Sau khi đi qua nhiều “chấn động”, thì những “loại hình du lịch” mới lại lên ngôi. Hệt như một sự bùng nổ mạnh mẽ sau quãng thời gian dài.
Bối cảnh hậu Covid-19 là một trong những lý do khiến các trào lưu du lịch có sự biến chuyển đến chóng mặt. Năm 2022 được ví như cột mốc đánh dấu sự quay trở lại của ngành du lịch lẫn du khách sau quãng thời gian dài.
Du lịch không đơn thuần là những chuyến nghỉ dưỡng xa hoa hay những “tour” tham quan thám hiểm. Mà giờ đây, người ta lại “cài cắm” nhiều hình thức, lý do lẫn thông điệp cho những chuyến du lịch của mình. Qua đó, giới trẻ là đại diện tiêu biểu nhất cho việc hình thành những trào lưu du lịch mới lạ, và cũng có phần độc lạ. Và năm 2022 cũng là năm chứng kiến nhiều xu hướng dịch chuyển mới chưa từng được xuất hiện trong quá khứ.
Làn sóng “du lịch trả thù” bùng nổ mạnh mẽ
Thuật ngữ “du lịch trả thù” chỉ mới xuất hiện và làm mưa làm gió trong suốt 1 năm qua. Tư duy du lịch mới lạ này có nghĩa là mọi người sẵn sàng lên đường đi chơi hơn khi nhiều nước mở cửa trở lại cho du khách. Các hình thức “trả thù” có thể là thử đến một địa điểm kỳ lạ hơn, chi nhiều tiền hơn để đi du lịch hoặc kết hợp luôn cả hai.
Sau hơn 2 năm “du lịch trực tuyến”, những người đam mê du lịch tức tốc lên kế hoạch hoặc thậm chí xách vali lên để đi khám phá vùng đất mới ngay lập tức. Để bù đắp khoảng thời gian chôn chân tại nhà, mọi người đều nhộn nhịp chuẩn bị cho chuyến đi đầu tiên khi biên giới các nước dần mở cửa. Nhiều người cũng quan niệm rằng: “Cuộc sống thật ngắn ngủi” nên họ vô cùng quan trọng việc được kết nối nhiều hơn với thế giới hoặc được trải nghiệm những cảm giác lạ lẫm mà họ chưa từng thử qua.
Ảnh: Trúc Nguyễn, Cù Phương Linh
Đặc biệt là mùa hè năm 2022, thời điểm ngành du lịch trên khắp thế giới đón nhận làn sóng du khách trở lại đông đúc hơn bao giờ hết. Lần vi vu trở lại sau 2 năm không tiêu xài cho những chuyến đi, khiến người ta có thể vung tiền vào một khách sạn sang trọng hơn, một vé máy bay hạng nhất hoặc một lần trải nghiệm chi tiêu trong đời.
Nhưng trong nửa đầu năm 2022, việc đi lại vẫn còn đôi chút e dè. Nên đây là tiền đề cho những hình thức du lịch tiện lợi hoặc đơn giản hơn là những chuyến đi có quy mô lớn. Điển hình là 2 hình thức sau:
Glamping (du lịch cắm trại) – trào lưu làm mưa làm gió suốt nửa đầu năm 2022
Ảnh: Tạ Thanh Sang
Mới lạ – gần gũi lại được hòa mình với thiên nhiên, đây là những lý do mà du lịch theo kiểu cắm trại lại được nhiều bạn trẻ tìm đến trong năm 2022. Nhất là khi hình thức “glamping” (một kiểu cắm trại có đầy đủ tiện nghi) lên ngôi. Sự sang chảnh, tiện lợi của glamping đã đánh vào đúng tâm lý thích của các bạn Gen Z sau thời kỳ đại dịch.
Ảnh: Thôn Lũng, DalatCamp
Thêm vào đó là việc muốn trải nghiệm những ngày hòa mình với thiên nhiên, cỏ cây nhưng vẫn muốn an toàn, glamping đã nhanh chóng lấy lòng giới trẻ ngay từ khi loại hình này vừa xuất hiện. Những địa điểm cắm trại gần các khu đô thị, thành phố lớn cũng được mọc lên khiến loại hình này như một sự lựa chọn hàng đầu khi nghĩ đến những chuyến vi vu ngắn ngày.
“Staycation” – khi du lịch tại chỗ cũng có vô vàn thú vị
Ảnh: Monki Jun
Tuy xuất hiện đã lâu nhưng đến năm nay, hình thức này lại quay trở lại khi người trẻ vừa muốn lao đầu vào kiếm tiền mà cũng vừa muốn tìm cho mình một nơi để thư giãn, nghỉ ngơi. Thuật ngữ này là sự kết hợp giữa “stay” (ở) và “vacation” (kỳ nghỉ). Nếu thông thường, chúng ta hay hiểu kỳ nghỉ là chuyến đi xa dài ngày thì “staycation” lại là du lịch tại chỗ, giúp bạn có những trải nghiệm mới mẻ ngay nơi mình sinh sống.
Ảnh: Kỳ Duyên, Nguyễn Tài, Monki Jun
Vào thời điểm dịch ngành du lịch vẫn chưa rộng mở hoàn toàn thì hình thức này dường như là lựa chọn phù hợp nhất. Một chuyến “staycation” tại địa điểm gần trong thời gian ngắn giúp giới trẻ sẽ được nạp đầy năng lượng, lấy lại cân bằng và cảm hứng trong cuộc sống mà không cần phải tốn nhiều chi phí, thời gian như du lịch truyền thống. Hội đam mê hình thức này còn cho rằng bạn sẽ không cần bận tâm đến hành lý, hộ chiếu hoặc những lần delay máy bay khi thử qua “staycation”.
Sau đó, việc đi lại cũng đã “mạnh dạn” và được khuyến khích nhiều hơn trong giai đoạn đầu năm. Vì vậy mà việc đi du lịch dần biến thành cảm giác tận hưởng hay tranh thủ để kiếm thêm tiền, ngay cả trong lúc nghỉ dưỡng.
Trào lưu “khó hiểu” nhất: du lịch ngủ
Ảnh: Travellive
Xu hướng “độc lạ du lịch” này nhanh chóng trở nên phổ biến và trở thành trào lưu trong năm 2022. Khái niệm “Sleep tourism” (tạm dịch: Du lịch ngủ) được các cơ sở du lịch chú ý và tập trung phát triển kiến trúc, cơ sở hạ tầng, thậm chí là cả giường ngủ để đáp ứng nhu cầu đặc biệt này. Đại dịch toàn cầu cũng đóng góp lý do cho xu hướng này lan rộng đến nhiều người. Vì theo một khảo sát trên tạp chí Y học, chất lượng giấc ngủ của nhiều người đã bị giảm hẳn kể từ khi bắt đầu đại dịch.
Ảnh: CNN.
Mà thông qua câu trả lời của tiến sĩ Rebecca Robbins (một nhà nghiên cứu về giấc ngủ) đã trả lời với CNN Travel: “Mọi người cũng thường liên tưởng việc đi du lịch với những bữa ăn xa xỉ, những điểm tham quan và những điều cần làm khi đi du lịch. Những điều này gần như phải trả giá bằng giảm thời gian ngủ. Còn bây giờ, tôi nghĩ rằng vừa có một sự thay đổi địa chấn lớn trong nhận thức và ưu tiên của cộng đồng là về sức khỏe và thể chất”. Giới trẻ ngày càng quan tâm vào việc tận hưởng giấc ngủ trong những chuyến du lịch của mình. Xu hướng này còn phù hợp hoàn toàn với những người thường xuyên mất ngủ, thiếu ngủ hoặc cảm thấy mệt mỏi trong công việc.
Du lịch kết hợp làm việc, hình thức lý tưởng cho dân văn phòng
Ảnh: Marriot
Loại hình du lịch kết hợp làm việc từ xa mang tên “workation” được biết đến từ sau xu hướng du lịch tại chỗ “staycation” trong năm 2022. Sau đại dịch, nhiều nhân viên văn phòng, người làm việc tự do muốn tạm thời tách khỏi môi trường làm việc quen thuộc để đến một địa điểm mới để nghỉ ngơi nhưng vẫn mong muốn hoàn thành công việc. Thế nên, “workation” được xem là giải pháp lý tưởng giúp giới công sở hay lao động tự do thực hiện kỳ nghỉ mong muốn mà vẫn hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Ảnh: Vinpearl, Trip On
Không những vừa kiếm được tiền trong lúc đi du lịch, mà hình thức này còn mang đến nhiều ưu điểm như tăng khả năng sáng tạo, năng lượng được bơm đầy cũng như cải thiện sức khỏe về tinh thần, thể chất của người lao động. Cũng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 mà “workation” được dự đoán sẽ trở thành một loại hình quan trọng trong tương lai của ngành du lịch, ít nhất là trong vài năm tới.
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/diem-danh-nhung-trao-luu-du-lich-noi-dinh-dam-trong-nam-cua-su-tro-lai-2022-20230115195128508.chn” name=””]