưng do biến thể này lây dễ hơn nên số ca mắc tăng mạnh, qua đó vẫn tác động mạnh đến những đối tượng dễ tổn thương. Nhật Bản còn ghi nhận một hiện tượng mới là nhiều ca tử vong xảy ra ở những trẻ em vốn khỏe mạnh trước khi mắc COVID-19. Một cuộc thăm dò cho thấy, một nửa số trẻ em tử vong vì COVID-19 không hề có bệnh nền.
Trong khi đó tại Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) đã công bố khả năng XBB.1.5, một biến thể phụ của Omicron có thể bất ngờ nổi lên thành biến thể áp đảo. CDC Mỹ ước tính, XBB.1.5 mỗi tuần tăng gấp đôi số ca mắc COVID-19 do nó gây ra. Chỉ trong tháng 12 năm ngoái, số ca mắc do XBB.1.5 gây ra đã tăng từ khoảng 4% lên 41%.
XBB.1.5 đã được phát hiện là ít có khả năng bị trung hòa bởi các kháng thể trong máu của những người đã mắc COVID-19 và đã tiêm vaccine. Đáng lo ngại hơn, XBB.1.5 còn có đột biến giúp nó dễ gắn chặt hơn vào các tế bào nhằm đột nhập vào cơ thể người.
Áp lực dịch chồng dịch
Trong khi số ca mắc mới COVID-19 có dấu hiệu gia tăng trở lại ở một số nước, các bệnh mùa Đông cũng đang bùng phát mạnh. Điều này vô tình tạo nên tình trạng “dịch chồng dịch”. Tình trạng này đang gây ra những áp lực nhất định với hệ thống y tế các nước, nhất là trong bối cảnh nhiều quốc gia đã phải căng sức sau một thời gian dài chống dịch.
Nước Anh đang trải qua mùa Đông đầu tiên không có hạn chế về COVID-19 sau hai năm. Tuy nhiên, các bệnh viện đã ngay lập tức cảm nhận được áp lực, khi số ca bệnh mùa Đông tăng đột biến, trong bối cảnh gián đoạn các dịch vụ y tế cơ bản do đình công.
Trong những tuần gần đây, số người nhập viện vì COVID-19, cúm và bệnh do virus hợp bào hô hấp (RSV) đã tăng mạnh. Số bệnh nhân nhập viện do cúm tăng 79% so với tuần trước. Trong khi đó, bệnh do virus RSV gây ra được cảnh báo đặc biệt nguy hiểm với trẻ nhỏ, có thể dẫn tới viêm phổi và viêm tiểu phế quản.
Tiến sĩ Stephen Griffin – Chuyên gia nghiên cứu virus, Đại học Leeds, Anh: “Thông thường, bệnh do virus hợp bào hô hấp (RSV) có xu hướng đạt đỉnh điểm trước Giáng sinh, sau đó cúm bùng phát vào khoảng Giáng sinh hoặc ngay sau đó. Nhưng giờ thì cả RSV, cúm và COVID-19 xảy ra cùng lúc. Tình hình đã rất khác”.
Ông Bodo Plachter – Chuyên gia virus học, Đại học Johannes Gutenberg, Đức: “Dựa trên số liệu các ca mắc mới COVID-19 trên khắp châu Âu trong những tuần gần đây có thể thấy có sự giảm nhẹ. Nếu muốn gọi COVID-19 là bệnh đặc hữu thì chỉ là cách gọi tại thời điểm này, chứ trên thực tế COVID-19 vẫn gây ra các ca lây nhiễm và tử vong. Chúng ta vẫn phải theo dõi sát sao COVID-19 và cả những dịch khác như cúm mùa đang gia tăng. Hệ thống y tế rất có khả năng sẽ lại quá tải”.
Trong khi đó tại Mỹ, mùa cúm đến sớm hơn mọi năm và ảnh hưởng cũng nặng nề hơn. Cùng với dịch COVID-19 và làn sóng lây nhiễm virus RSV, nước Mỹ cũng đang phải đối mặt với tình trạng dịch chồng dịch. Biến thể phụ XBB.1.5 của Omicron đang gây ra làn sóng COVID-19 mới tại Mỹ. Theo thống kê mới nhất từ tuần trước, trong mùa cúm này, ít nhất 20 triệu người Mỹ đã mắc bệnh, 210 nghìn người phải nhập viện và 13 nghìn người tử vong. Các chuyên gia y tế nhấn mạnh, trong giai đoạn dịch chồng dịch như hiện nay, mọi người nên chủ động bảo vệ sức khỏe bằng cách đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và ở nhà khi có dấu hiệu mắc bệnh.
Dịch COVID-19 vẫn còn nhiều khả năng biến động và phát sinh những mối đe dọa
Thời gian gần đây, giới chức y tế một số nước muốn điều chỉnh COVID-19 giống như một loại dịch bệnh thông thường, chứ không còn là đại dịch. Vậy thì trong năm 2023, dự báo dịch COVID-19 có thể là gì?
Những ngày đầu năm mới 2023 này, các ý kiến lại khá thận trọng, cho rằng có khả năng xuất hiện biến thể né tránh được hệ miễn dịch, qua đó lây lan dễ hơn và đe dọa nhiều sinh mạng con người hơn. Bước vào năm thứ tư của đại dịch, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), biến thể Omicron đang có khoảng 540 biến thể phụ, trong đó có 5 biến thể phụ đang phải giám sát vì có khả năng biến đổi và trở thành áp đảo. Các biến thể đang ngày càng có khả năng né tránh được hệ miễn dịch của chúng ta.
Vậy làm thế nào để ngăn chặn các làn sóng dịch mới? Theo WHO, điều đó phụ thuộc vào bức tranh miễn dịch của cộng đồng, tức là phụ thuộc vào mức độ miễn dịch của chúng ta được tạo nên do đã từng mắc bệnh và nhờ đã tiêm vaccine.
Tuy nhiên, một nhận định chung của giới chức y tế thế giới là do mức độ miễn dịch trên thế giới không đồng đều và do xu hướng hoạt động không còn hạn chế hiện nay nên số ca mắc COVID-19 có thể sẽ tăng trong năm 2023. Thậm chí, các nhà khoa học đang chờ sự xuất hiện không sớm thì muộn của “pi”, biến thể kế nhiệm của Omicron.
Như vậy là dịch COVID-19 vẫn còn nhiều khả năng biến động và phát sinh những mối đe dọa đến cuộc sống bình thường mới của chúng ta trong năm 2023.
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/dich-covid-19-tang-manh-tro-lai-o-mot-so-nuoc-co-kha-nang-xuat-hien-bien-the-ne-tranh-he-mien-dich-20230105144011869.chn” name=””]